Thời sự
Lợi - hại khi giá dầu giảm
Nguyên Đức - 01/09/2015 19:23
Giá dầu đã liên tiếp giảm sâu khiến nỗi lo hụt thu ngân sách và những tác động tới kinh tế Việt Nam lại dấy lên. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, cân nhắc những tác động hai chiều của giá dầu giảm, Việt Nam trong ngắn hạn có thể còn được hưởng lợi từ động thái này.
Những doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu đầu vào từ xăng dầu sẽ được lợi nhất khi giá dầu giảm. Ảnh: Đức Thanh

 

Mặc dù giá dầu cuối tuần trước đã ghi nhận mức tăng lớn nhất kể từ năm 2009, ở mức trên 45 USD/thùng dầu ngọt nhẹ giao tháng 10/2015; 50,05 USD/thùng dầu Brent, nhưng giới thương nhân giảm đặt cược giá dầu xuống.

Nhưng với mức quanh ngưỡng 40 USD/thùng của giá dầu, giá dầu đã chạm đáy trong vòng gần 7 năm qua, mối lo hụt thu ngân sách lại bùng lên.

Đầu năm, trong xu hướng giá dầu trên thị trường thế giới tiếp tục giảm sâu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tính toán rằng, giá dầu giảm 1 USD, thì ngân sách sẽ hụt thu 1.000 tỷ đồng. Bộ Tài chính cũng không khỏi lo lắng. Điều này là dễ hiểu, bởi thu từ dầu thô chiếm hơn 10% tổng thu ngân sách của cả nước.

Mặc dù vậy, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh khẳng định, việc giá dầu thô ở mức 40 USD/thùng hiện nay không ảnh hưởng nhiều tới dự toán thu ngân sách của năm 2015. “Tính bình quân thì giá dầu năm nay ở mức khoảng 55 USD, như vậy thì cũng không phải quá thấp”, ông Sinh nói.

Thậm chí, có cái nhìn lạc quan, ông Lê Xuân Nghĩa, còn cho rằng, có thể thu trực tiếp từ dầu thô giảm, nhưng nhờ giá dầu giảm sâu mà chi phí đầu vào từ nhiều ngành sản xuất giảm nên hiệu quả kinh doanh cao hơn và thu từ các ngành này cũng sẽ cao hơn.

“Một doanh nghiệp chuyên sản xuất bao bì, do giá dầu giảm nên nguyên liệu nhựa giảm, nhờ vậy mà kế hoạch lợi nhuận đã tăng gấp 1,5 lần. Như vậy, tính toàn cục, nhìn từ thu của các ngành kinh tế khác thì không đến mức hủy hoại cân bằng ngân sách. Và thực thu thì cho tới nay vẫn tăng 8% so với năm ngoái”, ông Nghĩa nói và bày tỏ quan điểm rằng, không phải cứ thấy giá dầu thô giảm là chỉ nhìn thấy chuyện hụt thu, mà phải thấy được cái lợi từ việc này.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cũng có quan điểm tương đồng. Theo ông Lực, không thể “vin” vào cớ giá dầu giảm gây thất thu ngân sách. “Thực tế không phải như thế, bởi hiện Việt Nam xuất khẩu dầu thô nhưng vẫn phải nhập khẩu dầu tinh, và chúng ta đang nhập siêu xăng dầu. Như vậy thì giá dầu giảm sẽ có lợi cho Việt Nam. Nhiều tổ chức quốc tế cũng đã khẳng định việc giá dầu giảm thì Việt Nam được hưởng lợi rất nhiều”, ông Lực nói.

Ngân hàng ANZ, trong một báo cáo hồi đầu năm về giá dầu, cũng đã nhận định rằng, giá dầu giảm, trong khi phần thu ngân sách nhà nước từ dầu mỏ sụt giảm do giá dầu giảm thì phần ngân sách trợ cấp cho biến động của giá dầu nói riêng và chi tiêu nói chung cũng sẽ được giảm xuống. Nên xét về tổng thể thì các yếu tố này sẽ bù trừ cho nhau do vậy ảnh hưởng cũng không lớn.

