Báo cáo trong buổi làm việc của đoàn công tác của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, Tổng Giám đốc CTCP Lọc dầu Bình Sơn (mã BSR) Bùi Minh Tiến cho biết Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất luôn vận hành ổn định ở 107% công suất thiết kế, khối lượng sản xuất khoảng 5,16 triệu tấn. Tổng sản lượng tiêu thụ khoảng 5,10 triệu tấn. Doanh thu ước đạt hơn 75.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 6.920 tỷ đồng.
Sau khi IPO từ 17/01/2018, BSR chuyển thành Công ty cổ phần từ ngày 01/7/2018. Hiện PVN/BSR đang triển khai kế hoạch thoái vốn, bán 49% vốn điều lệ.
Theo ông Lê Xuân Huyên - Phó Tổng Giám đốc PVN đồng thời cũng là Chủ tịch HĐQT BSR, từ khi đi vào hoạt động đến nay, nhà máy đã đạt hơn 1 triệu tỷ đồng doanh thu, nộp ngân sách hơn 7 tỷ USD; nhập 862 chuyến dầu thô, chế biến 68,3 triệu tấn dầu thô và bán ra thị trường 62,1 triệu tấn sản phẩm.
Thời kỳ đầu vận hành Nhà máy, BSR phải thuê hơn 200 chuyên gia nước ngoài; đến nay chỉ còn 20 chuyên gia thực hiện nhiệm vụ tư vấn vận hành, bảo dưỡng cho Nhà máy. Công nhân, kỹ sư Việt Nam đã làm chủ, nắm vững khoa học kỹ thuật lọc dầu.
Trong 9 tháng đầu năm, BSR đã thử nghiệm chế biến thành công dầu thô WTI Midland (Mỹ), thử nghiệm thành công nâng công suất một số phân xưởng, góp phần gia tăng hiệu quả. BSR tiếp tục chế biến thử nghiệm lô dầu Bonny Light vào tháng 10/2019. Ngoài ra, về công tác tiết kiệm chi phí, lãnh đạo BSR cho biết Nhà máy vận hành sản xuất ổn định tại công suất tối ưu, đồng thời các khoản chi phí sản xuất kinh doanh ngoài dầu thô như hóa phẩm xúc tác, chi phí sản xuất chung,… đều thấp hơn so với kế hoạch đề ra.
Bắt đầu từ ngày 01/11 tới, thuế suất nhập khẩu dầu thô là 5% nếu có xuất xứ từ các nước, khu vực không thực hiện đối xử tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Việt Nam như Azerbaijan, Lybia… sẽ được giảm về 0%. Đối với thay đổi từ chính sách này, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết đây là cơ hội rất lớn trong chiến lược dầu thô của BSR vì dầu thô Azeri (xuất xứ từ Azerbaizan) là dầu thô chiến lược của NMLD Dung Quất.
Liên quan đến dự án Nâng cấp mở rộng nhà máy, ông Nghiêm Đức Dương - Phó Tổng Giám đốc BSR kiêm Trưởng Ban quản lý dự án cho biết tổng mức đầu tư dự án là 1,813 triệu USD. Cơ cấu vốn đầu tư sẽ gồm 30% là vốn chủ sở hữu, còn lại là vốn vay. BSR đã đề ra 3 kịch bản vốn là thu xếp từ các khoản vay nước ngoài, trong nước đảm bảo bằng bảo lãnh vay vốn của PVN và khoản vay trực tiếp từ cổ đông/PVN.