Lúng túng
Gần như toàn bộ thời gian của Hội nghị Tổng kết 2 năm triển khai thí điểm ứng dụng KHCN hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng theo Quyết định số 24/QĐ - BGTVT ngày 7/1/2016 do Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) tổ chức vào đầu tuần này được dành cho việc xác định “thân phận” của hai đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài là Công ty TNHH Grab Taxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam.
Ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, cả Grab và Uber ngay khi triển khai đề án thí điểm đều khẳng định “chỉ là đơn vị kinh doanh phần mềm ứng dụng mà không tham gia kinh doanh vận tải để kết nối lái xe và khách hàng”. Tuy nhiên, trên thực tế, các đơn vị này đang tự quy định giá cước vận tải, điều động phương tiện và có thực hiện thu tiền của hành khách.
Grab và Uber có phải chỉ là đơn vị kinh doanh phần mềm ứng dụng để kết nối lái xe và khách hàng hay không? |
“Đây là các yếu tố được quy định cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải, chứ không phải là đơn vị cung cấp phần mềm thuần túy”, ông Lâm khẳng định.
Ông Lâm cho biết: “Sở GTVT TP.HCM đang xây dựng quy hoạch phương tiện giao thông, vận tải, nhưng rất lúng túng khi xác định Uber, Grab là taxi, hay là doanh nghiệp cung cấp phần mềm kết nối vận tải để quy hoạch rõ ràng”.
Theo Sở GTVT TP.HCM, trước khi có sự xuất hiện của Grab, Uber (năm 2015), loại hình kinh doanh vận tải theo hợp đồng đối với xe ô tô 9 chỗ trở xuống hầu như không đáng kể. Từ năm 2009 đến nay, lượng xe dưới 9 chỗ tham gia kinh doanh vận tải tăng đột biến, với 28.355 xe thuộc 303 đơn vị vận tải được sở này cấp phù hiệu xe hợp đồng. Điều này làm tăng mật độ lưu thông, dừng, đậu trên đường để đón khách của loại xe ô tô dưới 9 chỗ, khiến tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố diễn biến hết sức phức tạp.
Chung nỗi quan ngại với đại diện Sở GTVT TP.HCM, ông Nguyễn Văn Dần, Phó giám đốc Sở GTVT Khánh Hòa cho rằng, Uber, Grab tuyên bố chỉ cung cấp ứng dụng đặt xe, nhưng lại quyết định giá, mức khuyến mại, thu tiền qua tài khoản của lái xe. Như vậy, Uber, Grab hoạt động như chủ thể kinh doanh vận tải, chứ không phải là chỉ thực hiện dịch vụ cung cấp ứng dụng.
“Đây là sự nhầm lẫn có tính toán. Trong khi các nhà cung cấp phần mềm đặt xe của Việt Nam lại rất minh bạch, vì họ bán phần mềm cho doanh nghiệp vận tải, việc điều hành đặt xe, mức giá do doanh nghiệp vận tải quyết định”, ông Dần nói. Theo ông, cả Uber và Grab không có văn phòng ở Khánh Hòa, cơ quan quản lý không biết liên hệ với ai.
“Dành” cho 2 đối thủ ngoại những bình luận gay gắt, lãnh đạo Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Taxi Vinasun) cho biết, phần mềm kết nối đặt xe của Uber, Grab là đang cung cấp trực tiếp chỉ đạo kinh doanh, chứ không chỉ cung cấp phần mềm. Do đó, ông này cho rằng, cần định danh dịch vụ vận tải Grab, Uber là đơn vị kinh doanh vận tải hành khách.
“Trên thế giới không có nước nào gọi Grab, Uber là xe hợp đồng điện tử, nhưng nước ta lại dùng thuật ngữ cho loại hình này. Hợp đồng điện tử là phương thức giao tiếp không phải hoạt động kinh doanh. Các hãng taxi không tán thành Uber và Grab là xe hợp đồng điện tử”, ông Trương Đình Quý, Phó tổng giám đốc Vinasun nói.
Đại diện Vinasun cho rằng, Grab và Uber đang gây ra sự hỗn loạn và lũng đoạn thị trường taxi tại Việt Nam, đẩy các hãng taxi truyền thống đứng trước bờ vực phá sản. Đây là lý do mà Vinasun một mặt đề nghị Bộ GTVT xem xét đình chỉ việc thực hiện thí điểm của Grab, Uber, mặt khác đề nghị thanh tra lại nghĩa vụ nộp thuế của hai đơn vị này.
Giám sát chặt Uber, Grab
Được biết, sau 2 năm thực hiện Quyết định số 24/QĐ - BGTVT, đã có 4/5 địa phương chính thức tham gia thí điểm là Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hòa và TP.HCM (Đà Nẵng chưa triển khai); có 10 đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng để thực hiện Hợp đồng vận tải điện tử. Ngoài ra, Bộ GTVT đã nhận được đề xuất đề án của 7 công ty, nhưng chưa được chấp thuận do chưa có ý kiến của địa phương.
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, hiện có 866 đơn vị vận tải (doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải) với 36.809 phương tiện tham gia thí điểm. Trong đó, trên địa bàn TP.HCM có 506 đơn vị vận tải, 3 nhà cung cấp phần mềm, với 21.601 xe tham gia thí điểm; TP. Hà Nội có 7 nhà cung cấp phần mềm, với 354 đơn vị vận tải, 15.046 xe tham gia thí điểm; Quảng Ninh 4 đơn vị vận tải, 2 đơn vị cung cấp phần mềm, với 62 xe; Khánh Hòa có 2 nhà cung cấp phần mềm (đồng thời là đơn vị vận tải), với 100 xe tham gia thí điểm.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, sau 2 năm thí điểm dù thu được nhiều kết quả, nhưng còn nhiều bất cập đối với cả với cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp, như chưa phân biệt xe ứng dụng hợp đồng điện tử với xe taxi trong khi hình thức hoạt động giống nhau, nhưng chịu điều kiện kinh doanh khác nhau; taxi cho là bị cạnh tranh khốc liệt, bất bình đẳng; việc đóng thuế của xe hợp đồng điện tử chưa minh bạch…
Dự định kiến nghị Chính phủ cho phép các đơn vị tham gia đề án thí điểm kéo dài hoạt động cho đến sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ - CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị các địa phương rà soát, báo cáo lại việc thí điểm một lần nữa. Trong báo cáo phải nêu rõ chính kiến, đề xuất giải pháp về số lượng xe thí điểm ở địa bàn, dừng lại hay tiếp tục thí điểm xe hợp đồng điện tử để Bộ GTVT tổng hợp báo cáo Thủ tướng.
Cũng theo Thứ trưởng Thọ, thời gian tới, 4 địa phương đã được chọn thí điểm phải thường xuyên kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải đối với Uber và Grab. Các đơn vị cung cấp phần mềm kết nối vận tải nếu không thực hiện theo đúng các quy định trong thí điểm và phạm vi được phép thí điểm sẽ phải dừng hoạt động cung cấp dịch vụ và bị kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định.
“Xu thế ứng dụng công nghệ trong vận tải mang lại nhiều lợi ích cho xã hội và được coi là xu thế tất yếu của cuộc cách mạng công nghệ. Các cơ quan quản lý sẽ cố gắng tạo được môi trường bình đẳng, minh bạch cho mọi thành phần tham gia kinh doanh vận tải hoạt động có cơ hội tham gia và tuân thủ pháp luật”, ông Thọ khẳng định.