Ước tính lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết cả năm tăng 15%
Với sự phục hồi của nền kinh tế, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam (SSV) - Bùi Thị Thao Ly kỳ vọng, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ thúc đẩy thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm 2024.
"Kết thúc quý I/2024, lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE tăng trưởng khoảng 11,5% so với cùng kỳ năm trước và ước tính cả năm tăng 15% chủ yếu nhờ lợi nhuận của ngân hàng duy trì đà tăng và sự phục hồi của lĩnh vực bất động sản trong nửa cuối năm", bà Bùi Thị Thao Ly đưa ra dự báo.
Trong báo cáo ngành ngân hàng mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đưa ra dự báo, 2024 sẽ tiếp tục là một năm tương đối thách thức với ngành ngân hàng, song với một số tổ chức tín dụng sẽ có sự cải thiện về tăng trưởng lợi nhuận. VDSC kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế trung bình của các ngân hàng trong danh sách theo dõi sẽ đạt 18% so với cùng kỳ, với thu nhập lãi tăng trưởng 19%.
Cùng với sự phục hồi dần của nền kinh tế, thị trường chứng khoán cũng đã có nhịp phục hồi tích cực từ cuối năm 2023. Tuy nhiên, bà Ly cho rằng, hiện VNIndex đang giao dịch ở mức định giá P/E quanh 14x, thấp hơn so với mức trung bình 10 năm là 15x, cho thấy tâm lý thị trường vẫn còn thận trọng.
"Thống kê theo nhóm ngành, có thể thấy lĩnh vực bất động sản và ngân hàng hiện đang có mức định giá P/E và P/B thấp hơn trung bình 5 năm gần đây trong khi các nhóm ngành khác đều có mức định giá tương đương hoặc đã cao hơn mức bình quân, phần nào phản ánh những rủi ro hiện tại của hai nhóm ngành này", bà Ly nói.
Lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết ước tăng 15% chủ yếu nhờ ngân hàng duy trì đà tăng |
Bên cạnh đó, việc khối ngoại bán ròng kỷ lục có lẽ là điều mà nhà đầu tư quan ngại nhiều nhất trong giai đoạn hiện tại. Khối này đã bán ròng liên tục trong 5 quý gần đây và đạt giá trị bán ròng kỷ lục trong quý II/2024, với hơn 30.000 tỷ đồng.
Điều này có thể lý giải bằng việc chênh lệch lãi suất đã khiến dòng vốn đầu tư rút khỏi các thị trường Châu Á và mới nổi, trong đó có Việt Nam, để đổ về Mỹ.
Nhưng hiện tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam ở mức 17,5%, chỉ giảm khoảng 0,75% so với thời điểm cuối năm 2023. Đồng thời, VNIndex vẫn tăng 11% trong thời gian này nhờ dòng vốn dồi dào của nhà đầu tư cá nhân trong nước, đã hấp thụ hết lượng bán ra của khối ngoại.
Như vậy, nhà đầu tư cá nhân đang là động lực chính dẫn dắt thị trường chứng khoán và nhóm này hiện đóng góp đến 90% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường. Do đó, SSV cho rằng, nếu môi trường lãi suất thấp tiếp tục được duy trì sẽ là yếu tố quan trọng giúp dòng tiền nhà đầu tư cá nhân tiếp tục đổ vào thị trường chứng khoán trong thời gian tới, hấp thụ được lượng bán ròng của khối ngoại nếu hoạt động rút vốn còn tiếp diễn.
Đồng thời, SSV dự báo, áp lực rút vốn của khối ngoại sẽ giảm trong nửa sau của năm 2024 và năm 2025 khi tỷ giá hạ nhiệt theo lộ trình cắt giảm lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Tích cực hơn, dòng vốn ngoại sẽ sớm quay lại nếu có những bước tiến rõ rệt hơn cho tiến trình nâng hạng thị trường mới nổi của Việt Nam.
Bà Thiều Thị Nhật Lệ, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ UOB Asset Management Việt Nam (UOBAM Việt Nam) cho hay, theo thống kê từ các công ty trong danh mục theo dõi của UOBAM Việt Nam, lợi nhuận ròng tăng bình quân 14,3% theo năm và 24,4% theo quý.
Xuất khẩu ghi nhận tăng trưởng trong bối cảnh nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu chính của Viêt Nam đang cải thiện. Nhu cầu tiêu thụ nội địa cũng có dấu hiệu tăng trưởng mạnh trở lại với sự tăng tốc của ngành du lịch. Dòng vốn từ nguồn vốn FDI vẫn tăng trưởng tốt...
Môi trường lãi suất thấp được duy trì sẽ tác động lên chứng khoán
Bên cạnh đó, bà Bùi Thị Thao Ly, Giám đốc Phân tích SSV cho rằng, lãi suất tiền gửi đã giảm đáng kể từ cuối năm 2022, dù có tăng nhẹ trở lại trong tháng 6/2024, nhưng chúng tôi kỳ vọng vẫn sẽ duy trì ở mức thấp trong nửa cuối năm 2024. Môi trường lãi suất thấp luôn là điều kiện lý tưởng cho thị trường chứng khoán. Lượng tiền gửi của nhà đầu tư tại công ty chứng khoán cũng như dư nợ cho vay ký quỹ (margin) đang trong xu hướng tăng.
