Doanh thu và lợi nhuận cùng giảm trong nửa đầu năm 2024
Trong quý II/2024, Vinasun ghi nhận doanh thu đạt 253,22 tỷ đồng, giảm 16,3% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận lãi 16,93 tỷ đồng, giảm 57,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 20,5% về 17,3%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 29,3% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 18,11 tỷ đồng về 43,77 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 69,9%, tương ứng giảm 8,62 tỷ đồng về 3,72 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 25,4%, tương ứng giảm 1,76 tỷ đồng về 5,18 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 5,7%, tương ứng tăng thêm 2,13 tỷ đồng lên 39,25 tỷ đồng; lợi nhuận khác tăng 39,6%, tương ứng tăng thêm 3,93 tỷ đồng lên 13,85 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Như vậy, trong quý II, việc biên lợi nhuận gộp thu hẹp trong bối cảnh doanh thu suy giảm, điều này dẫn tới lợi nhuận gộp giảm, đồng thời hụt doanh thu tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng… đây là các nguyên nhân chính dẫn tới lợi nhuận sau thuế giảm tới 57,8%.
Lý giải về lợi nhuận lao dốc trong quý II, ông Trần Anh Minh, Phó tổng giám đốc cho biết trong quý II, do doanh thu giảm 16,3% và Công ty tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ thêm cho anh em lái xe và đối tác, vì vậy dẫn tới lợi nhuận giảm 57,8%.
Luỹ kế trong nửa đầu năm 2024, Vinasun ghi nhận doanh thu đạt 531,84 tỷ đồng, giảm 15,4% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận lãi 38,94 tỷ đồng, giảm 58,2% so với nửa đầu năm 2024.
Trong năm 2024, Vinasun đặt kế hoạch tổng doanh thu 1.010,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 80,5 tỷ đồng. Ngoài ra, về kế hoạch đầu tư, thanh lý xe, trong năm 2024, Vinasun sẽ đầu tư khoảng 700 chiếc xe Hybrid của Toyota, thanh lý và bán trả chậm cho anh em lái xe để kinh doanh dưới hình thức thương quyền khoảng 500 chiếc, nhưng Công ty sẽ điều chỉnh tăng/giảm số lượng, chủng loại xe đầu tư và thanh lý và đặt mục tiêu tổng số xe sở hữu đến cuối năm 2024 là 2.790 chiếc.
Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2024 với lãi 38,94 tỷ đồng, Vinasun mới hoàn thành 48,4% so với kế hoạch năm.
Thực tế, nếu nhìn rộng ra, sau giai đoạn lỗ trong hai năm 2020 và năm 2021, Vinasun có lãi 185 tỷ đồng trong năm 2022 nhưng ngay lập tức giảm về 151 tỷ đồng trong năm 2023.
Như vậy, Vinasun đang tiếp tục đà lao dốc của lợi nhuận kể từ khi đạt đỉnh lợi nhuận năm 2022.
Thu nhập của Hội đồng quản trị và Ban giám đốc hầu như giảm ngoại trừ Tổng giám đốc
Ngoài ra, xét về quy mô tài sản, tại thời điểm 30/6/2024, tổng tài sản của Vinasun giảm 3,3% so với đầu năm, tương ứng giảm 53,9 tỷ đồng về 1.599,1 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản cố định ghi nhận 1.024,7 tỷ đồng, chiếm 64,1% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 391,9 tỷ đồng, chiếm 24,5% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 117,3 tỷ đồng, chiếm 7,3% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Trong kỳ, tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 2,7% so với đầu năm, tương ứng giảm 10,8 tỷ đồng về 391,9 tỷ đồng.
Ngược lại, về phần nguồn vốn, tại thời điểm cuối quý II, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 10,9% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 31,5 tỷ đồng lên 321,1 tỷ đồng và bằng tới 29,1% tổng vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 117,1 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là 204 tỷ đồng.
Thu nhập của các thành viên Hội đồng quản trị và Ban tổng giám đốc Vinasun trong nửa đầu năm 2024 (Nguồn: Vinasun) |
Một điểm đáng lưu ý khác, do kinh doanh lao dốc trong nửa đầu năm 2024, thu nhập của các thành viên HĐQT và Ban Tổng giám đốc đều giảm hoặc đi ngang. Tuy nhiên, chỉ có trường hợp của ông Đặng Thành Duy, Tổng giám đốc ghi nhận thu nhập tăng 5,4% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 47,19 triệu đồng lên 928,1 triệu đồng.