Viễn thông - Công nghệ
Lợi nhuận từ quảng cáo tiếp tục chảy vào túi công ty OTT ngoại
Tú Ân - 01/09/2022 07:55
Dịch vụ truyền hình OTT xuyên biên giới đang được buông lỏng, cạnh tranh bất bình đẳng với doanh nghiệp Việt.
Doanh thu, số thuê bao của các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới tại Việt Nam như Netflix, Apple TV, Amazon Fire TV, WeTV… chưa thống kê được.

Tăng trưởng mạnh, nỗi lo lớn

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến hết quý II/2022, thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam đạt 16,9 triệu thuê bao, doanh thu ước đạt 4.500 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, doanh thu đối với dịch vụ truyền hình OTT tăng trưởng mạnh, đạt khoảng 370 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 300% so với cùng kỳ năm 2021.

Thế nhưng, đây chỉ là thống kê về truyền hình OTT của Việt Nam. Trên thực tế, doanh thu, số thuê bao của các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới như Netflix, Apple TV, Amazon Fire TV, WeTV… chưa thống kê được, vì họ không có pháp nhân và văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Thống kê cho thấy, có tới gần 80% thị phần dịch vụ truyền hình trả tiền qua ứng dụng OTT tại Việt Nam thuộc về các doanh nghiệp xuyên biên giới. Theo số liệu từ App Annie, chỉ tính riêng trên điện thoại dùng hệ điều hành Android, vào đầu năm 2020, Netflix đã có 1,6 triệu người dùng dịch vụ tại Việt Nam, WeTV có hơn 630.000 người dùng, IQIYI có hơn 445.000 người dùng...

Dù đạt số lượng thuê bao lớn, doanh thu và lợi nhuận “khủng” từ thị trường Việt Nam, nhưng truyền hình OTT xuyên biên giới lại trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế. Sau nhiều thúc ép, mới duy nhất Netflix nộp 7,8 tỷ đồng tiền thuế, trong khi nếu chỉ 50% số khách sử dụng dịch vụ và chỉ dùng gói cơ bản giá 180.000 đồng/tháng, thì mỗi năm, Netflix thu về hơn 1.728 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), thị trường truyền hình trả tiền trong nước đang có sự tham gia của một số doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ truyền hình OTT xuyên biên giới. Điểm chung về dịch vụ của họ là nội dung trên dịch vụ không có kênh chương trình, chỉ có nội dung theo yêu cầu (VOD), chủ yếu là các thể loại phim điện ảnh, phim hoạt hình, phim tài liệu, phim truyền hình, ngoài ra cũng có các chương trình truyền hình thực tế, trò chơi truyền hình…

“Một số dịch vụ loại này đã bị phát hiện có nội dung vi phạm các quy định pháp luật Việt Nam về báo chí, điện ảnh… Trong các năm 2020-2021, trên dịch vụ Netflix có nhiều nội dung vi phạm về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, tuyên truyền lối sống dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam”, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết.

Cần tiền kiểm với dịch vụ OTT xuyên biên giới

Ông Huỳnh Long Thủy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần VieON cho biết, các nội dung phát trên các nền tảng OTT mà doanh nghiệp Việt nhập về đều phải đi qua con đường nhập khẩu văn hóa phẩm ủy thác của đài truyền hình. Doanh nghiệp Việt phải thông qua quy trình xin phép như thành lập kênh truyền hình, nội dung nhập khẩu, sản xuất, kiểm duyệt tuân thủ quy trình nghiêm ngặt…

Trong khi đó, các OTT xuyên biên giới được buông lỏng và sản phẩm của họ không cần thông qua quy trình trên, mà trực tiếp đến với công chúng chỉ bằng một chiếc smartphone kết nối mạng. Các OTT xuyên biên giới cũng tự do thu tiền thuê bao qua Internet mà không hề đóng thuế; quảng bá các nội dung vi phạm thuần phong mỹ tục, khiêu dâm, thậm chí xuyên tạc lịch sử Việt Nam…, nhưng gần như không bị phạt.

Theo ông Trần Văn Úy, Tổng giám đốc SCTV, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ siết chặt quy định quản lý với các dịch vụ OTT xuyên biên giới. Theo đó, các dịch vụ xuyên biên giới cần thực hiện thủ tục đăng ký cấp phép hoạt động, kiểm duyệt theo quy định; phải tiền kiểm trước nội dung được phát sóng hoặc đưa lên Internet nhằm đảm bảo thống nhất sự quản lý của Nhà nước về nội dung truyền hình, phim ảnh giống như các đơn vị cung cấp dịch vụ OTT trong nước.

Ngoài ra, dịch vụ xuyên biên giới cần kê khai doanh thu phát sinh tại Việt Nam; cần áp dụng biện pháp kỹ thuật kèm chế tài đủ mạnh để kiểm soát việc tuân thủ quy định kiểm duyệt nội dung. Đồng thời, đưa các dịch vụ OTT xuyên biên giới vào danh mục kiểm soát đặc biệt.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí cho rằng, các doanh nghiệp OTT xuyên biên giới đang cung cấp các nội dung không hề được tiền kiểm, đẩy sức ép rất lớn lên khâu hậu kiểm và xử lý, với nhiều hệ lụy về văn hóa, tư tưởng. Điều đó đồng nghĩa, các doanh nghiệp OTT trong nước thiếu sức cạnh tranh với các doanh nghiệp OTT xuyên biên giới. Lợi nhuận từ quảng cáo vì thế tiếp tục chảy vào túi các doanh nghiệp OTT ngoại.

Theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, thời gian tới, một số văn bản quy phạm pháp luật sẽ được ban hành giúp tăng cường quản lý đối với hoạt động cung cấp dịch vụ truyền OTT nói chung và dịch vụ phổ biến phim điện ảnh trên không gian mạng nói riêng. Dự kiến từ năm 2023, các quy định mới sẽ cho phép xử lý bất cập hiện nay, buộc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình OTT nước ngoài phải tuân thủ quy định như doanh nghiệp trong nước. Các quy định mới sẽ thúc đẩy thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền phát triển và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử dự kiến doanh thu cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền cả năm 2022 đạt khoảng 9.300 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số 9.200 tỷ đồng của năm 2021.

Theo dự báo của Akamai, số người xem các nền tảng OTT sẽ tạo ra thị trường có trị giá trị 54 tỷ USD vào năm 2026. Tại Việt Nam, người dùng dịch vụ truyền hình OTT sẽ lên tới 36 triệu người trên tổng số 180 triệu người dùng tại Đông Nam Á.
Tin liên quan
Tin khác