Dự án Khu du lịch biển The Song trên tuyến đường ven biển Đà Nẵng xây dựng dang dở, hoang phế. |
Gam màu tối
Chạy dọc theo tuyến đường ven biển nối TP. Đà Nẵng với Hội An (Quảng Nam), không khó để bắt gặp những hình ảnh trái ngược, bên cạnh những resort và khách sạn sang trọng, tấp nập du khách, là những dự án đã “đắp chiếu” nhiều năm qua, với những khối bê tông, sắt thép hoen rỉ và cỏ dại mọc um tùm.
Khu du lịch Trung Kỳ - Viêm Đông (phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn), là dự án điển hình như vậy. Theo tìm hiểu, tháng 5/2014, tỉnh Quảng Nam quyết định giao đất có thu tiền sử dụng đất với diện tích 18.446 m2 cho Công ty cổ phần Kinh doanh quản lý bất động sản Trung Kỳ - Viêm Đông để xây dựng Khu du lịch Trung Kỳ - Viêm Đông. Trong đó, cơ cấu sử dụng đất của dự án là khách sạn 6.158 m2, nhà nghỉ 7.575 m2, nhà hàng 2.507 m2, câu lạc bộ 2.206 m2, Thời hạn sử dụng đất đến năm 2063.
Tổng số hộ dân ảnh hưởng của dự án là 24 hộ, giá trị phương án bồi thường, hỗ trợ được phê duyệt là hơn 3,3 tỷ đồng. Việc bồi thường của dự án được thực hiện vào năm 2013, thị xã Điện Bàn đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Dự án sau đó được chủ đầu tư xây dựng một số hạng mục, nhưng rồi dừng thi công. Đến nay, bất chấp sự phục hồi của thị trường du lịch, dự án này vẫn án binh bất động, chưa có dấu hiệu của việc đầu tư xây dựng trở lại, dần trở nên hoang phế.
Theo UBND thị xã Điện Bàn, nhiều dự án, trong đó có các dự án du lịch nằm trên trục đường ven biển tại địa phương chậm tiến độ. Tại khu vực phía Đông đường ĐT.603B (đường ven biển), có 16 dự án. Trong đó 15 dự án đang triển khai và 1 dự án đã được UBND tỉnh thu hồi. Đáng chú ý, có 6 dự án vướng mắc giải phóng mặt bằng kéo dài qua nhiều năm. Còn khu vực phía Tây đường ĐT.603B có 12 dự án, trong đó 10 dự án đang triển khai, 1 dự án đã được UBND tỉnh thu hồi và 1 dự án đang lựa chọn nhà đầu tư.
Tương tự, Dự án Hội An Golden Sea (phường Cẩm An, TP. Hội An) do Công ty cổ phần Đầu tư Năm Sao làm chủ đầu tư cũng thi công dang dở. Dự án có tổng diện tích khoảng 6,98 ha, với quy mô gồm 5 khu khách sạn và 8 biệt thự mặt tiền biển An Bàng, với mức đầu tư ban đầu 996 tỷ đồng, sau đó nâng lên hơn 2.000 tỷ đồng. Được khởi công năm 2019, nhưng sau hai lần được gia hạn tiến độ, dự án này không thể hoàn thành…
Tại Đà Nẵng, dọc tuyến đường ven biển cũng có những dự án du lịch trong tình cảnh hoang phế. Trong đó, Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp ven biển Đà Nẵng (The Song) và Dự án Hòn Ngọc Á Châu nằm cạnh nhau, chiếm một diện tích lớn. Dự án The Song đã xây dựng nhiều hạng mục trên tổng diện tích 12 ha. Vào năm 2018, chính quyền quận Ngũ Hành Sơn phát hiện dự án xây dựng không phép một số công trình, lấn chiếm bãi biển, nên đã lập biên bản đình chỉ thi công. Từ đó đến nay, các hạng mục công trình xây dựng dở dang, những khối bê tông, sắt thép hoen gỉ theo thời gian, nằm trơ trọi bên bờ biển Đà Nẵng.
Còn Khu du lịch Hòn Ngọc Á Châu được giới thiệu có vốn đầu tư lên đến 4.800 tỷ đồng, được khởi công từ năm 2010, nhưng đến nay dự án vẫn chỉ xây được tường bao quanh, còn lại phần lớn là bãi đất trống đầy cỏ dại.
Hai dự án khác là Khu du lịch biển Non Nước do Công ty TNHH I.V.C làm chủ đầu tư và Dự án Khu du lịch ven biển DAP, DAP 1, DAP 2 của Công ty TNHH DAP cũng chưa hoàn thành.
Nhiều vướng mắc
Những dự án triển khai dang dở tạo nên “gam màu tối” trên bức tranh đẹp của tuyến đường ven biển Đà Nẵng - Hội An. Thế nhưng, đến bao giờ các dự án này hoàn thành vẫn chưa có câu trả lời.
