Công ty mẹ đã có lãi
Theo báo cáo của Bộ Công thương, mặc dù Dự án Mở rộng sản xuất giai đoạn II Nhà máy Gang thép Thái Nguyên vẫn đang xây dựng dở dang và bị tạm dừng thi công để giải quyết các vướng mắc, nhưng giai đoạn I của Dự án vẫn hoạt động sản xuất - kinh doanh ổn định.
Năm 2017, Tisco đạt lợi nhuận sau thuế 101,71 tỷ đồng. Ảnh: Thanh Hương |
Tới hết năm 2017, Tisco đã sản xuất được 700.101 tấn thép cán và tiêu thụ được 724.615 tấn. Đối với mặt hàng phôi thép, Công ty sản xuất 412.012 tấn cùng 177.843 tấn gang lò cao, khai thác được 629.505 tấn quặng sắt. Với kết quả này, Tisco đã đạt lợi nhuận sau thuế 101,71 tỷ đồng.
Tại VTM, tình hình sản xuất - kinh doanh cũng rất khả quan. Trong năm 2017, Công ty đã sản xuất được 463.612 tấn phôi thép, tiêu thụ được 462.909 tấn; khai thác được 2,39 triệu tấn quặng và đã tiêu thụ được 2,58 triệu tấn, trong đó xuất khẩu được 1,156 triệu tấn. Lợi nhuận trước thuế của VTM năm 2017 đạt 405 tỷ đồng.
Trong 2 tháng đầu năm 2018, Dự án Khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và Nhà máy gang thép Lào Cai của VTM vẫn thuận lợi và đạt lợi nhuận cao. Theo tính toán, khâu sản xuất và tiêu thụ phôi thép đạt 59.321 tấn; khai thác và tiêu thụ quặng sắt đạt 431.668 tấn. Tổng doanh thu 2 tháng đầu năm 2018 đạt 1.069 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 198 tỷ đồng.
Với thực tế đã có lãi trong năm 2017 sau 2 năm thua lỗ liên tiếp và đặt mục tiêu đạt lợi nhuận 540 tỷ đồng trong năm 2018, xóa hết lỗ lũy kế các năm trước để lại, về đích trước 1 năm so với đề án xử lý thua lỗ tại 12 đại dự án của ngành công thương, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam đã đề nghị đưa Dự án Khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và Nhà máy gang thép Lào Cai ra khỏi danh sách các đại dự án thua lỗ của ngành công thương.
Đẩy mạnh thoái vốn
Được biết, tại Dự án Khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và Nhà máy gang thép Lào Cai, VTM đang tiến hành lại bước nghiên cứu khả thi để quyết định đầu tư hạng mục dây chuyền cán công suất 500.000 tấn/năm. Tuy nhiên, rất có thể hạng mục này sẽ được lùi thời hạn triển khai đầu tư do khó khăn về vốn.
Năm 2017, khai thác tại mỏ Quý Xa chỉ đạt 82% công suất thiết kế và mục tiêu được đặt ra cho năm 2018 là khai thác 100% công suất thiết kế. Để tăng hiệu quả hoạt động trong năm 2018, Dự án có kế hoạch không sử dụng chuyên gia Trung Quốc vận hành thường xuyên nhà máy.
Còn tại Dự án Mở rộng sản xuất giai đoạn II Nhà máy gang thép Thái Nguyên, Tisco đang hoàn tất báo cáo định giá và đánh giá hiệu quả đầu tư Dự án. Tuy nhiên để xử lý dài hơi, Tổng công ty Thép Việt Nam đã được thông qua chủ trương thoái vốn tại Tisco.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư trước đó, ông Nghiêm Xuân Đa cho hay, dẫu đã bắt đầu có lãi nhưng để các doanh nghiệp này bật dậy thì phải có sự đột phá, mà cụ thể là thoái tiếp vốn nhà nước còn lại tại doanh nghiệp và tăng huy động vốn.
Mỗi năm, Tisco chi 500 tỷ đồng tiền lương, nộp ngân sách khoảng 300 tỷ đồng, trả ngân hàng là 350 tỷ đồng, mà vẫn còn lợi nhuận khoảng 200 tỷ đồng. Vì thế, muốn hoạt động hiệu quả hơn, thì phải tiếp tục cơ cấu lại cổ đông hiện nay.
“Riêng tiền trả lãi vay ngân hàng đã là 350 tỷ đồng. Đây chính là lợi nhuận của doanh nghiệp. Nếu muốn thoát phần lãi vay này, thì phải phát hành thêm vốn, trả bớt nợ và có tiền đầu tư đồng bộ các hạng mục để huy động Dự án vào hoạt động. Tuy nhiên, với cơ cấu vốn nhà nước như hiện nay thì không làm được”, ông Đa nói.
Nhà nước, thông qua Tổng công ty Thép, đang nắm 65% vốn tại Tisco và nếu giảm phần nắm giữ này xuống mức quanh 20% thì cơ hội để thay đổi tại Tisco là không hề nhỏ. Hiện tại giá cổ phiếu của Tisco được giao dịch khoảng 11.000 đồng/cổ phiếu và đang có một số nhà đầu tư muốn mua lại phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp.
Với thực tế nhiều doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động trong ngành thép có mức lợi nhuận rất lớn, như Tập đoàn Hòa Phát với lợi nhuận sau thuế là 8.000 tỷ đồng trong năm 2017, trong đó 80% đến từ mảng hoạt động sản xuất, kinh doanh thép, không khó để nhận thấy cơ hội cho các dự án đang khó khăn thời gian qua của Tổng công ty Thép bật dậy mạnh.