Dư địa gia tăng dư nợ cho vay ký quỹ vẫn còn khi tỷ lệ dư nợ margin/vốn chủ sở hữu hiện ở ngưỡng 77% vào thời điểm cuối quý I/2024, tương đối thấp so với mức đỉnh quanh 115% trong quý IV/2021 và quý I/2022.
"Như vậy, với P/E mục tiêu quanh vùng hiện tại 14x cùng kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết ở mức 15%, chúng tôi ước tính ngưỡng hợp lý của VNIndex cho năm 2024 là vùng 1,390 điểm, tương ứng với mức tăng 23% so với thời điểm cuối năm 2023 và cao hơn 10% so với thời điểm hiện tại (cuối tháng 6/2023)", bà Ly cho biết thêm.
Đồng thời, SSV có những kỳ vọng lớn hơn với triển vọng nâng hạng thị trường mới nổi. Sau gần một thập kỷ lỗi hẹn, cơ hội đang dần rõ ràng hơn khi một vài trong các giải pháp sau đây được triển khai.
Cụ thể như: (1) Thông qua Dự thảo thông tư sửa đổi các thông tư liên quan đến giải pháp ký quỹ của nhà đầu tư nước ngoài và công bố thông tin tiếng Anh; (2) Giải quyết các vấn đề về giới hạn sở hữu nước ngoài, room cho nhà đầu tư nước ngoài; (3) Cải thiện mức độ tự do hóa của thị trường ngoại hối; (4) Cơ chế CCP …
Kịch bản lạc quan nhất, Việt Nam sẽ lần lượt được nâng hạng thị trường mới nổi bởi FTSE và MSCI trong năm 2025 và 2026, ước tính thu hút 4-7 tỷ USD từ các quỹ đầu tư tập trung thị trường mới nổi.
Thống kê cho thấy, thị trường chứng khoán thường diễn biến bùng nổ trong hai năm trước khi được nâng hạng và có mức tăng trung bình khoảng 23% trong thời gian từ khi được công bố nâng hạng đến lúc có hiệu lực.
Dù có cái nhìn lạc quan với triển vọng kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán Việt Nam trong nửa cuối năm 2024 nhưng rủi ro chính sách tiền tệ và căng thẳng địa chính trị leo thang vẫn hiện hữu và cần lưu tâm trong nửa cuối năm 2024.
Tuy nhiên, việc Fed có thể tiếp tục trì hoãn giảm lãi suất hoặc giảm chậm và nhẹ hơn so với các NHTW khác trên toàn thế giới có thể khiến cho đồng USD vẫn mạnh lên so với các đồng tiền khác trong thời gian dài hơn. Và khi tỷ giá tăng, hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, sẽ thúc đẩy lạm phát tăng, làm gia tăng áp lực cho việc điều hành chính sách tiền tệ.
Tổng giám đốc UOBAM Việt Nam bà Thiều Thị Nhật Lệcũng đưa ra nhận định, môi trường lãi suất thấp tiếp tục được duy trì (dù lãi suất chính sách có thể tăng nhẹ), để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; nguồn vốn FDI tiếp tục tăng trưởng tốt, nhà là với tiềm năng từ ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.
Đồng thời, chính sách đẩy mạnh đầu tư công của chính phủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; và quyết tâm của chính phủ và cơ quan quản lý trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi... là các yếu tố tác động tích cực lên thị trường chứng khoán thời gian tới.
Yếu tố tác động tiếp theo là nền mặt bằng lãi suất thấp đang được duy trì ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng, cho dù lãi suất tiết kiệm và lãi suất OMO có tăng nhẹ gần đây nhưng vẫn khá thấp so với trước. Điều này cũng sẽ hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán.
Chính sách đẩy mạnh đầu tư công của chính phủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, xuất khẩu tích cực, thu hút nguồn vốn FDI tăng, đồng thời Việt Nam đang từng bước nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi…
Với các nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư cổ phiếu lâu nay được cho là có khả năng chịu đựng rủi ro nên một khi mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm xuống thấp, nhà đầu tư sẽ chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán.
Theo bà Lệ khác với trước đây, nhiều người nghĩ và thực tế cũng không ít nhà đầu tư tìm đến chứng khoán với ý định chỉ lướt sóng, nhưng hiện nay chiến lược đầu tư của nhiều nhà đầu tư có cái nhìn dại hạn hơn, thay vì chỉ ngắn hạn. Đây cũng là điều tích cực đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.
Nhưng cũng cần lưu ý là các rủi ro đã đề cập như: Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chưa sớm hạ lãi suất, căng thẳng địa chính trị leo thang có thể tiếp tục gây áp lực đến tỷ giá VND/USD và tác động đến tâm lý của nhà đầu tư.