Các khu du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự cao cấp khu vực ven biển gồm: Dự án Khu du lịch biển The Song của Công ty cổ phần Phát triển đô thị du lịch Sóng Việt (hiện là Công ty cổ phần Phát triển đô thị du lịch Quảng An Đà Nẵng); Dự án Khu du lịch ven biển của Công ty cổ phần Hòn Ngọc Á Châu và Dự án DAP, DAP 1, DAP 2 đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500.
Nhưng sau đó, TP. Đà Nẵng có chủ trương quy hoạch một số công viên bãi tắm, lối xuống biển kết nối trục đường chính và tiếp cận bãi biển, phục vụ cộng đồng... Trong đó, có 3 lối xuống biển phải thực hiện thu hồi đất tại 3 dự án nêu trên. Sau khi bị thu hồi đất để thực hiện dự án lối xuống biển, các nhà đầu tư phải thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch dự án theo phần diện tích đất còn lại sau khi bị thu hồi.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng, giai đoạn 2016-2022, TP. Đà Nẵng có 73 dự án thuộc các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhà ở, đô thị; du lịch, thương mại dịch vụ được cấp chủ trương đầu tư. Ngoài ra, có 8 dự án được cấp chủ trương đầu tư trước năm 2016, nhưng chậm triển khai; trong đó có Dự án DAP Việt Nam của Công ty TNHH DAP, Dự án DAP 1 Việt Nam của Công ty TNHH DAP 1, Dự án DAP 2 Việt Nam của Công ty TNHH DAP 2; Dự án Khu du lịch ven biển Hòn Ngọc Á Châu của Công ty vổ phần Hòn Ngọc Á Châu; Dự án Khu du lịch biển I.V.C của Công ty TNHH I.V.C…
Nguyên nhân chủ yếu các dự án chậm triển khai là do năng lực tài chính của một số chủ đầu tư còn hạn chế, quá trình triển khai dự án kéo dài, có dự án tạm dừng triển khai. Đại dịch Covid-19 cũng khiến việc thực hiện thủ tục triển khai dự án bị ảnh hưởng, lĩnh vực du lịch dịch vụ bị tác động nặng nề. Ngoài ra, một số dự án trong quá trình lập thủ tục về quy hoạch, xây dựng bị vướng mắc; dự án khác lại vướng mắc về thủ tục đất đai đang chờ tháo gỡ…
Việc thu hồi đất của các dự án để làm lối xuống biển cũng gặp một số vướng mắc liên quan đến kiểm đếm, xác định giá trị tài sản mà chủ đầu tư đã thực hiện tại dự án. Theo Sở Xây dựng Đà Nẵng, Thành phố đang tích cực hỗ trợ các chủ đầu tư trong công tác điều chỉnh chủ trương đầu tư (nếu có), điều chỉnh quy hoạch, thẩm định thiết kế, cấp phép xây dựng… để các dự án sớm triển khai xây dựng và hoàn thành.
Còn tại Quảng Nam, ông Nguyễn Hưng, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam cho biết, hiện tại, tỉnh Quảng Nam có 58 dự án du lịch ven biển. Tỉnh đã thu hồi 5 dự án, 53 dự án còn hiệu lực để tiếp tục triển khai.
“Quảng Nam có 26 dự án du lịch ven biển đã đi vào hoạt động, góp phần lớn vào thu hút du khách cho du lịch tỉnh. Công suất sử dụng phòng của các cơ sở du lịch ven biển bình quân cuối tuần là trên 80%, trong tuần là trên 60%... Những dự án du lịch ven biển được đầu tư, đi vào hoạt động, không chỉ thúc đẩy phát triển ngành du lịch, mà còn đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”, ông Hưng nói thêm.
Tuy nhiên, vẫn còn một số dự án du lịch ven biển triển khai không đảm bảo tiến độ, do vướng mắc về công tác bồi thường; thủ tục triển khai đầu tư dự án kéo dài, khó khăn trong sản xuất, kinh doanh… Có 3 nhóm vướng mắc nhà đầu tư đang gặp phải, đó là ký quỹ bảo đảm doanh nghiệp theo quy định; do điều chỉnh quy hoạch chung; khó khăn về nguồn vốn. Trong đó, rất nhiều doanh nghiệp khó khăn về ký quỹ bảo đảm doanh nghiệp theo quy định. Với dự án thương mại, dịch vụ quy mô khoảng 3.000 hoặc 4.000 tỷ đồng thì số tiền ký quỹ rất lớn.
Theo ông Hưng, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều văn bản chỉ đạo để giải quyết các dự án chậm tiến độ, trong đó có những dự án du lịch ven biển. Theo đó, tỉnh yêu cầu tháo gỡ, giải quyết đối với từng nhóm vấn đề các dự án chậm tiến độ; phấn đấu xử lý, giải quyết dứt điểm các dự án chậm tiến độ trước ngày 31/12/2024. “Quảng Nam sẽ xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ, không để phát sinh thêm các dự án chậm tiến độ”, ông Nguyễn Hưng khẳng định.