Golden Gate là công ty tiên phong áp dụng mô hình chuỗi nhà hàng tại Việt Nam. |
Cân não được - mất
Ngay từ đầu năm 2023, ông Đào Thế Vinh, sáng lập, kiêm CEO Golden Gate tiết lộ, Công ty có thể quay lại ngành đồ uống và hứa với nhà đầu tư sẽ cố gắng IPO vào năm 2024 khi điều kiện cho phép. Lời hứa được đưa ra như vậy, vì ông không thể dự đoán chính xác thị trường năm 2023 sẽ như thế nào.
Theo đó, có hai phương án để có thể ứng phó kịp thời. Nếu thị trường khó khăn, Golden Gate có thể quay lại mảng nước giải khát - nơi họ từng thử nghiệm và chưa thành công. Trong năm 2020 và 2021, với khoảng 400 nhà hàng, nhiệm vụ quan trọng nhất của Golden Gate là làm sao để sống sót. Công ty đã vượt qua đại dịch.
Sau dịch, nhiều câu hỏi lớn và giả thuyết đã được đặt ra. Tuy nhiên, cũng may là ngành thực phẩm quay lại khá nhanh, bởi sau thời gian dài bị “nhốt” ở nhà, mọi người rất hào hứng ra đường ăn uống, vui chơi, gặp gỡ người thân và bạn bè.
Golden Gate là công ty tiên phong áp dụng mô hình chuỗi nhà hàng tại Việt Nam, với 5 phong cách ẩm thực chính là lẩu, BBQ, món Á, món Tây và nhà hàng tự phục vụ (Cafeteria).
Trong khi năm 2021 ghi nhận số giao dịch M&A ở mức cao kỷ lục (65.000 giao dịch), thì thị trường M&A toàn cầu đối mặt nhiều thách thức trong năm 2022, với khối lượng giao dịch giảm 17% và giá trị thương vụ giảm 37%. Tuy nhiên, kết quả năm 2022 vẫn cao hơn năm 2020. Tình hình kinh tế vĩ mô và các yếu tố địa chính trị có tác động không đồng đều đến thị trường M&A.
(Nguồn: PwC Việt Nam)
Cũng theo ông Đào Thế Vinh, sau “trận ốm”, Golden Gate tập trung vào việc cấu trúc lại dòng vốn và lợi nhuận để có nguồn lực dồi dào nuôi sống và phát triển bộ máy. Thay vì tập trung tăng trưởng như trước đó, trong năm 2022, Golden Gate tập trung vào việc tạo ra nhiều lợi nhuận nhất có thể. Nhờ thế, lợi nhuận năm 2022 của Golden Gate đã tăng gấp đôi so với năm 2019.
Mặc dù mọi thứ đều bất định, nhưng ông Vinh vẫn khá lạc quan với năm 2023. Riêng IPO, Golden Gate đã lỡ hẹn với nhà đầu tư nhiều lần. Tuy nhiên, vì năm 2021 là lần đầu tiên, Công ty lỗ và theo luật định phải sau 2 năm có lời liên tiếp, thì doanh nghiệp mới có cơ hội lên sàn chứng khoán. Vì thế, năm 2024 sẽ là thời điểm sớm nhất để Golden Gate có thể IPO và đây cũng là lời hứa của các nhà sáng lập với nhà đầu tư.
“Nếu một công ty không có nhà đầu tư ngoài, vẫn 100% vốn của các nhà sáng lập, thì việc có IPO hay không là câu chuyện cần cân nhắc kỹ. Nếu có thần kinh thép, thì nên lên sàn, nhất là các anh sắp rời ghế và muốn công ty minh bạch”, ông Vinh cho biết.
Chia sẻ vấn đề IPO, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Sunhouse cho rằng, việc niêm yết lên sàn chứng khoán sẽ đáp ứng được 3 yếu tố: cần huy động vốn; trường hợp người điều hành muốn rút lui, không muốn trực tiếp điều hành công ty, việc niêm yết giúp họ dùng cổ đông bên ngoài gây áp lực lên bộ máy điều hành hiện tại, buộc ban điều hành làm tốt hơn, tăng tính minh bạch; giá trị tương lai tưởng thưởng cho bộ máy điều hành.
Dẫu vậy, việc IPO cũng sẽ ảnh hưởng tới tốc độ ra quyết định, sẽ rất khó để đưa ra các quyết định nhanh trong trường hợp rủi ro.
