Ngân hàng
Lợi nhuận ngân hàng sẽ giảm tốc tăng trưởng
T.V - 15/07/2023 14:56
Tín dụng chậm, NIM (biên lãi thuần) và thu ngoài lãi giảm. Cùng với đó nợ xấu tăng tạo áp lực lên dự phòng rủi ro khiến lợi nhuận ngân hàng được dự báo giảm tốc trong năm 2023.

Thu nhập ngoài lãi sụt giảm, nợ xấu tăng

Trong báo cáo triển vọng thị trường có tựa đề “Chắc tay chèo, vượt giông bão” công bố hôm 13/07/2023, Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) đưa ra đánh giá về hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng 6 tháng năm 2023.

VCBS cho hay, thu nhập ngoài lãi quý I/2023 chiếm trung bình 20% trong cơ cấu thu nhập của các ngân hàng, giảm 21,7% so với cùng kỳ khi các hoạt động dịch vụ, đầu tư chứng khoán,

Còn thu nhập từ bán chéo bảo hiểm (chiếm ~30% thu nhập dịch vụ) bị ảnh hưởng do việc các cơ quan quản lý đẩy mạnh hoạt động thanh kiểm tra và thu nhập của người dân giảm sút.

Sau 4 tháng đầu năm 2023, doanh thu khai thác mới qua kênh bancassurance toàn thị trường ghi nhận giảm 38% yoy, theo đó lãi từ phí bảo hiểm cả năm dự báo giảm 10-15% .

Ngoài ra, một số ngân hàng sẽ tiếp tục ghi nhận 1 phần phí Upfront cho hợp đồng bancassurance độc quyền đã ký kết (VCB, ACB, CTG, MSB, STB, VPB, LPB). Thị trường ghi nhận hợp đồng bancassurance gia hạn của VIB trong quý II/2023 và đang kỳ vọng thương vụ ký kết mới của HDB trong 2023-2024.

Thu nhập từ đầu tư kinh doanh chứng khoán và đầu tư trái phiếu chính phủ kỳ vọng thuận lợi hơn kể từ quý II/2023. Xu hướng toàn ngành là tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường hiệu quả quản trị, tiết giảm chi phí hoạt động để duy trì lợi nhuận và có dư địa giảm tiếp lãi suất.

Trong khi thu nhập ngoài lãi giảm, thì nợ xấu của ngành ngân hàng co xu hướng tăng. Theo VCBS, vào thời điểm cuối quý I/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng lên 1,9% từ mức 1,6% cuối 2022, tỷ lệ nợ nhóm 2 cũng tăng lên 2,1%.

Tỷ lệ nợ ngoại bảng VAMC ở mức 1.1%. Dù vậy, chi phí tín dụng cũng tăng chậm lại khi các ngân hàng tích cực trích lập trước thời hạn cho các khoản nợ xấu tiềm tàng trong các quý trước.

Vì vậy, các chuyên gia phân tích của nhóm VCBS cho rằng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và mức trích lập dự phòng dự kiến chưa tăng đột biến trong năm 2023 nhờ Nghị định 08 hỗ trợ gia hạn trái phiếu doanh nghiệp và Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép tái cơ cấu các khoản vay. Tuy nhiên, theo VCBS, hoạt động xử lý nợ xấu tiếp tục gặp khó khăn do thị trường bất động sản đóng băng và bất động sản là tài sản bảo đảm chính cho phần lớn các khoản vay.

VCBS dự báo rủi ro nợ xấu có thể tăng trở lại trong năm 2024 và có sự phân hóa, cụ thể: Nhóm ngân hàng chất lượng tài sản tốt sẽ ghi nhận nợ xấu và nợ tái cơ cấu kiểm soát ở mức vừa phải; nhóm ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản và TPDN cao và có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp có thể đối mặt rủi ro nợ xấu và áp lực trích lập tăng cao trong năm 2024.

VCBS dự báo lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng giảm tốc trong năm 2023 với tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 10%, trong đó có sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng.

Đồng thời, lợi nhuận tiếp tục có sự phân hóa mạnh trong năm 2024, một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm trong năm 2024 trong trường hợp thị trường bất động sản và tình hình vĩ mô thế giới tiếp tục xấu đi khiến tín dụng chậm lại và khả năng trả nợ của khách hàng khó hồi phục, đồng thời với việc các thông tư và chính sách hỗ trợ hết hiệu lực.

