Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn vận hành bình thường trở lại từ chiều 15/1/2023. |
Ông Lê Nguyễn Quốc Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn cho biết, từ 15 giờ chiều ngày 13/1/2023, nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đã hoàn thành toàn bộ việc sửa chữa cơ khí, đưa nhà máy hoạt động trở lại. Chỉ 2 ngày sau, từ 15h ngày 15/1/2023, nhà máy đã hoạt động đạt 100% công suất, có thể tiếp tục tăng công suất trong thời gian tới.
"Chúng tôi cam kết bảo đảm cung ứng đủ lượng xăng dầu đáp ứng nhu cầu thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán đồng thời chủ động tăng công suất cao nhất trước kỳ bảo dưỡng định kỳ trong năm để bù đắp sản lượng trong thời gian bảo dưỡng, góp phần cung ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu thị trường và an ninh năng lượng quốc gia", ông Lê Nguyễn Quốc Vinh khẳng định.
Lọc dầu Nghi Sơn gặp sự cố rò rỉ tại khớp nối giãn nở nhiệt giữa tháp tái sinh xúc tác tầng 1 và 2 của phân xưởng RFCC (cracking xúc tác tầng sôi) từ cuối tháng 12/2022, khiến nhà máy này giảm công suất vận hành xuống 85%.
Riêng sản lượng xăng dầu cung ứng từ nhà máy giảm khoảng 20-25% so với kế hoạch trong tháng 1, tương đương gần 200.000 m3 (kế hoạch ban đầu là 800.000 m3 và hiện giảm về 600.000 m3), ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu.
Trước đó, ngày 12/1, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đã làm việc với Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn để kiểm tra, nắm rõ sự việc.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu nhà máy phải bằng mọi cách, mọi giá Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cùng với bên bao tiêu của PVN bảo đảm nguồn cung ra thị trường như sản lượng đã cam kết. Bộ trưởng nhấn mạnh, phải huy động nguồn dự trữ thương mại kể cả thành phẩm, bán thành phẩm, liên kết với Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn và trong các kho dự trữ bảo đảm sản lượng giao cho các doanh nghiệp đầu mối không được giảm so với cam kết.
Bộ trưởng đề nghị ngay sau khi khắc phục sự cố thì phải khẩn trương đẩy công suất đến tối đa để có lượng hàng tối đa bù đắp cho khoảng hơn 50 ngày nhà máy thực hiện bảo dưỡng định kỳ năm 2023, kể cả sản phẩm và bán thành phẩm, bằng việc tăng công suất kho chứa, thậm chí phải thuê để có sản lượng hàng dự trữ lớn nhất.