Theo báo cáo tài chính hợp nhất công bố mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long (mã chứng khoán: TLG) ghi nhận doanh thu quý đầu năm đạt 810 tỷ đồng, giảm gần 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi doanh thu nội địa giảm mạnh từ 647 tỷ đồng xuống 494 tỷ đồng thì hoạt động xuất khẩu vẫn tiến triển khả quan, nhờ đó công ty ghi nhận doanh thu từ thị trường nước ngoài tăng hơn 15% lên 313 tỷ đồng.
Lợi nhuận gộp giai đoạn này đạt 343 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp hơn 42,4%, nhích nhẹ so với mức 41,8% của cùng kỳ năm ngoái. Chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp trong giai đoạn này đều giảm nhẹ so với cùng kỳ. Công ty báo lãi trước thuế 111,6 tỷ đồng và lãi sau thuế 88,3 tỷ đồng, lần lượt giảm 11,3% và 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng âm hai chữ số, nhưng đây là kết quả kinh doanh khả quan nhất trong 3 quý trở lại đây. Trước đó, công ty lần lượt báo lãi 59 tỷ đồng trong quý III/2023 và 28 tỷ đồng trong quý IV/2023. Kết quả này lần lượt hoàn thành 21,3% kế hoạch doanh thu và 22% kế hoạch lãi sau thuế.
Theo giải thích của ban lãnh đạo, kết quả kinh doanh quý đầu năm chưa thực sự khởi sắc bởi các điểm bán hàng vẫn thận trọng trong việc nhập hàng. Do đó, công ty kỳ vọng khi vào mùa cao điểm kinh doanh trong tháng 5 và tháng 6 thì doanh số sẽ khả quan hơn.
“Hàng hoá từ Trung Quốc có sức cạnh tranh cao, đặc biệt cạnh tranh về giá và mẫu mã. Do đó, chúng tôi đang tập trung vào nghiên cứu và phát triển để nâng mặt bằng giá bán cũng như tạo sự khác biệt về tính dân tộc trong sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh”, ban lãnh đạo công ty chia sẻ.
Năm nay, Tập đoàn Thiên Long đặt mục tiêu doanh thu thuần năm nay đạt mức kỷ lục 3.800 tỷ đồng, tăng 9,77% so với kết quả năm trước và giảm 5% so với kế hoạch năm trước. Trong đó, hoạt động xuất khẩu dự kiến đóng góp khoảng 1.000 tỷ đồng. Công ty kỳ vọng lợi nhuận sau thuế tăng 6,69% lên 380 tỷ đồng, nhưng đây chưa phải là mức cao nhất trong lịch sử hoạt động bởi công ty từng ghi nhận lãi sau thuế 400 tỷ đồng vào năm 2022.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về lý do đặt mục tiêu doanh thu năm nay thấp hơn mục tiêu năm ngoái, ban lãnh đạo cho biết “đây là cam kết để cân bằng lợi ích các bên liên quan, kiên cường bảo vệ thị phần, thương hiệu và lợi ích cổ đông”. Ban lãnh đạo cũng đánh giá mục tiêu lợi nhuận 380 tỷ đồng rất thách thức do các khoản đầu tư về con người và thương mại điện tử nên việc đạt biên lãi ròng 10% là không dễ.
Nói về mục tiêu xa hơn, ban lãnh đạo Thiên Long cho biết trước đây từng đề cập kế hoạch doanh thu 10.000 tỷ đồng vào năm 2027. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, công ty đã cân nhắc lại và quyết định không theo đuổi bẳng mọi giá bởi việc này sẽ đánh đổi bằng nhiều rủi ro đối với hoạt động và tình hình tài chính.
Đánh giá về xu hướng ngành văn phòng phẩm, ban lãnh đạo cho rằng ở nhu cầu về bút viết, dụng cụ học tập và mỹ thuật ở Việt Nam cũng như các nước trong khu vực Đông Nam Á vẫn tăng trưởng. Tuy nhiên, với sự cạnh tranh mạnh, đặc biệt là từ các doanh nghiệp Trung Quốc, thì Thiên Long phải tập trung vào thiết kế tạo ra sản phẩm khác biệt và ấn tượng nhằm đáp ứng nhu cầu khắt khe của người tiêu dùng.
Tổng tài sản của Tập đoàn Thiên Long tính đến cuối quý I/2024 đạt 2.877 tỷ đồng, nhích nhẹ so với mức 2.808 tỷ đồng hồi đầu năm. Nợ phải trả giảm nhẹ từ 714 tỷ đồng xuống 697 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của công ty hiện đạt 2.179 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn 768 tỷ đồng.