Chủ yếu dùng dầu thô trong nước
Năm 2018, Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất có kế hoạch sử dụng 7,221 triệu tấn dầu thô. Đáng chú ý là nguồn dầu thô cung cấp cho Nhà máy vẫn chủ yếu đến từ các mỏ trong nước, với 6,8 triệu tấn (gồm Bạch Hổ 3,592 triệu tấn, Sư Tử Đen 1,407 triệu tấn, Tê Giác trắng 1,328 triệu tấn, Đại Hùng, Rồng, Chim Sáo…).
Với nguồn dầu thô đầu vào như trên, NMLD Dung Quất có kế hoạch sản xuất 6,282 triệu tấn xăng dầu. Trong đó, phần tiêu thụ nội địa là 5,756 triệu tấn, gồm 2,468 triệu tấn dầu diesel (DO) và 2,788 triệu tấn xăng. Ngoài ra, còn có gần 500.000 tấn nhiên liệu Jet A1 và khoảng 526.000 tấn xăng dầu sẽ được xuất khẩu.
NMLD Dung Quất vẫn chưa phải áp dụng tiêu chuẩn mức 4, tương đương Euro 4 cho xăng dầu sản xuất ra từ ngày 1/1/2018. |
Nguồn tin của Báo Đầu tư cho hay, điểm đáng chú ý trong kế hoạch sản xuất năm 2018 của NMLD Dung Quất chính là việc doanh nghiệp này vẫn chưa phải áp dụng tiêu chuẩn mức 4, tương đương Euro 4 cho xăng dầu sản xuất ra từ ngày 1/1/2018.
Trước đó, Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với các loại xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu đã đặt mốc 1/1/2017 để đạt tiêu chuẩn khí thải mức 4 và từ ngày 1/1/2022 đạt mức 5. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất ô tô than phiền rằng, xăng dầu trong nước chưa đáp ứng tiêu chuẩn để đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 của xăng, nhiên liệu diezel, nhiên liệu sinh học phân phối trong nước, cũng như nguồn nhập khẩu phải đáp ứng.
Trước tình hình trên, tháng 3/2017, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu: “Bộ Công thương chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu có kế hoạch cung ứng, phân phối xăng dầu mức 4, 5 trên thị trường, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô theo quy định của Quyết định 49/2011/QĐ-TTg, trong quý IV/2017, hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng và thương mại cần thiết để bảo đảm cung ứng dầu diesel mức 4 ra thị trường muộn nhất là ngày 1/1/2018”.
Dẫu vậy, mốc 1/1/2018 cũng được xem là không khả thi với NMLD Dung Quất bởi tính chất lịch sử. NMLD Dung Quất có sản phẩm đầu tiên vào tháng 2/2009 và được bàn giao thương mại vào tháng 5/2010 với chất lượng sản phẩm tuân thủ theo quy định về chất lượng sản phẩm của Việt Nam.
Vào tháng 9/2011, khi Quyết định 49/2011/QĐ-TTg được ban hành, Nhà máy đã có mục tiêu nâng cấp, mở rộng quy mô hoạt động và nâng cấp chất lượng sản phẩm. Ở thời điểm hiện nay, việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cùng với việc mở rộng nhà máy lên 8,5 triệu tấn dầu thô đầu/năm được lên kế hoạch hoàn thành vào năm 2022.
Dĩ nhiên, trong thời gian chưa nâng cấp, NMLD Dung Quất chỉ có thể sản xuất xăng và diesel đáp ứng chỉ tiêu chất lượng mức 2, với năng lực sản xuất 2,48 triệu tấn xăng và 2,33 triệu tấn diesel/năm.
Điểm nhấn cổ phần hóa
Mặc dù lên kế hoạch cổ phần hóa trong quý IV/2017, nhưng tới thời điểm hiện nay, BSR vẫn chưa được phê duyệt phương án cổ phần hóa. Chia sẻ với báo giới hồi tháng 5/2017, ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng giám đốc BSR cho hay, đã gửi thư mời tới 15 quỹ trong và ngoài nước mua cổ phần. Theo kế hoạch, BSR dự kiến chào bán 5-6%, phần còn lại chào bán cho các nhà đầu tư định danh và các nhà đầu tư chiến lược.
Lãnh đạo BSR cũng từng tiết lộ sẽ tìm kiếm khoản vay 1,2 tỷ USD từ nguồn vốn nước ngoài để đầu tư cho Dự án Mở rộng NMLD Dung Quất trước khi cổ phần hoá vào năm 2017. Tuy nhiên, có lẽ khoản vay này sẽ không thể đủ và nguồn tài chính chỉ có thể trông đợi vào số tiền thu được sau IPO.
Các thông tin trong khoảng 1 tháng trở lại đây được BSR đưa ra cũng cho thấy, đã có những nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư với doanh nghiệp. Đó là Tập đoàn Repsol (Tây Ban Nha) - doanh nghiệp đang có hoạt động dầu khí tại 37 quốc gia và mong muốn không chỉ sở hữu cổ phần tại BSR, mà còn tham gia sâu hơn vào công tác quản trị, điều hành, thương mại, mua bán dầu thô.
Trước đó, Tập đoàn Tín Thành, có trụ sở tại TP.HCM, cũng đã tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư trong quá trình cổ phần hóa của BSR. Các thông tin cho hay, Tín Thành đã xem xét việc mua cổ phần của BSR đến 5% (khoảng 2.000 tỷ đồng) trong năm 2017 và mong muốn trở thành cổ đông chiến lược, được mua đến 55% cổ phần của BSR.
Theo ông Trần Đình Quyền, Chủ tịch Tập đoàn Tín Thành, nhóm nhà đầu tư do Tín Thành làm đại diện mong muốn sở hữu 55% cổ phần của BSR, vì họ muốn trực tiếp tham gia quản trị và điều hành công ty về sau, nhằm nâng cao hiệu quả khi bỏ vốn đầu tư. “Việc sở hữu 55% cổ phần của BSR sẽ giúp chúng tôi có tiếng nói quan trọng trong vấn đề cải tạo và nâng cấp NMLD Dung Quất và quản trị doanh nghiệp sau này”, ông Quyền nói.
Tuy nhiên, để việc cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại BSR mang lại hiệu quả cao còn phụ thuộc vào những cơ chế, chính sách dành riêng cho ngành lọc hóa dầu. Trong quá khứ, kể từ năm 2010, nhiều nhà đầu tư nước ngoài thuộc hàng khủng trong ngành dầu khí đã quan tâm tới việc mua cổ phần tại NMLD Dung Quất với những đề xuất hỗ trợ ưu đãi. Kết quả là đến giờ, “cô dâu” vẫn chưa được gả.
Còn với thực tế hiện nay, chuyện các nhà đầu tư dõi theo cơ chế, chính sách được dành cho Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn để tính toán thiệt hơn khi quan tâm tới NMLD Dung Quất là điều dễ hiểu. Đáng nói là hiện nay, một số khúc mắc liên quan đến vấn đề bao tiêu sản phẩm của Lọc hóa dầu Nghi Sơn, với các giải pháp cụ thể về thuế xăng dầu, vẫn chưa có phương án chính thức.