Ngân hàng - Bảo hiểm
Mừng - lo cùng tỷ giá
Thùy Liên - 25/09/2023 10:18
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bất ngờ phát hành gần 10.000 tỷ đồng tín phiếu để hút tiền trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dư thừa và tỷ giá liên tục tăng cao.
Tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại có biến động trong những ngày gần đây. Ảnh: Đức Thanh

Mừng lãi suất, lo tỷ giá

Tính đến cuối tuần qua, tỷ giá USD bán ra tại Vietcombank đã đạt mức 24.500 VND/USD, tăng hơn 4,8% so với đầu năm. Trong khi đó, tỷ giá trung tâm từ đầu năm đến nay cũng tăng gần 2%. Tỷ giá tăng mạnh suốt vài tháng qua khiến doanh nghiệp mừng - lo lẫn lộn.

Ông Nguyễn Văn Nhựt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Minh Nhật (Cần Thơ) cho hay, từ đầu năm đến nay, giá lúa gạo liên tục tăng cao, đơn hàng nhiều cộng với tỷ giá tăng khiến doanh nghiệp xuất khẩu được lợi. Đây cũng là tình hình chung của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu.

Tuy nhiên, với doanh nghiệp nhập khẩu, tỷ giá tăng lại khiến gánh lo nặng lên. Ông Nguyễn Việt Hùng, đại diện Công ty cổ phần Cơ khí Đông Anh cho hay, lãi suất đã dễ thở hơn, nhưng Công ty đang thấp thỏm nỗi lo tỷ giá bên cạnh đơn hàng sụt giảm, tồn kho tăng, đọng vốn… Lãi suất giảm rất đáng mừng, nhưng mỗi khi lãi suất giảm thì tỷ giá lại tăng, ảnh hưởng rất lớn tới các doanh nghiệp nhập khẩu. Vì vậy, ông Hùng khẩn thiết đề nghị NHNN có biện pháp để ổn định tỷ giá.

Những ngày gần đây, chứng kiến sự biến động về tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, chủ trương tăng giá đồng ngoại tệ ở thời điểm này của NHNN và hệ thống các tổ chức tín dụng là phù hợp để theo kịp xu hướng tăng giá của thị trường tiền tệ thế giới. Tất nhiên, điều này sẽ ít nhiều tác động tới hoạt động sản xuất - kinh doanh ở thời điểm gần như tất cả doanh nghiệp đang chạy nước rút để hoàn thành kế hoạch năm 2023.  

TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, ngoài nguyên nhân đồng bạc xanh tăng giá trên thế giới, tỷ giá trong nước tăng còn do yếu tố mùa vụ. Hơn nữa, lãi suất xuống thấp khiến chênh lệch lãi suất USD - VND bị đẩy lên cao trong suốt thời gian qua cũng gây áp lực lên tỷ giá.  

Có nên hãm phanh tỷ giá?

Cuối tuần qua, NHNN bất ngờ phát hành gần 10.000 tỷ đồng tín phiếu để hút tiền về sau hơn 6 tháng tạm ngưng. Giới chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dư thừa và tỷ giá liên tục tăng cao, động thái này là mũi tên trúng hai đích. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là quay lại thắt chặt chính sách tiền tệ.

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, với sức khỏe doanh nghiệp và tình hình tăng trưởng kinh tế hiện nay, NHNN vẫn tiếp tục phải nới lỏng tiền tệ. Điều này cũng có nghĩa tỷ giá sẽ phải tăng ở mức độ nhất định để giảm lãi suất nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Theo TS. Trương Văn Phước, chuyên gia kinh tế, áp lực tỷ giá những tháng cuối năm là có, khi chênh lệch lãi suất trong và ngoài nước thay đổi. Tuy nhiên, các yếu tố tác động tới tỷ giá đều đang theo hướng có lợi cho đồng tiền Việt Nam. So sánh tương quan giữa lạm phát tại Việt Nam và nhiều nền kinh tế lớn, thì lạm phát của Việt Nam không hề cao, mặt bằng lãi suất của nền kinh tế Việt Nam cũng vẫn đang ở mức cao hơn.

“Cả hai yếu tố này là cơ sở cơ bản cho mục tiêu ổn định tỷ giá trong năm 2023. Ngoài ra, tỷ giá VND/USD còn được hỗ trợ vững chắc của cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang phục hồi và lượng lớn kiều hối chuyển về hàng năm là các yếu tố tích cực giúp tỷ giá chỉ biến động trong phạm vi không quá lớn”, TS. Phước nhận định.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, việc các nước bắt đầu nhẹ tay hơn trong chính sách thắt chặt tiền tệ để phòng ngừa nguy cơ suy thoái kinh tế cùng với vĩ mô trong nước được ổn định cũng là cơ sở để VND không bị giảm giá quá nhiều. 

Trước nỗi lo của doanh nghiệp nhập khẩu về tỷ giá, lãnh đạo nhiều ngân hàng khuyến cáo doanh nghiệp nên sử dụng các sản phẩm phái sinh để phòng ngừa tỷ giá biến động.

Khẳng định tỷ giá là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp rất quan tâm, bởi đây cũng là một phần trong chi phí tài chính của doanh nghiệp, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN luôn theo dõi hàng ngày, hàng giờ vấn đề này. Hiện có doanh nghiệp xuất khẩu đề nghị phá giá đồng Việt Nam để hỗ trợ xuất khẩu, trong khi các doanh nghiệp nhập khẩu phản ánh, nếu đồng Việt Nam phá giá, thì nhập khẩu gặp khó khăn, cho nên điều hành tỷ giá là bài toán vô cùng khó.

Điều hành tỷ giá cần có sự hài hòa

- Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng

Lãi suất giảm thì đương nhiên tỷ giá tăng, về mặt kinh tế học là như vậy. Do đó, điều hành tỷ giá cần phải có sự hài hòa trên góc độ tổng thể nền kinh tế. Tỷ giá tăng thì được lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng sản xuất trong nước phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu, tỷ lệ nhập khẩu/GDP gần 100%. Như vậy, khi tỷ giá tăng, các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ khó khăn.

Điều hành tỷ giá là bài toán rất khó, NHNN đang theo dõi từng ngày, từng giờ. Chúng tôi sẽ điều hành chính sách tiền tệ làm sao để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định được thị trường tiền tệ ngoại hối, bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Tin liên quan
Tin khác