Giải phóng mặt bằng luôn được coi là nguyên nhân chính khiến giải ngân vốn đầu tư công nói chung, vốn vay nước ngoài nói riêng không hoàn thành kế hoạch. |
Không thể hoàn thành kế hoạch giải ngân
Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong 11 tháng đầu năm 2020, các bộ, ngành mới hoàn thành giải ngân vốn vay nước ngoài (vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài) đạt 34,65% kế hoạch năm 2020. Ngay cả khi loại trừ 4.346 tỷ đồng đã được giảm do các bộ, ngành xin cắt giảm nguồn vốn này thì cũng chỉ mới hoàn thành được 45,51% kế hoạch điều chỉnh.
Ở các địa phương, kết quả cũng không sáng sủa hơn khi 11 tháng đầu năm, chỉ hoàn thành được 39,5% kế hoạch năm 2020. Thậm chí, số vốn vay nước ngoài năm 2019 giải ngân không hết được chuyển sang năm 2020 cũng chỉ giải ngân được 76%.
Với kết quả trên, có thể khẳng định, lại thêm một năm nữa, giải ngân vốn vay nước ngoài không hoàn thành. Nếu tính cả giai đoạn 2016-2020, cũng không thể thể hoàn thành kế hoạch cho dù từ tháng 6/2020, tháng nào Bộ Tài chính cũng tổ chức một hội nghị với các bộ, ngành và một hội nghị trực tuyến với các địa phương để chỉ ra tồn tại, hạn chế, bất cập và đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Các hạn chế, tồn tại trong chậm giải ngân nguồn vốn vay nước ngoài đã được chỉ ra tại hơn chục hội nghị với các bộ, ngành, địa phương từ tháng 6 đến nay. Trong tất cả các nguyên nhân, thì giải phóng mặt bằng luôn được coi là nguyên nhân chính khiến giải ngân vốn đầu tư công nói chung, vốn vay nước ngoài nói riêng không hoàn thành kế hoạch.
Vẫn là chậm giải phóng mặt bằng
Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bắc Ninh, ông Ngô Tân Phượng cho rằng, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng bắt đầu từ khâu lập, công khai phương án đền bù, giải phóng mặt bằng đến phê duyệt phương án đền bù mất rất nhiều thời gian. Có rất nhiều vướng mắc phát sinh trong những công đoạn này, từ việc kiểm đếm, thống kê đến xác định đối tượng, khối lượng, giá trị đền bù bảo đảm đúng, đủ theo quy định của pháp luật.
“Thậm chí, sau khi phương án đền bù được phê duyệt, thì việc chi trả kinh phí đền bù hỗ trợ cho người dân cũng gặp rất nhiều khó khăn do không ít người không nhận tiền đền bù, dẫn đến việc giải ngân vốn bị chậm lại. Không có mặt bằng thi công, tất nhiên không thể có khối lượng hoàn thành để giải ngân mặc dù vốn đầu tư đã được phân bổ từ đầu năm”, ông Phượng cho biết.
Để thực hiện một dự án đầu tư công, theo ông Dương Quang Chính, Chánh thanh tra Kiểm toán Nhà nước, phải trải qua nhiều quy trình, thủ tục về đất đai, xây dựng, vốn… Vì vậy, nếu các quy định về xây dựng, môi trường, vốn…, đặc biệt là vấn đề liên quan đến đất đai còn hạn chế, chắc chắn làm chậm quá trình giải ngân vốn.
Theo ông Chính, các quy định trong Luật Đất đai hiện nay tạo ra sự chênh lệch giá đất giữa giá Nhà nước bồi thường và giá thị trường. Cụ thể, quy định về giá đất đền bù cho người dân khi thu hồi hướng dẫn tại Nghị định 44/2014/NĐ-CP được triển khai theo nguyên tắc phải đảm bảo sát với thị trường, nhưng vẫn còn những khoảng trống lớn cần được nghiên cứu khắc phục.
Còn theo Luật Đất đai năm 2013, việc định giá đất phải đảm bảo nguyên tắc: theo mục đích sử dụng tại thời điểm định giá; theo thời hạn sử dụng đất; phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường đã chuyển nhượng, giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất hoặc thu nhập từ sử dụng đất; cùng một thời điểm, các thửa đất liền kề có cùng mục đích sử dụng, khả năng sinh lợi, thu nhập từ việc sử dụng đất tương tự nhau thì có mức giá như nhau.
Các quy định hiện nay không lường hết khả năng rất dễ thấy rằng, trước khi người dân bị thu hồi thì mục đích sử dụng đất có thể chỉ là đất nông nghiệp, chưa phải là đất dân cư đô thị hoặc vị trí đất trước khi thu hồi có thể nằm giữa đồng ruộng, nhưng sau khi dự án được triển khai, thì đất sẽ biến đổi làm tăng giá trị bồi thường, giải phóng mặt bằng.
“Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều dự án đầu tư công có kế hoạch chi tiền rồi, nhưng dân không bàn giao đất, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng bị kẹt cứng, không thể triển khai. Và như vậy không có khối lượng để giải ngân”, ông Chính phân tích.
Hiện tại, vấn đề giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết, nhưng nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn bày tỏ quyết tâm hoàn thành kế hoạch giải ngân. Cách thức được nhiều chủ đầu tư thực hiện lúc này là xin kéo dài dự án từ kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 sang giai đoạn 2021-2026, nếu không được chấp thuận thì xin trả lại nguồn vốn đã được bố trí.