Ngân hàng - Bảo hiểm
Lợi nhuận các ngân hàng phân hóa mạnh
Vân Linh - 05/11/2024 08:17
Sự phân hóa lợi nhuận ngân hàng ngày càng rõ nét trong quý III/2024, khi nhiều ngân hàng báo lãi tăng, nhưng không ít nhà băng có lợi nhuận giảm.

Tới thời điểm này, hầu hết ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý III và 3 quý đầu năm 2024. Trong đó, một nửa số ngân hàng có lợi nhuận quý III giảm so với cùng kỳ năm trước.

Saigonbank là ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhất về lợi nhuận trong quý III, với mức giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước. Lãnh đạo Saigonbank cho biết, việc triển khai các chương trình hỗ trợ lãi suất khiến thu nhập lãi thuần giảm 3% trong 3 quý đầu năm, kéo theo lợi nhuận sụt 18%. Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng ở mức 2,2%, trích lập dự phòng thêm 20% so với năm trước.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 của ABBank cũng cho biết, nhà băng này lỗ trước thuế hơn 343 tỷ đồng, do kết quả kinh doanh không mấy khả quan, đi kèm tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Trong quý III/2024, thu nhập lãi thuần của ABBank tăng trưởng 14% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 738 tỷ đồng, tuy nhiên các nguồn thu ngoài lãi lại sụt giảm. Lãi từ dịch vụ giảm 57%, còn hơn 82 tỷ đồng, trong khi các hoạt động kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư báo lỗ. Dù chi phí hoạt động đi ngang ở mức 560 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm đến 31%, chỉ còn 182 tỷ đồng. Thêm vào đó, Ngân hàng tăng trích lập dự phòng rủi ro gấp 2,2 lần cùng kỳ, lên gần 526 tỷ đồng. ABBank lãi trước thuế 9 tháng đạt gần 239 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, BaoVietBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý III/2024 giảm 22% so với cùng kỳ năm 2023, chỉ còn 7 tỷ đồng. Theo nhà băng này, lợi nhuận giảm chủ yếu do tổng thu nhập hoạt động giảm mạnh trong quý - giảm gần 26%. Các hoạt động ngoài lãi như hoạt động dịch vụ ghi nhận sụt giảm mạnh từ 403 tỷ đồng xuống còn 151 tỷ đồng, tương ứng giảm 62,5% và một số khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, hoạt động kinh doanh khác cũng tác động đến lợi nhuận ngân hàng. Luỹ kế 3 quý đầu năm, lợi nhuận trước thuế của BaoVietBank chỉ đạt hơn 32 tỷ đồng.

Sự phân hóa về lợi nhuận giữa các ngân hàng ngày càng rõ nét. Các ngân hàng quy mô nhỏ và vừa sẽ khó hơn, do phải cạnh tranh gay gắt về tín dụng và tìm kiếm khách hàng.

VIB cũng có lợi nhuận giảm khá mạnh trong quý III/2024. Cụ thể, 3 quý đầu năm, VIB có lợi nhuận trước thuế 6.600 tỷ đồng, giảm 21% so cùng kỳ.

Ở chiều ngược lại, nhiều nhà băng có lợi nhuận tăng trưởng khá cao. Chẳng hạn, Techcombank có lãi trước thuế quý III/2024 đạt tới 22.800 tỷ đồng (xấp xỉ 1 tỷ USD), tăng 33,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận trước thuế quý III/2024 của HDBank đạt 4.490 tỷ đồng, tăng 42,7% so với cùng kỳ. Lũy kế 3 quý đầu năm là 12.655 tỷ đồng, tăng 46,6%, hoàn thành 79,8% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Tương tự, VPBank có lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý III đạt 5.187 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ. Lũy kế 3 quý, lợi nhuận trước thuế đạt 13.861 tỷ đồng, tăng 67%. Còn Vietcombank (VCB) lãi trước thuế gần 10.699 tỷ đồng, tăng 18%. Lũy kế 3 quý đầu năm 2024, VCB lãi trước thuế hơn 31.533 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ.

BIDV lãi trước thuế hơn 6.498 tỷ đồng trong quý III, tăng 10% so với cùng kỳ. Lũy kế 3 quý, ngân hàng lãi trước thuế gần 22.047 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.

Vietinbank cũng ghi nhận 6.553 tỷ đồng lãi trước thuế quý III, tăng 35% so với cùng kỳ. Lũy kế 3 quý đầu năm 2024, ngân hàng lãi trước thuế hợp nhất gần 19.512 tỷ đồng, tăng 12% so cùng kỳ. Lãi trước thuế riêng lẻ đạt 18.719 tỷ đồng, tăng 11%.

Lợi nhuận quý III/2024 các ngân hàng chủ yếu đến từ mảng tín dụng, nên tăng trưởng tín dụng đang ổn là tín hiệu tốt. Tuy vậy, sẽ có sự khác biệt về lợi nhuận giữa các nhà băng do mục tiêu tăng trưởng tín dụng khác nhau.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng 3 quý đầu năm đạt 9%. Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng có sự phân hóa thì mảng thu nhập ngoài lãi tại các ngân hàng vẫn ảm đạm và chưa thể phục hồi khi vẫn chỉ dựa chủ yếu vào mảng thu phí và xử lý nợ. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh ngoại hối và chứng khoán dự kiến không thể tăng trưởng cao, khi tình hình thị trường chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc.

Giới phân tích dự báo, nhìn chung lợi nhuận ngành ngân hàng khó tăng cao. Thậm chí, theo đánh giá của FiinGroup, biên lãi ròng của ngành vào cuối năm 2024 có khả năng sẽ giữ nguyên hoặc giảm, một số nhà băng nhỏ khó hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Dự phóng tăng trưởng lợi nhuận trước thuế ngành ngân hàng, giới phân tích dự tính mức 15-17% cho năm 2024 và khoảng 20-24% cho năm 2025.

PSG-TS. Nguyễn Hữu Huân, Trường đại học Kinh tế TP.HCM đánh giá, sự phân hóa về lợi nhuận giữa các ngân hàng ngày càng rõ nét. Các ngân hàng quy mô nhỏ và vừa sẽ khó hơn, do phải cạnh tranh gay gắt về tín dụng và tìm kiếm khách hàng tốt để cho vay, nên biên lợi nhuận (NIM) khó tăng cao. Trong khi đó, nợ xấu ở các nhà băng này có xu hướng tăng, do chất lượng tài sản đi xuống.

Tin liên quan
Tin khác