Thậm chí, qua diễn biến về tỷ giá trong năm 2022, có ý kiến còn lo ngại về khả năng tới đây, NHNN sẽ quay lại thời kỳ lãi suất cao sau khi liên tục hút tiền về qua kênh tín phiếu.
Dù vậy, thực tế cho thấy, tình hình thanh khoản hệ thống ngân hàng thời điểm hiện tại rất khác so với năm 2022. Một điểm dễ nhận thấy là thay vì thiếu tiền, nhiều ngân hàng đang phải đối mặt với tình trạng thừa tiền trong khi tín dụng tăng chậm. Chính vì vậy, với tốc độ hút tiền như hiện nay của NHNN, khả năng đảo chiều chính sách là khó xảy ra và động thái nói trên chỉ là một trong những bài thuốc nhằm chữa “bệnh” thừa tiền.
Thứ nhất, do thanh khoản hệ thống đang dư thừa một lượng không nhỏ tiền mặt, nên lãi suất tiền đồng (VND) trên thị trường liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm được đẩy về mức sát 0%/năm, thấp hơn gần 5%/năm với lãi suất USD.
Mức chênh lệch lãi suất giữa VND và USD ngày càng tăng đã dẫn đến hiện tượng đầu cơ ngoại tệ trong hệ thống, gây sức ép lên tỷ giá.
Bởi vậy, việc NHNN hút tiền về sẽ giúp nâng mặt bằng lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng, đồng thời thu hẹp chênh lệch với lãi suất USD, từ đó giảm hiện tượng đầu cơ ngoại tệ, giảm sức ép lên tỷ giá.
Thứ hai, lãi suất tín phiếu mà NHNN đưa ra khá thấp, do đó sẽ không tác động lớn tới lãi suất trên thị trường thanh toán giao dịch với dân cư và tổ chức triển khai (được gọi là thị trường 1). Hơn nữa, khối lượng 30.000 tỷ đồng cũng rất nhỏ so với quy mô thị trường liên ngân hàng.
Thứ ba, cùng với hút tiền về qua kênh tín phiếu, NHNN cũng mở lại Thị trường mở (OMO), sẵn sàng cung ứng vốn cho các ngân hàng.
Chiếc “máy bơm” chính thức được NHNN vận hành trở lại ở cả chiều bơm và chiều hút cho thấy, nhà điều hành đang nỗ lực tìm điểm cân bằng cho thanh khoản thị trường. Cùng với đó, NHNN cũng khẳng định tiếp tục chỉ đạo hệ thống các tổ chức tín dụng giảm chi phí, giảm tiếp lãi suất cho vay, đẩy vốn ra nền kinh tế.
Nếu thanh khoản hệ thống tiếp tục dư thừa ở mức độ lớn, tới đây, NHNN vẫn có thể phát hành thêm tín phiếu để hút tiền về, với lượng hút vừa đủ để lãi suất liên ngân hàng không bị vọt tăng, song cũng không quá thấp như hiện tại. Bên cạnh đó, khả năng cơ quan này cũng có thêm giải pháp giúp giảm thêm lãi suất huy động và cho vay trên thị trường để kích cầu tín dụng.
Với tình hình tỷ giá như hiện nay, NHNN cũng chỉ có 3 lựa chọn là hút tiền về (như cách đang làm), bán ngoại tệ can thiệp tỷ giá hoặc tăng lãi suất điều hành. Trong bối cảnh thừa tiền, NHNN đã chọn giải pháp hợp lý nhất, ít gây biến động vĩ mô nhất là hút tiền về. Giải pháp này cũng như một mũi tên trúng hai đích: vừa giúp ngân hàng giảm lượng tiền dư, vừa giảm áp lực lên tỷ giá.
Sau động thái của NHNN, rất có thể, đà tăng của tỷ giá, đặc biệt là tỷ giá VND với một số ngoại tệ mạnh sẽ chững lại. Cũng bởi vậy, nguy cơ tỷ giá bật tăng mạnh như năm ngoái là không lớn do bối cảnh thế giới năm nay có sự khác biệt, trong đó có việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tạm ngừng tăng lãi suất. Ngoài ra, các yếu tố như nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào, thặng dư thương mại đảm bảo, nguồn kiều hối tiếp tục chảy, dòng FDI có xu hướng tăng… cũng đang hỗ trợ tỷ giá.
Cho đến nay, Chính phủ vẫn kiên định đưa mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng lên hàng đầu. NHNN cũng nhiều lần khẳng định quan điểm tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng như hiện nay, thậm chí có thể nới lỏng hơn nữa.
Khi ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng, thì rất có thể, nhà điều hành sẽ phải chấp nhận đưa giá trị VND về mức phù hợp hơn. Mặc dù vậy, với diễn biến tỷ giá USD trên thế giới và dự trữ ngoại hối như hiện nay, NHNN hoàn toàn có thể giữ ổn định được tỷ giá, mà không mất quá nhiều “của để dành”. Và thời gian tới, cơ quan này cũng không phải tăng bơm, hút tiền một cách đột ngột, mà tiến hành từ từ, hài hòa với mục tiêu chính là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.