Vụ dự báo, thống kê (NHNN) vừa công bố kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các TCTD quý III/2023 vừa đưa ra cho thấy, tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng trong quý II/2023 tiếp tục “cải thiện” chậm hơn đáng kể so với quý trước, lợi nhuận trước thuế có tăng trưởng nhẹ nhưng thấp hơn so với mức kỳ vọng ở kỳ điều tra trước.

Các TCTD điều chỉnh thu hẹp đáng kể kỳ vọng về tình hình kinh doanh và lợi nhuận trong thời gian tới. Vì theo đánh giá của các TCTD, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng có biểu hiện “tăng nhẹ” trong quý II nhưng kỳ vọng giảm trong quý III/2023.

Khác với năm trước các ngân hàng thường công bố lợi nhuận sau khi kết thúc 6 tháng đầu năm, song đến nay nhiều nhà băng vẫn tỏ ra kín tiếng. Mới đây, Agribank công bố kết quả kinh doanh sơ bộ 6 tháng đầu năm 2023.

NIM thu hẹp do lãi suất cho vay có độ trễ

Theo đó, VCBS dự báo NIM tiếp tục thu hẹp trong quý II/2023 khi nguồn vốn huy động giá cao vẫn chưa được hấp thụ hết, đồng thời nguồn vốn giả rẻ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) giảm mạnh. Các chuyên gia phân tích của VCBS cho rằng, áp lực thu hẹp NIM sẽ hạ thấp, tuy nhiên mức độ cải thiện phân hóa giữa các nhóm ngân hàng khác nhau.

Trong đó, nhóm 4 ngân hàng thương mại Nhà nước NIM duy trì mức thấp do áp lực giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế với các gói vay ưu đãi quy mô lớn từ đầu 2023. Còn nhóm ngân hàng tư nhân có tập khách hàng cá nhân thường xuyên dồi dào có NIM tăng nhanh nhờ tỷ lệ CASA và tín dụng bán lẻ hồi phục khi mặt bằng lãi suất giảm dần.

Nhóm ngân hàng nhỏ thiếu hụt về thanh khoản trong giai đoạn trước, NIM sẽ cải thiện rõ rệt khi các khoản tiền gửi lãi suất cao dần đáo hạn. VCBS dự báo NIM toàn ngành sẽ chậm lại xu hướng giảm , nhưng có khả năng cải thiện trong nửa cuối năm 2023 nhờ lãi suất huy động giảm.

Theo VCBS, sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện 4 lần giảm lãi suất điều hành, lãi suất huy động giảm nhanh và lãi suất cho vay ghi nhận giảm khoảng 1% tại các khoản vay phát sinh mới, tuy nhiên thời điểm giảm của các khoản vay hiện hữu có độ trễ 3-6 tháng so với lãi suất huy động.

Mặt bằng lãi suất đang hạ nhiệt trong nửa cuối quý 2 và kỳ vọng tiếp tục giảm trong 2 quý còn lại 2023. Nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước ghi nhận mức lãi suất cho vay tăng ít hơn nhóm ngân hàng tư nhân trong quý I/2023 do sớm thực hiện giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế. Lãi suất đầu ra điều chỉnh giảm nhanh kể từ quý I/2023 khiến NIM nhóm ngân hàng này dự kiến duy trì ở mức thấp.

Đến tháng 6/2023, tăng trưởng tín dụng đạt 3,58%, sức hấp thụ vốn yếu của nền kinh tế. Lãi suất cho vay dự báo sẽ giảm nhiều hơn trong thời gian tới. Mặc dù vậy, mức giảm chậm hơn lãi suất huy động do độ trễ chính sách và có mức độ tập trung cao vào một số doanh nghiệp ngành nghề ưu tiên.

Trong khi đó, với việc lãi suất điều hành đã được NHNN điều chỉnh về mức thấp tương đồng với giai đoạn hỗ trợ dịch bệnh, dư địa để giảm thêm lãi suất điều hành sẽ không còn nhiều nếu xét trên tổng thể các cân đối vĩ mô. Trên thị trường thế giới, vẫn tiềm ẩn yếu tố bất định từ các quyết định lãi suất của các

Lãi suất huy động và cho vay được dự báo tiếp tục giảm thêm trong thời gian tới. Cần thêm thời gian trước khi tín dụng tăng khá trở lại. Tuy nhiên, mức giảm lãi suất cho vay có độ trễ và phân hóa giữa các ngành.

Tin liên quan
Tin khác