Hiện BSR đã làm việc trực tiếp với 17 quỹ đầu tư và 5 đối tác, là các tập đoàn lớn muốn tham gia làm đối tác chiến lược. |
Lắm kẻ dập rình
Dự kiến ngày 17/1/2018, Công ty TNHH MTV Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) sẽ tiến hành bán đấu giá công khai lần đầu ra công chúng (IPO) 7,79% vốn điều lệ - tương đương 242 triệu cổ phần, với giá khởi điểm 14.600 đồng/cổ phần.
Ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng giám đốc BSR cho hay, đã tính toán cẩn thận về tỷ lệ cổ phần mang ra IPO với khả năng hấp thụ của thị trường. “BSR là doanh nghiệp lớn nhất mang ra bán cổ phần nên không thể đơn giản là tính phần trăm vốn điều lệ sẽ bán mà tung ra bao nhiêu còn dựa trên dòng tiền, không thể bán quá nhiều để thành hàng ế và 8% là giá trị tối ưu”, ông Nguyên nói.
Nhà nước sẽ nắm giữ 43% vốn điều lệ tại BSR. Ngoài phần bán cho người lao động, có 7,79% vốn điều lệ sẽ được đấu giá công khai và nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu tới 49% vốn điều lệ.
Tính toán của BSR cho hay, việc IPO có thể thu về cho nhà nước khoảng 4.000 tỷ đồng và với việc bán tiếp cổ phần cho đối tác chiến lược sẽ mang về thêm gần 1 tỷ USD nữa cho ngân sách.
Với giá khởi điểm 14.600 đồng/cổ phiếu, theo ông Nguyên, nhà đầu tư “chưa mua đã có lãi ngay” khi so sánh với các doanh nghiệp họ dầu khí đang giao dịch trên sàn.
Hiện BSR đã làm việc trực tiếp với 17 quỹ đầu tư và 5 đối tác, là các tập đoàn lớn muốn tham gia làm đối tác chiến lược.
Trong số đó, có hai công ty nước ngoài kinh doanh lĩnh vực hóa dầu định mua tối đa cổ phần cho phép (ở mức 49%) là World Petro (Mỹ) và MacronPetro Petroleum (châu Phi). Ngoài ra, các tên tuổi khác trong ngành lọc hoá dầu thế giới như Repsol (Tây Ban Nha), Rosneft (Nga), SK (Hàn Quốc), PTT (Thái Lan) hay Petroleum Brunei, Pertamina (Indonesia), SRC (Singapore) cũng được BSR cho biết là có mong muốn mua được cổ phần của BSR.
Bên cạnh các đối tác nước ngoài, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) được biết cũng mong muốn trở thành đối tác chiến lược thông qua việc mua cổ phần của BSR. Việc Petrolimex có thể trở thành cổ đông của BSR cũng không quá ngạc nhiên với những người quan tâm bởi hiện Petrolimex đã có đối tác ngoại là JX Nippon sở hữu 8% vốn điều lệ trong khi nhà phân phối xăng dầu có thị phần lớn nhất thị trường Việt Nam này lại không hề sở hữu bất cứ nhà máy lọc dầu nào để biện minh cho việc sở hữu này, đặc biệt khi phân phối xăng dầu là lĩnh vực không mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài.
Đường đua vẫn còn dài
Tới thời điểm cổ phần hoá, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã đi vào vận hành được 9 năm và đang thực hiện Dự án đầu tư mở rộng quy mô sản xuất.
Tại Quyết định 1978/QĐ-TTg, phê duyệt phương án cổ phần hóa, vốn điều lệ BSR được xác định 31.004 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức vốn điều lệ nêu trên chưa bao gồm nhu cầu vốn đầu tư cho Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sau thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.
Theo tờ trình của BSR, Dự án nâng cấp, mở rộng cần tổng vốn đầu tư 1,806 tỷ USD, trong đó vốn chủ sở hữu/vốn vay tối thiểu là 30%/70%, tức phải vay thêm khoảng 1,26 tỷ USD.
Mặc dù Công ty đã có kế hoạch về phương án dòng tiền của dự án, trong đó dòng thu vào và chi ra để cân đối trả đúng hạn nợ dài hạn, gồm nợ đang có là gần 29.000 tỷ đồng và nợ sẽ vay để đầu tư Dự án mở rộn nhưng cũng mong muốn Chính phủ bảo lãnh cho khoản vay để thực hiện Dự án mở rộng của công ty.
“Chúng tôi mong muốn được bảo lãnh của Chính phủ để có cơ hội tiếp cận được nguồn tiền vay tối ưu cho dự án. Hiệnn Công ty không bị áp lực về nguồn vay cho dự án, song vẫn cân nhắc để có được nguồn vốn vay lãi suất thấp và thời gian vay dài hạn”, ông Nguyên nói.
Lợi nhuận sau thuế cộng dồn của BSR đến nay là hơn 17.000 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 6 tỷ USD.
Lẽ dĩ nhiên các nhà đầu tư không chỉ quan tâm tới các kết quả đã đạt được trong quá khứ của BSR mà còn quan tâm tới tương lai của doanh nghiệp, nhất là khi trong năm 2018, Liên hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn sẽ bắt đầu vận hành thương mại với công suất có thể đạt tới 10 triệu tấn dầu thô/năm.
Hiện một số khúc mắc liên quan đến vấn đề bao tiêu sản phẩm của Lọc hóa dầu Nghi Sơn, với các giải pháp cụ thể về thuế xăng dầu, vẫn chưa có phương án chính thức.
“Khi mở cửa thị trường bắt đầu lộ trình hội nhập và giảm thuế với các nước, Nhà máy lọc dầu Dung Quất không được thêm gì từ thu điều tiết mà còn phải bù thêm và BSR đã đề nghị không thu, không bù để sòng phẳng với thị trường. Kể từ khi được bỏ thu điều tiết, hoạt động của BSR lành mạnh hơn với lợi nhuận năm 2017 khá tốt”, ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch HĐQT của BSR cho hay.
Theo cam kết của phía Việt Nam, Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn được áp dụng mức giá bán buôn tại cổng nhà máy là giá nhập khẩu cộng thuế nhập khẩu 7% đối với các sản phẩm lọc dầu và 3% cho các sản phẩm hóa dầu (ngoại trừ 5% cho LPG). Nếu thuế suất nhập khẩu thấp hơn thì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ phải thanh toán cho Nghi Sơn số chênh lệch giữa thuế suất nhập khẩu thực tế và thuế suất 7% hay 3% nói trên.