Dự án Khu du lịch ven biển Hòn ngọc Á châu của Công ty cổ phần Hòn ngọc Á châu chậm tiến độ nhiều năm |
Nhiều dự án “ngâm” tiến độ gần 10 năm
Tại Đà Nẵng, khá nhiều dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư/quyết định chủ trương đầu tư từ trước năm 2016, nhưng chậm triển khai. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các dự án chưa triển khai, chậm triển khai là do năng lực tài chính của một số chủ đầu tư còn hạn chế, quá trình triển khai dự án kéo dài, có dự án tạm dừng triển khai.
Cùng với đó, một số dự án trong quá trình lập thủ tục về quy hoạch, xây dựng bị vướng mắc do không phù hợp với quy hoạch phân khu năm 2017, hoặc quy hoạch chung, phải chờ quy hoạch phân khu mới ban hành hoặc điều chỉnh quy hoạch chung, thì mới có cơ sở triển khai các thủ tục tiếp theo như phê duyệt quy hoạch chi tiết, thiết kế cơ sở… Một số dự án vướng mắc về thủ tục đất đai đang chờ tháo gỡ và một vài dự án giải phóng mặt bằng chậm, dẫn đến chậm bàn giao đất thực tế cho nhà đầu tư…
-Dự án DAP Việt Nam của Công ty TNHH DAP
-Dự án DAP 1 Việt Nam của Công ty TNHH DAP 1
-Dự án DAP 2 Việt Nam của Công ty TNHH DAP 2
-Dự án Khu du lịch ven biển Hòn ngọc Á châu của Công ty cổ phần Hòn ngọc Á châu
-Dự án Khu phức hợp trung tâm thương mại khách sạn 5 sao và căn hộ cao cấp Da Nang Center của Công ty cổ phần Địa ốc Vũ Châu Long
-Dự án Khu du lịch biển I.V.V của Công ty I.V.C
-Dự án Khu phức hợp cao cấp thương mại, văn phòng, khách sạn và chung cư cao cấp Golden Square của Công ty cổ phần Địa ốc Đông Á (dự án đã chấm dứt hoạt động)
-Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn, căn hộ cao cấp Viễn Đông Meridian của Công ty cổ phần Địa ốc Viễn Đông (dự án đã chấm dứt hoạt động)
Về nguyên nhân khách quan, Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng cho rằng, trong 2 năm dịch bệnh Covid-19 bùng phát (2020 - 2021), quá trình thực hiện các thủ tục triển khai dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng do giãn cách xã hội, kinh tế khó khăn, nguồn nguyên vật liệu, lao động bị đứt gãy. Sau đại dịch, kinh tế toàn cầu và Việt Nam tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tác động của tình hình chính trị thế giới, làm ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập, tiêu dùng của người dân, nguồn tài chính của doanh nghiệp ngày càng eo hẹp. Do vậy, nhiều doanh nghiệp phải xây dựng lại phương án hoạt động sản xuất, kinh doanh cho phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị cũng như nhu cầu thị trường. Điều này dẫn đến có nhiều dự án chậm tiến độ thực hiện so với dự kiến ban đầu.
“Nhờ” Thành phố tìm nhà đầu tư để chuyển nhượng dự án
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, liên quan đến Dự án Khu phức hợp trung tâm thương mại khách sạn 5 sao và căn hộ cao cấp Da Nang Center của Công ty cổ phần Địa ốc Vũ Châu Long tại khu đất số 8 - Phan Châu Trinh, ngày 12/2/2024, công ty này kiến nghị, trong trường hợp Thành phố tiếp tục thu hồi đất Dự án để sử dụng vào mục đích công cộng, Công ty đồng ý và đề nghị được bồi thường bằng tiền mặt, hoặc hoán đổi bằng quyền sử dụng đất tại một khu đất khác của Thành phố có giá trị tương đương.
Phương án thứ hai, trong trường hợp hủy bỏ việc thu hồi đất, Công ty cổ phần Địa ốc Vũ Châu Long không đủ năng lực tài chính để tiếp tục triển khai Dự án và “nhờ” Thành phố hỗ trợ tìm nhà đầu tư để chuyển nhượng Dự án.