Riêng Sunhouse đã sẵn sàng các điều kiện và có thể lên sàn bất cứ lúc nào, nhưng doanh nghiệp cần tính toán thời điểm và cân đối giữa cái được và mất để ra quyết định.
Cần phải nhắc lại, năm 2016, Sunhouse có đợt tái cấu trúc để chuẩn bị lên IPO. Ông Phú thành lập Sunhouse Invest là công ty mẹ chuyên đầu tư vào các công ty con. Trong đó, Quỹ Sunhouse Invest luôn tìm kiếm các start-up hoặc các lĩnh vực đầu tư có thể sinh lời. Tuy nhiên, Sunhouse Invest không phải tiền riêng của ông, mà là thành quả của tập thể, nên càng phải thận trọng. Ông muốn những người nhận được khoản đầu tư đó có trách nhiệm, đặc biệt, người đứng đầu phải có trách nhiệm cá nhân trong đó.
Thời điểm tái cấu trúc đó, 5 cổ đông sáng lập Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse thoái sạch vốn cổ phần tại Tập đoàn, khiến thị trường đồ gia dụng dậy sóng. Cá nhân ông Phú sở hữu 50% cổ phần Sunhouse Invest; em trai là ông Nguyễn Xuân Cường sở hữu 10%; 40% còn lại thuộc về ông Nguyễn Đại Thắng. Đương nhiên, với mô hình quản trị theo mô hình công ty mẹ - công ty con (holdings), ông Phú và các cổ đông sáng lập sẽ bán hết vốn công ty con về công ty mẹ.
Tuy nhiên, đó cũng là thời gian Sunhouse lọt vào tầm ngắm mua bán - sáp nhập (M&A) của Tập đoàn Electrolux (Thụy Điển). Hai bên đã có những cuộc tiếp xúc, đàm phán về thương vụ.
Ông Phú từng thừa nhận, đó là một thương vụ lớn, cần sự suy nghĩ từ nhiều phía.
Ông Phú cho rằng, trong đầu tư, phải bảo vệ việc kinh doanh cốt lõi của mình. Do đó, ông sẽ chọn những cơ hội đầu tư giúp mở rộng thị trường, hoàn thiện sản phẩm, hệ sinh thái, chuỗi cung ứng để nâng cao tính cạnh tranh cốt lõi của doanh nghiệp. Còn những lĩnh vực nào quá khác biệt, chỉ mang tính cơ hội, rủi ro cao, thì chắc chắn cá nhân ông và Sunhouse trong lúc này chưa dám nghĩ đến.
Ông Phú được biết đến như là một ông chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư có phong cách đầu tư cẩn trọng trước mỗi quyết định rót vốn.
“Trong số những người điều hành, có người không chịu ra quyết định ngay, dẫn đến tiến độ bị chậm lại. Ngược lại, người không biết, đang lơ mơ mà vẫn đưa ra quyết định, thì lúc đó, tỷ lệ thất bại lên đến 50-70%, mà sai rồi thì phải làm lại”, ông Phú chia sẻ.
Đối với những start-up đang gặp khó khăn trong quá trình khởi nghiệp phải biết chờ thời, nắm bắt cơ hội. Tuy nhiên, những doanh nghiệp nào thấy ý tưởng, sản phẩm của mình không có lợi thế cạnh tranh gì, thì hãy mạnh dạn dừng lại và thay đổi nhằm bảo toàn nguồn lực hiện có để chuẩn bị cho những cái mới.
Chỉ thực hiện M&A khi chắc chắn tạo giá trị
Minh chứng cho chiến lược M&A thận trọng, tìm những mảnh ghép giá trị nhất cho mình có thể thấy qua thương vụ M&A của Sunhouse tháng 9/2022.
Sunhouse M&A với một nhà máy sản xuất dây và cáp điện OVI CABLES (Việt Nam) - một thành viên của Công ty Olympic Cables thuộc Tập đoàn OSK Group Malaysia. Thương vụ này giúp Sunhouse mở rộng quy mô sản xuất và kinh doanh, đồng thời cho thấy một chiến lược chinh phục thị trường đa dạng, mạnh mẽ.
Cần phải nhắc lại, khởi nguồn của Sunhouse trước khi trở thành thương hiệu ngành hàng gia dụng là kinh doanh dây cáp điện. Những năm đầu khởi nghiệp, dây cáp điện là sản phẩm chủ lực, chiếm tới 70% doanh thu của Công ty.
