Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet |
Chi phí cao giảm sức cạnh tranh
Ông Lê An Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cho biết, 20 năm qua, Việt Nam đã thực hiện những bước đi ngoạn mục trong tiến trình hội nhâp. Bằng chứng là xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh theo từng mốc sự kiện.
Cụ thể: Đạt 5,4 tỷ USD vào năm 1995 khi gia nhập ASEAN, đạt 14,4 tỷ USD khi ký kết Hiệp định thương mại Việt- Mỹ (2000), đạt 48,5 tỷ USD khi gia nhập WTO (2007) và đỉnh cao là 165 tỷ USD khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương kết thúc đàm phán năm 2015. Sự gia tăng này tiếp tục được kỳ vọng khi Việt Nam đã và đang tham gia tới 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Chính vì vậy, mục tiêu định hướng phát triển xuất khẩu của Chính phủ đến năm 2020 là kim ngạch xuất khẩu đạt 300 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt khoảng 10%-12%/năm, cân bằng thương mại ổn định vào năm 2020, bền vững thương mại từ sau năm 2020.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, việc tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu là một yêu cầu được đặt lên hàng đầu. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú nhận định, muốn xuất khẩu tốt thì trước tiên phải tạo thuận lợi thương mại, trong đó có việc tăng giá trị cạnh tranh và phát triển ngành logistics hiệu quả. Sự hấp dẫn và hiệu quả của việc kinh doanh logistics là điều không thể phủ nhận, nhưng ngành kinh doanh được coi là “hốt bạc” này vẫn chưa thực sự phát triển ở Việt Nam.
Trên thực tế, logistics là nền tảng của chuỗi cung ứng, hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu. Ông Nguyễn Tương, Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam cho biết, logistics là một ngành quan trọng trong đời sống kinh tế, đặc biệt là xuất nhập khẩu, bởi nó làm tăng giá trị gia tăng và tạo năng lực cạnh tranh cho hàng hóa.
Song theo ông Bùi Hồng Minh, Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, ngành này vẫn thiếu một định hướng trung hạn và dài hạn để phát triển. Hiện chi phí logistics tại Việt Nam đang chiếm tới 20%/tổng chi phí dành cho đơn vị hàng hóa xuất khẩu và đang cao hơn so với một số nước trên thế giới như Singapore.
Không những vậy, nguồn nhân lực cho dịch vụ logistics cũng thiếu chỉ có 5-7% được đào tạo bài bản. Những nhân tố này ảnh hưởng lớn đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu. Ngoài ra, sự thiếu đồng bộ của các phương thức vận chuyển đang tạo ra sự tắc nghẽn dòng dịch chuyển logistics, làm tăng chi phí và hạn chế sự phát triển của ngành logistics toàn diện trên phạm vi cả nước. “Điều này đang làm giảm khả năng cạnh tranh của dịch vụ, hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Minh nói.
Tạo thuận lợi thương mại
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia Văn phòng đại diện Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho biết, nghiên cứu của ADB cho thấy, 2/3 lợi ích của xuất khẩu Việt Nam đến từ việc cải thiện năng lực kết nối và các biện pháp phần mềm, còn 1/3 đến từ các nỗ lực cải thiện khác như các vấn đề giao thông, cơ sở hạ tầng...
Việt Nam đã có quyết sách cải thiện môi trường kinh doanh, thương mại. Quá trình này cần sự hợp tác của hai bên, doanh nghiệp cần cùng Chính phủ đồng hành để phát triển. Việt Nam cần đầu tư mở rộng các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu hơn nữa ở các khu vực nhằm kết nối với thị trường nước ngoài sẽ tạo thuận lợi hoá tự do thương mại cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh và giảm chí phí thương mại tại Việt Nam.
Với định hướng xuất khẩu lớn như vậy, ông Chris Page, tư vấn trưởng Dự án ADB cho rằng, tầm quan trọng của xuất khẩu là có môi trường thương mại thuận lợi với doanh nghiệp, liên quan tới chính sách pháp lý, các thủ tục hải quan…
“Khi nói đến tạo thuận lợi cho thương mại không phải các cơ quan đều hiểu rõ được nội hàm của nó là làm gì để tạo thuận lợi. Đôi khi các cơ quan này chưa hình dung đầy đủ phải tiếp cận nhiệm vụ này như thế nào? Để hỗ trợ cho quá trình này, 2 bên cần hiểu nhau hơn, cơ quan Chính phủ cần tăng cường trao đổi với doanh nghiệp. Cơ quan Chính phủ đã có cam kết thực hiện các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, vậy thì cần trao đổi với doanh nghiệp để nắm được biện pháp nào đang hoạt động tốt, biện pháp nào cần phải cải tiến, quan trọng hơn là hiểu hơn nhu cầu của doanh nghiệp, tức là Chính phủ và doanh nghiệp cần đối thoại với nhau”, ông Chris Page cho biết.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến 2030. Đây sẽ là cơ sở quan trọng nhằm tạo thuận lợi thương mại hơn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Ngoài ra, để tiếp tục triển khai tốt định hướng Chính phủ trong công tác xuất nhập khẩu cũng như các FTA, ông Lê An Hải cho biết, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp ở nhiều khía cạnh. Trước hết, các bộ, ban ngành liên quan sẽ thường xuyên trao đổi thông tin cấp Chính phủ, xử lý các rào cản thương mại và các vấn đề vướng mắc trong quan hệ thương mại với các nước, đặc biệt là vấn đề kiểm dịch động thực vật, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các thị trường có yêu cầu khắt khe về điều kiện nhập khẩu như Hàn Quốc, Nhật, Australia, New Zealand, EU, Hoa Kỳ.
Mặt khác, “chúng tôi cũng khuyến khích doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế và đề xuất các vướng mắc, rào cản cần loại bỏ”, ông Hải cho hay.