Đầu tư
Loạt chính sách đột phá gỡ vướng đầu tư công: Thúc “vốn mồi” chảy nhanh vào nền kinh tế
Trần Mạnh - 30/10/2024 14:02
Hôm qua (29/10), Quốc hội nghe và thảo luận về Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi. Hàng loạt quy định đột phá trong Dự thảo, như tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, dự án đi qua nhiều địa phương thì giao một địa phương làm đầu mối, mạnh mẽ phân quyền… được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh vốn đầu tư công chảy vào nền kinh tế.
Với những sửa đổi đột phá, hy vọng tiến độ dự án được đẩy nhanh nhờ tháo gỡ điểm nghẽn giải phóng mặt bằng ảnh: đ.t

Gỡ vướng giải phóng mặt bằng

Theo Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi được Chính phủ trình Quốc hội, có 5 nhóm chính sách sửa đổi chính. Đó là thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước; thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; đơn giản hóa trình tự, thủ tục, bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật.

Trong đó, chính sách tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; phân cấp, phân quyền cho địa phương và đơn giản hóa thủ tục đầu tư, chuẩn bị dự án được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều đột phá nhất.

Cụ thể, Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án (bao gồm cả dự án nhóm B, C). Việc áp dụng thí điểm chính sách này tại Khánh Hòa cho thấy, tiến độ dự án đã được rút ngắn 6-8 tháng. Đồng thời, xóa bỏ vòng luẩn quẩn hiện nay về giải phóng mặt bằng (giải phóng mặt bằng chậm - đội chi phí - điều chỉnh dự án - làm chậm giải phóng mặt bằng).

Đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà (tỉnh Hòa Bình) cho hay, giải ngân vốn đầu tư công chậm là vấn đề nổi lên trong cả nhiệm kỳ này, với vướng mắc chủ yếu ở giải phóng mặt bằng.

Theo đại biểu này, ở các nước, việc giải phóng mặt bằng, bản vẽ thi công… đều được đưa vào khâu chuẩn bị đầu tư. Khi dự án xong khâu chuẩn bị, thì bố trí vốn là có thể triển khai ngay. Còn ở nước ta, theo quy định của Luật Đầu tư công và các luật liên quan, khâu chuẩn bị đầu tư mới chỉ dừng ở bước phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư. Sau khi có quyết định đầu tư, được bố trí vốn mới bắt đầu đi khảo sát, thiết kế…, mà thực chất vẫn ở bước chuẩn bị đầu tư. Vì vậy, việc tách giải phóng mặt bằng sẽ giải quyết được điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công hiện nay.

Ngoài ra, Dự thảo cũng đưa ra nhiều đề xuất đột phá, nhiều chính sách đơn giản hóa trình tự, thủ tục, như dự án đi qua nhiều tỉnh thì giao một tỉnh làm đầu mối thực hiện, dự án đi qua nhiều huyện thì giao một huyện làm đầu mối triển khai; đơn giản hóa trình tự, thủ tục lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; đề xuất quy định hạn mức 20% đối với các dự án vắt qua hai kỳ trung hạn không áp dụng đối với dự án quan trọng quốc gia…

Tăng phân cấp, phân quyền, kỳ vọng “vốn mồi” chảy nhanh vào nền kinh tế

Ngoài gỡ vướng về giải phóng mặt bằng, Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi lần này đưa ra loạt quy định đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.

Cụ thể, Dự thảo luật quy định phân cấp, thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Thủ tướng Chính phủ; phân cấp thẩm quyền quyết định sử dụng dự phòng chung vốn ngân sách trung ương, các khoản vốn ngân sách trung ương chưa phân bổ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn từ Quốc hội cho Thường vụ Quốc hội; phân cấp thẩm quyền cho UBND các cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương do cấp mình quản lý…

Dự thảo cũng đề xuất nâng quy mô dự án quan trọng quốc gia lên 30.000 tỷ đồng, quy mô dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C lên gấp 2 lần. Người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do cơ quan, tổ chức mình quản lý với quy mô vốn dưới 10.000 tỷ đồng; dự án nhóm A từ 10.000 tỷ đồng đến dưới 30.000 tỷ đồng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý; phân cấp thẩm quyền cho chủ tịch UBND các cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm...

Trao đổi với các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ trước đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền thực hiện đúng tinh thần Hội nghị Trung ương 10: địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Khi đã phân cấp mạnh mẽ cho địa phương, Chính phủ và Quốc hội sẽ giữ vai trò kiến tạo, xây dựng cơ chế, chính sách và kiểm tra, giám sát một cách “đúng vai, thuộc bài” như Tổng Bí thư đã yêu cầu.

Đa số ý kiến của cơ quan thẩm tra (Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội) thống nhất với các đề xuất của Chính phủ. Song vẫn có một số ý kiến bày tỏ băn khoăn. Chẳng hạn, việc tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập cần quy định chặt chẽ để tránh hoang phí; việc phân cấp thẩm quyền cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý cần có biện pháp kiểm soát quyền lực để hạn chế việc lạm quyền…

Theo các đại biểu Quốc hội, áp lực giải ngân vốn đầu tư công nhiệm kỳ này rất lớn (2,87 triệu tỷ đồng), riêng năm 2025, dự kiến Chính phủ phải giải ngân 790.000 tỷ đồng vốn đầu tư công. Do đó, khắc phục “bệnh” chậm giải ngân vốn đầu tư công là vấn đề cấp bách và giải pháp đầu tiên phải từ đột phá thể chế.

“Tôi đã đọc Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi, cũng như dự thảo một luật sửa 4 luật trong lĩnh vực đầu tư. Các dự thảo này có ý nghĩa lớn trong hoàn thiện thể chế, nếu được thông qua sẽ tháo gỡ vấn đề ách tắc trong khu vực đầu tư công”, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) nhận định.

Sửa Luật Đầu tư công sẽ khiến nhiều dự án đóng băng đi vào cuộc sống

Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi kỳ này luật hóa một số quy định mà thực tế đã chứng minh là đúng. Thời gian qua, việc thí điểm tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, thống nhất một đầu mối giải quyết dự án liên vùng… đã chứng minh được hiệu quả rõ rệt trong thực tế, giúp tháo gỡ nhanh các vướng mắc trong thực hiện các dự án đầu tư công. Do đó, việc Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi luật hóa những điều mà thực tế đã chứng minh đúng đắn là rất cần thiết. Ngoài ra, Luật cũng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng giá trị của các dự án trọng điểm quốc gia, dự án loại B và C, giúp các địa phương và bộ, ngành chủ động quyết định được nhiều dự án hơn…

Với những sửa đổi đột phá này, Dự thảo Luật Đầu tư công, nếu được thông qua, sẽ góp phần giải quyết điểm nghẽn đầu tư hiện nay. Theo đó, những dự án đóng băng sẽ giảm bớt, nhiều dự án sẽ đi vào cuộc sống.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM)
Tin liên quan
Tin khác