Ngày 23/3/2024, Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng thông báo ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh. Theo đó, trong trường hợp Công ty cổ phần Địa ốc Vũ Châu Long không đủ năng lực tài chính để tiếp tục triển khai Dự án và đề nghị Thành phố hỗ trợ tìm nhà đầu tư quan tâm để giới thiệu cho Công ty chuyển nhượng dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương nghiên cứu, xử lý kiến nghị này của doanh nghiệp cho phù hợp với quy định.
Người đứng đầu chính quyền TP. Đà Nẵng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan làm việc, thống nhất với Công ty cổ phần Địa ốc Vũ Châu Long trên tinh thần sẽ điều chỉnh lại quy hoạch phù hợp để Công ty có thể tiếp tục triển khai Dự án.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng đã có công văn gửi Công ty cổ phần Địa ốc Vũ Châu Long, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư để tìm kiếm đối tác mới tham gia Dự án nhằm sớm đưa Dự án vào triển khai xây dựng. Các đơn vị đang tìm kiếm đối tác.
Đối với Dự án Khu phức hợp cao cấp thương mại, văn phòng, khách sạn và chung cư cao cấp Golden Square của Công ty cổ phần Địa ốc Đông Á, Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng đã chấm dứt hoạt động dự án này. Công ty cổ phần Địa ốc Đông Á đang thực hiện các thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.
Trong khi đó, sau khi chấm dứt hoạt động Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn, căn hộ cao cấp Viễn Đông Meridian (số 84 - Hùng Vương), khu đất 11.170,6 m2 (đất thương mại dịch vụ) đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất cho Công ty TNHH MTV Kinh Bắc Đà Nẵng. Được biết, nhà đầu tư mới đã được cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đang thực hiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch.
Ông Võ Nguyên Chương, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho biết, cơ quan này đã có các văn bản đề nghị các chủ đầu tư dự án ven biển báo cáo tiến độ thực hiện dự án. Tuy nhiên, do có nhiều vướng mắc như thu hồi đất, quy hoạch phân khu…, nên các dự án chậm triển khai.
“Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng đã làm việc với các chủ đầu tư dự án để xác định hành vi chậm đưa đất vào sử dụng, gia hạn tiến độ sử dụng đất. Các chủ đầu tư cũng có cam kết sẽ triển khai dự án trong năm 2024, có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án”, ông Chương cho hay.
Đối với các dự án chậm tiến độ do vướng mắc liên quan đến điều chỉnh quy hoạch phân khu, bà Hương cho biết, UBND TP. Đà Nẵng đang tập trung đẩy nhanh tiến độ lập, điều chỉnh các quy hoạch phân khu. Đến nay, UBND TP. Đà Nẵng đã phê duyệt phân khu ven sông Hàn bờ Đông, phân khu ven vịnh Đà Nẵng, phân khu đô thị Sườn Đồi, phân khu Cảng Liên Chiểu, phân khu Công nghệ cao. Đồng thời, đã chỉ đạo Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện tích cực hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các thủ tục về quy hoạch, xây dựng để nhà đầu tư sớm triển khai dự án.
Cũng theo bà Hương, đối với các dự án chậm tiến độ hoặc hết tiến độ, nhưng chưa triển khai thực hiện do vướng mắc về đất đai, UBND TP. Đà Nẵng đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với đơn vị liên quan tích cực nghiên cứu, tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của Thành phố, sớm xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Đà Nẵng tiếp tục làm việc với các bộ, ngành Trung ương để có hướng tháo gỡ cho các dự án đang gặp vướng mắc.
“Đối với các dự án đang triển khai chậm tiến độ hoặc hết tiến độ nhưng chưa triển khai xây dựng (nguyên nhân từ nhà đầu tư), UBND TP. Đà Nẵng giao Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra tiến độ sử dụng đất, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra việc chậm tiến độ dự án, qua đó nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để báo cáo UBND TP. Đà Nẵng giải pháp tháo gỡ phù hợp, xử lý nghiêm các trường hợp chủ đầu tư không triển khai dự án theo quy định”, bà Hương thông tin.