Sức khỏe doanh nghiệp
Lợi nhuận Nhựa sinh thái Việt Nam giảm nhẹ trước thời điểm chào sàn UPCoM
Duy Bắc - 01/10/2024 09:07
Ngày 26/9, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã quyết định chấp thuận niêm yết 20 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Nhựa sinh thái Việt Nam (mã ECO) trên sàn UPCoM.

Vốn hoá dự kiến 236 tỷ đồng khi chào sàn UPCoM ngày 8/10

Nhựa sinh thái Việt Nam cho biết 20 triệu cổ phiếu ECO sẽ niêm yết ngày 8/10 trên sàn UPCoM với giá tham chiếu 11.800 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hoá 236 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, Nhựa sinh thái Việt Nam được thành lập tháng 3/2015 với vốn điều lệ ban đầu là 6 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu bao bì nhựa và Công ty đã trải qua 4 đợt tăng vốn. Trong đó, lần 1 thực hiện tháng 12/2017 đã tăng vốn từ 6 tỷ đồng lên 20 tỷ đồng; lần 2 thực hiện tháng 5/2019, đã tăng vốn lên 50 tỷ đồng; lần 3 thực hiện tháng 9/2022 khi tăng vốn lên 100 tỷ đồng; và lần 4 thực hiện tháng 12/2022 khi tăng vốn lên 200 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ trong năm 2022, Nhựa sinh thái Việt Nam đã hai lần tăng vốn gấp đôi, thời gian cách nhau chỉ 3 tháng.

Với việc liên tục tăng vốn, tính tới thời điểm trước khi chào sàn UPCoM ngày 23/7/2024, Nhựa sinh thái Việt Nam có hai cổ đông lớn gồm ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT sở hữu 20% vốn điều lệ; ông Nguyễn Hữu Dương, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc sở hữu 15% vốn điều lệ; và còn lại 65% vốn điều lệ thuộc về các cổ đông khác sở hữu dưới 5% vốn điều lệ.

Được biết, ông Nguyễn Văn Bình sinh năm 1956, trình độ chuyên môn cử nhân kinh tế. Trong đó, từ năm 2017 đến năm 2022, ông Bình là cố vấn chiến lược tại Nhựa sinh thái Việt Nam; và chỉ mới giữ vị trí Chủ tịch HĐQT từ tháng 1/2023 tới nay.

Ngoài ra, ông nguyễn Hữu Dương sinh năm 1976, trình độ chuyên môn là Thạc sỹ Quản trị kinh doanh. Trong đó, từ năm 1997 đến năm 2012 đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng tại CTCP Thực phẩm Hữu Nghị; năm 2012 làm Giám đốc tài chính tại Công ty TNHH MTV Thương mại The Garden; từ năm 2013 đến tháng 4/2017 giữ vị trí tài chính kế toán tại Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Hưng Phát; từ tháng 5/2017 đến tháng 4/2019 giữ vị trí Trưởng phòng Tài chính kế toán tại Công ty TNHH MTV Cơ khí Trần Hưng Đạo; và tham gia Nhựa sinh thái Việt Nam từ tháng 4/2019 tới nay, đồng thời được bổ nhiệm vị trí Tổng giám đốc từ tháng 9/2022 tới nay.

Ngoài ra, liên quan tới rủi ro ngành nhựa, được biết, hiện nay đối với doanh nghiệp nhựa, chi phí nguyên liệu chiếm từ 70% đến 80% giá thành sản phẩm nhựa, vì vậy việc biến động giá nguyên liệu đầu vào nhanh trong khi giá bán điều chỉnh chậm dẫn tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp khó ổn định vì các hợp đồng đã ký trước với khách hàng về giá, khối lượng.

Vì vậy, các chuyên gia cũng dự báo, Nhựa sinh thái Việt Nam cũng gặp khó khăn quản trị nguyên liệu đầu vào, đặc biệt giai đoạn biến động mạnh.

Lợi nhuận giảm nhẹ nửa đầu năm 2024

Xét về hoạt động kinh doanh, trong nửa đầu năm 2024, Nhựa sinh thái Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt 207,9 tỷ đồng, tăng 69,8% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 4,84 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 7,5%, về 6%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 35,7% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 3,28 tỷ đồng, lên 12,47 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 109,1%, tương ứng tăng thêm 1,88 tỷ đồng, lên 3,6 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 252,2%, tương ứng tăng thêm 3,11 tỷ đồng, lên 4,35 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 50%, tương ứng tăng thêm 1,84 tỷ đồng, lên 5,51 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Như vậy, mặc dù trong nửa đầu năm 2024 lợi nhuận gộp tăng nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn giảm nhẹ, nguyên nhân chủ yếu do áp lực tăng chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng cao.

Trong năm 2024, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 350 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 13,6 tỷ đồng.

Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2024 với lãi chỉ đạt 4,84 tỷ đồng, Nhựa sinh thái Việt Nam mới hoàn thành 35,6% so với kế hoạch năm.

Ngoài ra, xét về dòng tiền, trong nửa đầu năm 2024, Nhựa sinh thái Việt Nam ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 11,45 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 16,26 tỷ đồng. Ngoài ra, cũng trong kỳ, dòng tiền đầu tư dương 23,2 tỷ đồng và dòng tiền tài chính âm 1,66 tỷ đồng.

Được biết, Nhựa sinh thái Việt Nam đã trải qua hai năm dòng tiền âm liên tục khi năm 2022 ghi nhận âm 35,17 tỷ đồng và năm 2023 ghi nhận âm thêm 29,5 tỷ đồng.

Một điểm đáng lưu ý, mặc dù là tân binh chuẩn bị niêm yết nhưng trong nhiều năm qua, Nhựa sinh thái Việt Nam đã tích cực tham gia đầu tư chứng khoán. Trong đó, tại thời điểm 30/6/2024, giá trị đầu tư là 28,37 tỷ đồng, trích lập dự phòng hơn 0,75 tỷ đồng.

Nhựa sinh thái Việt Nam thuyết minh chủ yếu đang đầu tư 8,16 tỷ đồng cổ phiếu TLD; đầu tư 5,06 tỷ đồng cổ phiếu ACC; 5,18 tỷ đồng cổ phiếu PSB; đầu tư 3,77 tỷ đồng cổ phiếu VPB; đầu tư 3,05 tỷ đồng cổ phiếu TDC; đầu tư 2,76 tỷ đồng cổ phiếu BCE …

Tin liên quan
Tin khác