Thời sự
Nâng quy mô vốn dự án đầu tư công là cần thiết
Kỳ Thành - 29/10/2024 11:06
Thẩm tra Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án (thực chất là đẩy mạnh phân cấp) là cần thiết.
 Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày tóm tắt thẩm tra Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn

Trình bày báo cáo tóm tắt thẩm tra Dự án Luật đầu tư công (sửa đổi) tại Quốc hội sáng nay (29/10), ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) của Quốc hội cho biết, Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020. Thời gian qua, việc triển khai thực hiện các quy định của Luật là một bước tiến lớn, đảm bảo công khai, minh bạch, hạn chế tình trạng xin - cho trong quản lý, sử dụng nguồn lực của Nhà nước, góp phần và tạo điều kiện để đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm trong đầu tư xây dựng cơ bản.

Tuy nhiên, sau gần 5 năm thực hiện, Luật Đầu tư công năm 2019 cũng đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, vướng mắc, đa số ý kiến Ủy ban TCNS nhất trí về sự cần thiết nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét Luật Đầu tư công (sửa đổi) nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật.

Ủy ban TCNS đánh giá, Chính phủ trình dự thảo Luật sửa đổi với nhiều nội dung quan trọng, bao gồm 5 nhóm vấn đề lớn, nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư; thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; đơn giản hóa trình tự, thủ tục và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Ủy ban TCNS cho rằng, việc sửa đổi luật cần xem xét về tổng thể, đánh giá toàn diện những tồn tại, hạn chế để khắc phục các vướng mắc, khó khăn trong thực hiện đầu tư công, nhằm phát huy tối đa hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, vì vậy, nhất trí về phạm vi sửa đổi luật.

Tuy nhiên, số lượng các điều/khoản luật thay đổi nhiều, phạm vi sửa đổi lớn; nhiều nội dung thể chế hóa các cơ chế, chính sách đặc thù mới được thí điểm, triển khai thực hiện trong thời gian ngắn; đòi hỏi phải đánh giá kỹ về tác động chính sách và nghiên cứu, rà soát thận trọng để bảo đảm việc ban hành luật phù hợp với yêu cầu của thực tế.

Cụ thể, về việc tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập. đa số ý kiến Ủy ban TCNS thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc cho phép tách công tác đền bù, tái định cư thành dự án thành phần độc lập trong tổng thể dự án đối với tất cả các nhóm dự án.

Tuy nhiên, đề nghị quy định chặt chẽ tại các điều, khoản để đảm bảo công tác đền bù, tái định cư gắn với đầu tư hoàn thành dự án, không để hoang phí và tổng thời gian bố trí vốn thực hiện 2 dự án thành phần độc lập để hoàn thành các chương trình, dự án không được vượt quá quy định về thời gian thực hiện dự án.

Về quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ giao một UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên, đa số ý kiến Ủy ban TCNS cho rằng, việc đổi mới để tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương là cần thiết và phù hợp với định hướng tại Kết luận số 93-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ NSNN để bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và chủ động của ngân sách địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Tuy nhiên, các nội dung này mới được triển khai thực hiện trong thời gian ngắn, áp dụng cho một số công trình, dự án cụ thể; do vậy, cần có báo cáo bổ sung, đánh giá kỹ tác động của chính sách để ĐBQH, Quốc hội xem xét quyết định. Đồng thời, đề nghị quy định cụ thể trong dự thảo Luật về tiêu chí, điều kiện để lựa chọn địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án và quy định về trách nhiệm của các địa phương trong công tác đền bù, tái định cư của dự án.

Về nâng quy mô vốn đầu tư công: Chính phủ đề xuất điều chỉnh về tiêu chí mức vốn để xác định dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A, B, C. Trong đó, tiêu chí vốn để xác định dự án quan trọng quốc gia tăng 3 lần; Tiêu chí vốn đối với các dự án nhóm A, B, C tăng 2 lần so với quy định hiện hành.

Đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS cho rằng, quy định phân loại dự án đầu tư công đã được thực hiện từ năm 2015, đến nay, điều kiện về kinh tế, xã hội, năng lực quản lý đã có nhiều thay đổi, do vậy, việc điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án (thực chất là đẩy mạnh phân cấp) là cần thiết. Song việc điều chỉnh cần được tính toán theo một tỷ lệ thống nhất giữa các loại dự án.

“Đề nghị xem xét thêm mức tăng quy mô vốn của các nhóm dự án so với quy định hiện hành để phù hợp với mức tăng trưởng GDP, năng lực quản lý dự án của các bộ, ngành, địa phương và chỉ số giá xây dựng quốc gia đã được ban hành qua các năm”, ông Mạnh nói.

Ngoài ra, Ủy ban TCNS cũng đánh giá một số nội dung khác trong dự thảo luật liên quan đến việc bố trí vốn ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội; phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch ĐTCTH vốn NSTW giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; phân cấp thẩm quyền quyết định việc phân bổ dự phòng chung kế hoạch ĐTCTH vốn NSTW; phân cấp thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý; các quy định về vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài…

Tin liên quan
Tin khác