Đầu tư
Lọc hóa dầu Vũng Rô chờ ngày bấm nút
Thi Anh - 10/09/2013 06:41
Được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cùng sự ủng hộ tối đa của nhân dân tỉnh Phú Yên, Dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Vũng Rô đã cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị, chờ ngày bàn giao mặt bằng để tiến hành bấm nút khởi công xây dựng.

Tín hiệu này đã mang lại sự kỳ vọng rất lớn cho địa phương về cơ hội phát triển thời kỳ hậu lọc hóa dầu; người dân bản địa hy vọng vào sự đổi thay cuộc sống, đặc biệt là dân vùng Dự án; cộng đồng doanh nghiệp mong chờ thêm cơ hội trong công việc…

Lãnh đạo Trung ương và địa phương rất quan tâm đến Dự án
Nhà máy Lọc hóa dầu Vũng Rô

Bước ngoặt cho kinh tế Phú Yên

Dự án có tổng vốn đầu tư gần 3,18 tỷ USD (tương đương 66.775,8 tỷ đồng) do Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô làm chủ đầu tư, được triển khai xây dựng tại xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, thuộc Khu công nghiệp Hòa Tâm - Khu kinh tế Nam Phú Yên.

Dự án có diện tích đất sử dụng 538 ha, trong đó đất xây dựng nhà máy 404 ha, đất mặt bằng xây dựng Cảng Bãi Gốc 134 ha (chưa tính phần diện tích lấn biển).

Ngoài ra, Dự án còn được phê duyệt sử dụng 500 - 1.300 ha diện tích mặt nước (diện tích cụ thể theo Dự án Cảng Bãi Gốc được phê duyệt).

Mục tiêu của Dự án là xây dựng nhà máy chế biến và phân phối các sản phẩm lọc hóa dầu từ dầu thô (bao gồm polypropylen, benzen, toluene, xylene, propane, LPG, xăng RON 92, xăng RON 95, nhiên liệu phản lực, diesel, dầu FO, lưu huỳnh…) và các sản phẩm hóa dầu khác.

Bên cạnh đó, Nhà máy còn có mục tiêu xuất nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu khí, hóa dầu; vận chuyển, lưu trữ dầu thô, các sản phẩm dầu khí, hóa dầu và kinh doanh bến cảng, kho chứa thuộc Công ty.

Chủ đầu tư Dự án cũng được giao đầu tư xây dựng đê chắn sóng; đầu tư xây dựng hoàn chỉnh Cảng Bãi Gốc theo hướng kết hợp cảng chuyên dụng lọc hóa dầu, cảng hàng tổng hợp, cảng hàng rời khô, cảng container và các bến dịch vụ phục vụ chung cho cả Khu kinh tế Nam Phú Yên.

Quy mô đầu tư cụ thể và phương án quy hoạch chi tiết tổng mặt bằng khu vực cảng thực hiện theo quy hoạch được phê duyệt.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, ông Lê Văn Trúc, Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Phú Yên cho biết, Dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Vũng Rô sẽ là bệ phóng để thu hút đầu tư về hóa dầu và công nghiệp phụ trợ sau lọc dầu, cùng với lợi thế về sử dụng chung Cảng nước sâu Bãi Gốc.

Bên cạnh đó, Dự án sẽ góp phần đáng kể giải quyết công ăn việc làm cho địa phương, tăng nguồn thu ngân sách, hỗ trợ các lĩnh vực khác tại Phú Yên phát triển theo.

Theo ông Trúc, đến thời điểm này, Phú Yên có thể yên tâm vạch ra phương án xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực hậu hóa dầu. Gần đây nhất, đoàn khoa học và doanh nghiệp Belarus đã đến Phú Yên tìm hiểu, xúc tiến đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất phân bón hàm lượng kali cao. Đây có thể là tín hiệu đáng mừng cho địa phương.

Ông Trúc cũng chia sẻ rằng, khó khăn lớn nhất của địa phương vẫn là vấn đề hạ tầng. Điều này tác động đáng kể đến sự phát triển của Phú Yên. Hạn chế này xuất phát từ nguồn thu ngân sách địa phương còn hạn hẹp, nên không đủ sức đầu tư cho những hạng mục hạ tầng quan trọng, phần lớn là phải xin Trung ương hỗ trợ.

Được biết, đầu tháng 9 này, Sân bay Tuy Hòa đã khánh thành nhà ga mới, có thể tiếp đón nhiều loại máy bay lớn. Nhưng vấn đề đặt ra là, lượng khách liệu có đủ để Vietnam Airlines bố trí các chuyến bay lớn? Đây là những vấn đề nan giải mà Phú Yên đang gặp phải.

