Theo Tổng giám đốc ACB - ông Từ Tiến Phát cho biết, với kết quả kinh doanh khả thi trong năm 2022, với lợi nhuận hơn 17.100 tỷ đồng, ACB đặt ra mục tiêu lợi nhuận năm 2023 ở mức hơn 20.000 tỷ đồng.
Kết thúc quý đầu năm nay, lợi nhuận quý 5.120 tỷ đồng, tăng 24% so cùng kỳ 2022 và đạt 26% so với kế hoạch cả năm; tăng trưởng huy động hợp nhất 2,1% so với cuối năm 2022; CAR là 13,1%.
Trong các chỉ tiêu tăng trưởng thì tăng trưởng tín dụng của ACB đến quý I/2023 lại giảm 0,6%, nhưng theo ông Phát điều này đã được ACB dự báo trước. Bởi với diễn biến khó khăn của nền kinh tế và đặc thù của ACB là ngân hàng bán lẻ nên việc sụt giảm tăng trưởng tín dụng là điều khó tránh trong quý I/2023.
Tuy nhiên, dư nợ tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đã dần hồi phục từ tháng 3/2023. Tỷ lệ nợ xấu của ACB đến cuối quý I/2023 vẫn được kiểm soát mức dưới 1%.
Trả lời cổ đông tại đại hội, Tổng giám đốc ACB cũng cho hay, trước bối cảnh tình hình khó khăn của kinh tế cũng tác động lên nợ xấu của ngành và ACB nói riêng. Nợ xấu của ACB đã tăng nhẹ lên 0,84 từ mức 0,74% cuối năm 2022. Tuy nhiên, điều này cũng đã được ACB lường trước được khó khăn và Ngân hàng cũng đã có phương án để kiểm nợ xấu ở mức dưới 1%.
Tỷ lệ cho vay bất động sản của ACB ở mức rất thấp và chủ yếu là bất động sản ở phân khúc cá nhân vay mua nhà, trong đó cho vay bất động sản kinh doanh chỉ chiếm 1% trên tổng dư nợ nên cũng không phải là điều đáng lo ngại về vấn đề nợ xấu.
Với kết quả đạt được trong quý đầu năm nay, theo ông Phát, ACB tự tin hoàn thành được kế hoạch đưa ra cho cả năm 2023. Đồng thời, dư nợ tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng cũng sẽ đạt mức được Ngân hàng Nhà nước cho phép khoảng 13-14%, với chiến lược đẩy mạnh bán lẻ.
Cũng theo ông Phát, tăng trưởng ACB có phần thấp trong quý đầu năm, nhưng thường tăng trưởng ở mức cao trong những quý tiếp theo. Vì vậy, với chỉ tiêu kinh doanh đưa ra cho cả năm nay, Ngân hàng có cơ sở để thực hiện và nỗ lực đạt được kế hoạch.