Cũng theo ngân hàng này, thì sự cân bằng cũng thể hiện trong cán cân thương mại về dầu mỏ, khi Việt Nam xuất dầu thô, nhưng nhập khẩu xăng dầu. Do vậy về tổng thể, việc giá dầu giảm sẽ không ảnh hưởng nhiều tới Việt Nam.

Số liệu thống kê cho thấy, 8 tháng đầu năm nay, Việt Nam ước xuất khẩu 6,189 triệu tấn dầu thô, thu về 2,736 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với con số 6,223 triệu tấn và 5,336 tỷ USD của 8 tháng đầu năm ngoái. Trong khi đó, nhập khẩu xăng dầu của 8 tháng đầu năm nay là 6,681 triệu tấn, mất 3,778 tỷ USD. Còn con số của 8 tháng đầu năm ngoái là 6,178 triệu tấn và 5,822 tỷ USD. Như vậy, chênh lệch giữa xuất khẩu dầu thô và nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam vẫn vào khoảng 1 tỷ USD trong 8 tháng qua.

Thậm chí, giá dầu giảm sẽ tác động tích cực tới kinh tế Việt Nam, bởi xăng dầu là một loại nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất. “Giá dầu giảm mà kéo theo cả giá xăng dầu trong nước cũng giảm thì người tiêu dùng được lợi, ngành vận tải được lợi, những doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu đầu vào từ xăng dầu cũng được lợi”, ông Nghĩa nói.

Giá dầu giảm cũng được ông Glenn Maguire, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của ANZ cho rằng sẽ làm lạm phát của Việt Nam vốn đã thấp sẽ càng thấp hơn, bởi nó có tác động lan tỏa tới các hàng hóa khác. “Giá dầu giảm sẽ kích thích người dân tiêu dùng, các doanh nghiệp mở rộng sản xuất - kinh doanh nhiều hơn, nhưng tất nhiên tác động sẽ có độ trễ nhất định”, ông Glenn Maguire nói.

Thậm chí, cũng đã có những tính toán rằng, giá dầu giảm sẽ giúp tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tăng thêm 0,4%.

Mặc dù vậy, trên một khía cạnh khác, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, Việt Nam sẽ chỉ thực sự được hưởng lợi từ việc giá dầu giảm một khi giá xăng dầu trong nước cũng giảm theo. Hơn nữa, theo ông Nghĩa, dù hiện tại, giá dầu giảm chưa phải là “vấn đề ghê gớm” đối với kinh tế Việt Nam, song về lâu dài, nếu giá dầu tiếp tục giảm sâu thì sẽ ảnh hưởng khá lớn.

“Nếu giá dầu giảm nữa thì sẽ ảnh hưởng tới các mỏ khai thác của Việt Nam. Không khai thác thì kinh tế khó khăn, mà khai thác tiếp thì lỗ, do giá thành khai thác dầu của Việt Nam vẫn cao”, ông Nghĩa lo ngại.

Trong khi đó, chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh cũng bày tỏ quan điểm rằng, dù dự toán ngân sách năm 2015 sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng dự toán ngân sách năm 2016 sẽ bị ảnh hưởng và phải tính toán lại, nếu như giá dầu tiếp tục duy trì ở mức 40 USD/thùng như hiện nay hoặc là giảm hơn nữa.

“Kinh tế thế giới năm 2016 được dự báo sẽ không tăng trưởng cao, cầu cũng sẽ khác. Do vậy, nếu giá dầu thô vẫn ở mức thấp thì sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam trong vòng 1-2 chu kỳ sản xuất (3-6 tháng)  nữa”, ông Sinh nói và cho rằng, việc giá dầu giảm mạnh trong thời gian qua là do cầu thế giới giảm (vì tăng trưởng kinh tế của nhiều nền kinh tế, trong đó có Trung Quốc, thấp hơn dự báo) và do thừa cung.

“Khi cầu thế giới giảm thì sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực”, ông Sinh lo ngại.

Tin liên quan
Tin khác