“Khi Dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Vũng Rô bước vào giai đoạn thi công, số lượng nhân công, chuyên gia đến làm việc tại Phú Yên gia tăng sẽ là cơ sở để Phú Yên kiến nghị Vietnam Airlines phục vụ loại máy bay lớn và chi phí đi lại sẽ rẻ hơn. Điều này sẽ mở ra cơ hội giao thương, tăng lượng khách du lịch đến Phú Yên”, ông Trúc nói.

Niềm hy vọng của người dân và doanh nghiệp

Chuyển động tích cực của Dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Vũng Rô là thông tin mang lại niềm vui nhiều nhất cho người dân tỉnh Phú Yên nói chung và các hộ dân thuộc xã Hòa Tâm, nơi Dự án đặt nhà máy. Bởi lẽ, người dân Phú Yên có cách so sánh đơn giản với người dân Quảng Ngãi.

Đó là cuộc sống người dân Quảng Ngãi đã thay đổi tích cực từ khi có Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, cơ hội mưu sinh của họ tăng lên rất nhiều, giúp cải thiện cuộc sống thường ngày và giải quyết đáng kể công ăn việc làm cho con em họ. Đây có thể là niềm mơ ước đơn giản mà người Phú Yên đang nghĩ đến.

Riêng với người dân xã Hòa Tâm, niềm hy vọng của họ còn lớn hơn rất nhiều. Sau nhiều năm không thể làm ăn gì được, vì Dự án Khu công nghiệp Hòa Tâm chỉ tồn tại trên giấy, đến thời điểm hiện tại, với sự hỗ trợ của chủ đầu tư Dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Vũng Rô, chính quyền địa phương đang gấp rút thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đền bù cho người dân để họ về nơi ở mới, an cư lập nghiệp.

Một người dân xã Hòa Tâm than thở: “Từ khi có Dự án Khu công nghiệp Hòa Tâm, người dân không thể làm bất cứ điều gì, không thể cất nhà mới khi bị xuống cấp, không được cơi nới thêm nếu nhà tăng thêm người, không thể trồng bất cứ cây gì vì sợ thuộc vùng Dự án sẽ không được đền bù”.

“UBND tỉnh đã quyết tâm xử lý dự án treo, trao cơ hội cho nhà đầu tư khác có tiềm lực. Chúng tôi rất mừng. Với dự án nhà máy lọc hóa dầu này, người dân chúng tôi không những được về nơi ở mới, mà sẽ có thêm cơ hội mưu sinh khi Dự án đi vào hoạt động”, người dân trên cho biết.

Không chỉ người dân Phú Yên tỏ ra phấn khởi với sự hiện diện của Dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Vũng Rô, mà ngay cả cộng đồng doanh nghiệp tại Phú Yên cũng rất mong chờ ngày Dự án khai cuộc, để tạo thêm công ăn việc làm vốn đang là thách thức lớn ở một địa phương nghèo.

Một nhà doanh nghiệp tại Phú Yên chia sẻ, ông đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để xây dựng một khách sạn 4 sao tại TP. Tuy Hòa cách đây 3 năm. Tuy nhiên, công suất thuê phòng tại khách sạn chỉ vỏn vẹn dưới 10%. Điều này khiến doanh nghiệp liên tục thua lỗ. Mặc dù vậy, ông vẫn cố gắng bám trụ, đảm bảo cuộc sống cho cán bộ, nhân viên để chờ ngày Phú Yên thay đổi.

“Một năm trở lại đây, Phú Yên trở nên sôi động hơn, lượng khách về tỉnh công tác tăng đáng kể, một phần dựa vào chuyển động của Dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Vũng Rô; mặt khác, do các dự án như Sân bay Tuy Hòa, Hầm đường bộ Đèo Cả đang bước vào giai đoạn triển khai…

Điều này bước đầu đã giúp khách sạn chúng tôi có nguồn khách ổn định và hoạt động kinh doanh bắt đầu có lãi”, nhà doanh nghiệp này cho biết.

Tương tự, giám đốc một công ty xây dựng tại Phú Yên cũng chia sẻ: “Trước đây, rất hiếm công trình được triển khai tại Phú Yên. Nếu có chỉ là những tiểu dự án nhỏ, đủ để doanh nghiệp tồn tại và nuôi quân. Tuy nhiên, gần đây, với Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả và sắp tới là Dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Vũng Rô, sẽ mở ra nhiều cơ hội cho ngành xây dựng phát triển”.

Có thể nói, bất cứ địa phương nào cũng mong muốn được phát triển, người dân được ấm no, doanh nghiệp mạnh. Cộng đồng doanh nghiệp mạnh thì ngân sách mới cao, mới có nguồn kinh phí để tái đầu tư phát triển. Phú Yên cũng vậy, đã đến lúc, người dân Phú Yên có quyền hy vọng vào diện mạo mới của quê hương, với khởi đầu là Dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Vũng Rô.

Tin liên quan
Tin khác