Doanh nghiệp
Lọc dầu Dung Quất: Muốn “săn” cổ đông trước hết phải minh bạch
Thanh Hương - 17/11/2015 14:15
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa công bố quyết định về việc cổ phần hoá Công ty TNHH MTV Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) – đơn vị đang quản lý Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch HĐTV của BSR cũng cho hay, mục tiêu đặt ra là trong năm 2016 sẽ tiến hành cổ phần hoá BSR.

Hiện thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp của BSR được quyết định là ngày 31/12/2015.

Ông Giang cho biết, BSR đang triển khai các bước cần thiết để xác định giá trị doanh nghiệp theo quy định. “BSR hoạt động trong lĩnh vực mà Nhà nước vẫn nắm giữ 65% vốn điều lệ khi tiến hành cổ phần hoá”, ông Giang nói. Nhà đầu tư được nhắm tới trong việc cổ phần hoá BSR là cả trong nước và ngoài nước có tiềm lực cũng như các cổ đông đại chúng.

“Có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới việc mua cổ phần của BSR thời gian qua, tuy nhiên, tới nay có những đối tác đã ra đi và vẫn có những đối tác đang tìm hiểu. Chúng tôi rất hoan nghênh và luôn chào đón các nhà đầu tư nước ngoài muốn mua cổ phần của BSR”, ông Giang nói.

BSR phải công khai và minh bạch nhiều thông tin hơn nữa về thực trạng hoạt động khi thực hiện cổ phần hoá.

BSR đang quản lý nhà máy lọc dầu duy nhất của cả nước là Dung Quất với công suất 6,5 triệu tấn/năm. Song  tới năm 2017, danh vị “duy nhất” này sẽ là quá khứ khi Liên hợp Lọc hoá dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động với quy mô 10 triệu tấn dầu thô/năm.

Các sản phẩm chính của BSR là propylene, polypropylene, khí hóa lỏng, xăng RON 92 và 95, xăng E5/E10, nhiên liệu phản lực JET A1, dầu hỏa, dầu diesel, dầu nhiên liệu và lưu huỳnh. Tính từ lúc vào hoạt động đến nay, BSR đã sản xuất 36,283 triệu tấn sản phẩm xăng dầu các loại; đạt doanh thu thuần trên 710.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 120.300 tỷ đồng. Ngoài ra, tính đến tháng 11/2015, BSR đạt mốc 5 triệu giờ công an toàn.

BSR cũng đang triển khai Dự án mở rộng và nâng cấp Nhà máy Lọc dầu Dung Quất lên quy mô 8,5 triệu tấn dầu thô/năm với số vốn đầu tư 1,9 tỷ USD.

Việc cổ phần hoá BSR không phải là sự kiện bất ngờ, bởi 5 năm trước, các lãnh đạo của PVN thông báo đã nhận được sự đồng ý về chủ trương về việc có thể bán tới 49% cổ phần Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cho nhà đầu tư nước ngoài. Không những thế, lãnh đạo của PVN cũng như của BSR từng cho phóng viên Báo Đầu tư hay, do vốn lớn nên việc bán cổ phần của BSR khó hy vọng vào các nhà đầu tư trong nước. 

Các tên tuổi nước ngoài được nhắc tới trong thời gian qua là có quan tâm tới việc mua cổ phần của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất gồm có JX Nippon (Nhật Bản), Petróleos de Venezuela SA (Venezuela) và SK (Hàn Quốc) hay Gazprom Neft (LB Nga). Tuy nhiên, tới thời điểm này, chỉ còn một ứng cử viên duy nhất là Gazprom Neft, nhưng lại chưa thể xác định khi nào, ­BSR sẽ bán được cổ phần bởi chưa đàm phán xong các ưu đãi nếu mua cổ phần tại BSR. 

Năm 2014, BSR đã thuê Công ty TNHH Pricewaterhouse Coopers Việt Nam xác định giá trị tài sản, làm cơ sở cho việc đàm phán chuyển nhượng vốn với nhà đầu tư nước ngoài. Gazprom Neft cũng thuê các công ty  tư vấn kỹ thuật, thương mại, luật, tài chính và thuế gồm Allens, Earn & Young, TPC để tiến hành đánh giá cụ thể Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Theo BSR, tại thời điểm 31/12/2014, doanh nghiệp có vốn điều lệ  35.000 tỷ đồng, với trên 1.500 lao động. 

Dù vậy, với thông tin cổ phần hoá BSR mới đây trong xu thế giá dầu thế giới vẫn đang ở mức thấp, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có thể không chỉ tìm kiếm vốn ở các đại gia, mà còn muốn trở thành công ty đại chúng.

Nhưng để thu hút được các cổ đông là nhà đầu tư trong nước hay cổ đông đại chúng, BSR sẽ phải minh bạch và rõ ràng nhiều thông tin về mình hơn, bởi đây là lĩnh vực có chuyên môn kỹ thuật cao, quy mô vốn đầu tư lại lớn. Chưa kể trong năm 2015, liên tục có thông tin Nhà máy Lọc dầu Dung Quất lo đóng cửa, khó bán hàng,  khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu, hết chỗ chứa thành phẩm.

Hiện tại, thông tin chính thức được BSR đưa ra không có nhiều và chỉ dừng lại ở quy mô hoạt động, công suất sản phẩm, tổng doanh thu và nộp ngân sách. Con số quan trọng nhất là lợi nhuận chưa bao giờ được chủ động công khai với báo giới.

Trong báo cáo của PVN vào tháng 6/2015 với cơ quan hữu trách cho hay, từ khi hoạt động, tháng 5/2010 đến hết năm 2014, BSR lỗ 1.048 tỷ đồng. Số lỗ này được cho là khiêm tốn, bởi kết quả sản xuất kinh doanh của BSR chịu tác động lớn của cơ chế ưu đãi.

Theo PVN, nếu không có cơ chế này, BSR chưa bao giờ có lãi, thậm chí liên tục thua lỗ, năm lỗ ít nhất trên 3.100 tỷ đồng, cao nhất là năm 2014 lỗ tới 7.136 tỷ đồng. Nghĩa là, trong giai đoạn tháng 5/2010 đến hết năm 2014, nếu không có khoản ưu đãi trên, Dung Quất lỗ lên tới 27.600 tỷ đồng.

Đáng nói là cơ chế ưu đãi này cũng chỉ còn được kéo dài tới hết năm 2018, tức là chỉ được áp dụng trong 3 năm nữa. Sau thời điểm đó, hoạt động của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ bị ảnh hưởng ra sao là chưa thể dự đoán được, nhất là khi Liên hợp Lọc hoá dầu Nghi Sơn bắt đầu đi vào hoạt động với hàng loạt ưu đãi được áp dụng.

Nhưng không cần chờ tới hết năm 2018, nhiều ý kiến cho rằng, ngay từ năm 2016, khi thuế nhập khẩu dầu diesel từ khu vực ASEAN về 0%, dầu Dung Quất sẽ đắt hơn nhập khẩu từ ASEAN là 10%, tương đương 5,98 USD/thùng (với giá tháng 9/2015), khiến càng khó cạnh tranh với hàng ngoại.

Với những thực tế này, để cổ phần hoá BSR được như mong đợi, chặng đường phải đi không hề dễ.

Tin liên quan
Tin khác