Ngân hàng
Lợi suất trái phiếu Mỹ vọt lên cao nhất từ năm 2007, giá vàng chạm đáy 6 tháng
Phạm Anh - 28/09/2023 11:10
Trước sự rung lắc trên thị trường quốc tế, giá vàng và tỷ giá trong nước đều đang đứng khá vững.

Tại hệ thống cửa hàng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), giá vàng miếng yết ở mức 68,1 - 68,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), nhích nhẹ 50 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với sáng hôm qua. Chênh lệch giữa hai chiều mua - bán duy trì ở mức khoảng 700.000 đồng/lượng.

Giá vàng miếng SJC bán ra phổ biến ở mức 68,75-68,82 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng 12 triệu đồng/lượng.

Giá vàng bất ngờ mất mốc quan trọng 1.900 USD/ounce, dao động trong khoảng đáy thấp nhất trong vòng 6 tháng gần đây trước áp lực chỉ số USD và lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng cao trong bối cảnh nguy cơ chính phủ Mỹ phải đóng cửa tăng cao.

Ở thời điểm hiện tại, giá vàng giao ngay giảm 0,01% còn 1.874,43 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12/2023 trên sàn Comex New York giảm 0,01% còn 1.890,7 USD/ounce.

Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm chuẩn của Mỹ đã tăng lên khoảng 4,6%, đạt mức cao nhất kể từ năm 2007 khi giá dầu tăng cao làm dấy lên lo ngại về lạm phát tiếp theo, hỗ trợ cho trường hợp duy trì chính sách tiền tệ hạn chế.

Trái phiếu chính phủ Mỹ bất ngờ đi xuống, kéo theo các thị trường trái phiếu khác đi xuống, khi nguy cơ đóng cửa chính phủ đã làm tăng khả năng tăng phát hành trái phiếu để đáp ứng nhu cầu lớn về tài chính. Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể duy trì lãi suất cao trong thời gian dài hơn dự kiến, các nhà đầu tư không có nhiều lựa chọn an toàn ngoại trừ đồng tiền dự trữ của thế giới.

Chỉ còn vài ngày để các quan chức của Mỹ phê chuẩn dự luật ngân sách hàng năm nhằm ngăn chính phủ đóng cửa. Tuy nhiên, theo dự đoán của ông Jan Hatzius,  nhà kinh tế trưởng tại Goldman Sachs, gần như 90% Quốc hội sẽ không thể đạt được thỏa thuận.

Chính phủ Mỹ đang đối diện với nguy cơ có thể đóng cửa trong hai đến ba tuần, bắt đầu từ ngày 1/10. Theo Hatzius, các nhà lập pháp sẽ chỉ chấp nhận thỏa hiệp khi phải đối mặt với áp lực chính trị do trễ hạn thanh toán tiền lương thưởng cho quân nhân tại ngũ vào ngày 13/10 và 1/11, cũng như do các hoạt động thiết yếu bao gồm an ninh sân bay và tuần tra biên giới bị gián đoạn.

Đội ngũ chuyên gia kinh tế của ngân hàng Nomura cũng có chung quan điểm với ông Hatzius. Trong báo cáo ngày 27/9, họ dự đoán Chính phủ Mỹ sẽ đóng cửa trong một đến hai tuần, nhưng cũng có khả năng giai đoạn đóng cửa sẽ kéo dài lâu hơn.

Chính phủ Mỹ thường đóng cửa một phần khi dự luật ngân sách hàng năm không được Quốc hội thông qua. Ngân sách của Mỹ bao gồm 12 dự luật riêng biệt và năm nay, các nhà lập pháp chưa phê chuẩn bất kỳ dự luật nào.

Lần này, nguy cơ giai đoạn đóng cửa kéo dài có thể khiến nền kinh tế Mỹ phải chịu nhiều thiệt hại hơn so với trong quá khứ. Theo ước tính của Goldman Sachs, mỗi tuần chính phủ đóng cửa sẽ khiến tăng trưởng kinh tế giảm 0,2%.

Báo cáo của tổ chức tư vấn phi lợi nhuận Conference Board công bố ngày 26/9 cho thấy, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ đã giảm từ 108,7 hồi tháng 8 xuống 103 trong tháng 9. Đây là tháng giảm thứ hai liên tiếp và là mức thấp nhất kể từ tháng 5 tới nay.

Các nhà kinh tế cho rằng còn một yếu tố khác tác động tới niềm tin người tiêu dùng là việc Chính phủ Mỹ sắp phải đóng cửa.

Chỉ số DXY - đo lường biến động của USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới đã tăng 0,02% lên 106,68 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 30/11/2022. Chỉ số USD đã tăng hơn 2% kể từ đầu tháng, trong khi các tài sản an toàn khác gần như đều thua lỗ.

Tỷ giá trung tâm hôm nay, ngày 28/9 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 24.088 đồng/USD, giữ nguyên so với phiên trước.

Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.884 - 25.292 đồng/USD. Tại Vietcombank, tỷ giá hiện đang được yết ở mức 24.250 đồng/USD (mua vào) và 24.590 đồng/USD (bán ra), tăng 50 đồng so với hôm qua.

Tin liên quan
Tin khác