Theo ông Phú, khi sản phẩm gia dụng phủ sóng khắp thị trường nội địa, Sunhouse tận dụng thị trường và uy tín đã có để M&A một nhà máy chất lượng trong lĩnh vực cáp điện mà Công ty từng am hiểu. Việc M&A này giúp Sunhouse nắm bắt ngay thời cơ và tự tin trong việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm dây cáp điện.
OVI CABLES (Việt Nam) có công suất khoảng 8.000 tấn đồng/năm. Sau hơn 15 năm hoạt động tại Việt Nam, dây cáp điện OVI Cables có mặt tại loạt dự án của Vingroup (Vinhomes, Landmark81, Vinpearl Land…), hay các nhà máy lớn khắp 3 miền (Hanosimex, Toto, Kyocera, Thép Dana…).
Theo ông Phú, với việc mở rộng ngành hàng sang lĩnh vực thiết bị điện, thiết bị điện dân dụng, điện chiếu sáng, Sunhouse hy vọng, việc M&A nhà máy này giúp Tập đoàn có bước tăng trưởng mới, góp phần vào chiến lược tăng trưởng ổn định 25-30%/năm trong giai đoạn 5-10 năm sắp tới.
Trước đó, năm 2019, Sunhouse cũng đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất đèn LED xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Mỹ.
Không chỉ M&A, với tiềm lực kinh tế, tầm nhìn xa, Sunhouse liên tục mở nhiều nhà máy mới để chớp cơ hội phục hồi sau đại dịch. Trong tháng 4/2022, Sunhouse khai trương nhà máy sản xuất máy lọc nước RO tại Long An. Ở giai đoạn I, nhà máy tập trung hoàn thiện hệ thống sản xuất cơ khí và lắp ráp máy lọc nước RO với công suất 1.000 - 1.500 sản phẩm/ngày (tương tương 40.000 máy lọc nước mỗi tháng). Giai đoạn II sẽ khai thác hết tổng diện tích hơn 20.000 m2 sản xuất và đưa vào những sản phẩm gia dụng thế mạnh của Sunhouse như nồi, chảo, nồi cơm điện, ấm siêu tốc…
Cùng với đó, Tập đoàn hoàn thiện đội ngũ nghiên cứu phát triển sản phẩm, quản trị chất lượng để cho ra đời những sản phẩm có tính địa phương hóa; hợp nhất các quy trình phát triển, sản xuất và bán hàng tại cùng một nơi.
Việc mở rộng hệ thống nhà máy, đặc biệt tập trung ở khu vực phía Nam, Sunhouse hướng tới mục tiêu cung cấp sản phẩm nhanh hơn (khắc phục những hạn chế về logistics khi kho hàng chính đặt tại miền Bắc), chăm sóc hậu mãi tốt hơn cho khách hàng. Quan trọng hơn, các nhà máy tại khu vực sẽ giúp tiếp cận nhu cầu khách hàng sát sao hơn, để nghiên cứu và sản xuất những sản phẩm phù hợp với khách hàng của từng thị trường. Tập đoàn hướng tới chinh phục hoàn toàn thị trường phía Nam đầy tiềm năng và tiếp theo nữa là xuất khẩu sang các nước lân cận như Thái Lan, Campuchia, Indonesia…
Dữ liệu từ PwC Việt Nam cho thấy, hoạt động M&A toàn cầu có khả năng tăng trưởng trong nửa cuối năm 2023, khi các nhà đầu tư và giám đốc điều hành tìm cách cân bằng rủi ro ngắn hạn với các chiến lược chuyển đổi kinh doanh dài hạn. Theo đó, 60% CEO toàn cầu không có kế hoạch trì hoãn các hoạt động M&A trong năm 2023, dù số lượng giao dịch giảm mạnh.
Hoạt động M&A nhằm mục đích tối ưu hóa danh mục đầu tư tiếp tục là cơ hội chiến lược cho các nhà đầu tư trên thị trường, bất chấp những thách thức đến từ kinh tế vĩ mô và địa chính trị.
Tại Việt Nam, các nhà đầu tư đang quan tâm đến các lĩnh vực năng lượng tái tạo, chăm sóc sức khỏe, logistics và giáo dục, đồng thời mở rộng cơ sở sản xuất, mở rộng thị phần và khai thác lực lượng lao động có trình độ, cũng như phát triển các tệp khách hàng.
Ông Ong Tiong Hooi, lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn giao dịch (PwC Việt Nam) chia sẻ, năm 2023 được kỳ vọng sẽ là một năm hứa hẹn với thị trường M&A khi các CEO tập trung tạo ra giá trị thông qua việc đổi mới doanh nghiệp và các hoạt động giao dịch.