Ông có nói, một quốc gia muốn đẩy mạnh xuất khẩu thì phải nhập khẩu linh phụ kiện. Hiện ngành dệt may Việt Nam đang nhập khẩu 75% nguyên liệu đầu vào, khiến phụ thuộc nhiều vào các đối tác nước ngoài, như Trung Quốc. Theo ông, Việt Nam nên điều hòa việc này như thế nào?
Ông Pascal Lamy, nguyên Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) |
Việt Nam không có lựa chọn nào khác là tìm ra cho mình lợi thế duy nhất trong cuộc chơi hội nhập toàn cầu.
Giống như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, lợi thế so sánh của Việt Nam nằm ở người dân, người tiêu dùng. Đó là thế mạnh không có giới hạn, vì người dân lúc nào cũng sáng tạo, nâng cao khả năng của mình. Vấn đề là, Việt Nam cần giáo dục, đào tạo họ tốt hơn.
Theo tôi, Việt Nam sẽ không thể tăng trưởng kinh tế nếu lựa chọn tài nguyên thiên nhiên làm lợi thế so sánh với các quốc gia khác. Chính sách tạo ra lợi thế cạnh tranh tốt nhất cho Việt Nam nằm ở việc đầu tư cho giáo dục - đào tạo, nâng năng lực cạnh tranh thương mại.
Khi Việt Nam gia nhập WTO, nạn hàng giả đã trở thành vấn đề nổi cộm. Trong khi Việt Nam đang đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), lại có tiêu chuẩn quyền sở hữu trí tuệ? Điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam?
Đây là tình huống không dễ dàng do phụ thuộc vào quan hệ đa phương trong WTO. Các thành viên cần tuân thủ những quy định của Hiệp định, trong đó có tiêu chuẩn không chấp nhận việc sản xuất, buôn bán hàng giả, nhái, trốn thuế, nhưng thực tế, hàng giả, hàng trốn thuế vẫn lộng hành.
Trong các hiệp định đa phương, việc bảo hộ sở hữu trí tuệ là 5 năm, nhưng từ thực tế vi phạm nêu trên, nên chăng kéo dài thời gian bảo hộ lên 20 năm, vì thời gian 5 - 10 năm là không đủ để kích thích sáng tạo trong nước.
Theo tôi, trong TPP ở lĩnh vực y tế cần gia tăng bảo hộ sở hữu trí tuệ, vì có liên quan đến vấn đề rất nhạy cảm là thuốc. Nhưng trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, giải trí, sản xuất ô tô, thì không cần xem xét kỹ, vì có lĩnh vực không nhất thiết phải rõ ràng trắng đen.
Hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam đang mất kiên nhẫn vì việc đàm phán TPP kéo dài. Theo ông, Việt Nam có thể đợi bao lâu?
Làm thế nào để có thỏa thuận đa phương là rất khó. Khó không phải do tổ chức đa phương có nhiều thành viên, mà do 1 - 2 chủ thể lớn không đồng ý được với nhau. Trên thực tế, Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ, EU, Brazil chính là các chủ thể ngáng trở các cuộc đàm phán thương mại song phương và đa phương thành công nhanh.
Đó là chưa kể, trong lịch sử nước Mỹ, các hiệp định thương mại sẽ không được thông qua nếu không có sự đầu tư của Tổng thống Mỹ đương nhiệm. Với TPP, vấn đề chốt lại là, liệu Tổng thống Mỹ có tận dụng nguồn vốn chính trị của ông để thúc đẩy thông qua các điều khoản hay không.
Trong đàm phán TPP, Việt Nam muốn Mỹ tạo điều kiện cho nông sản, thủy sản, cá da trơn xuất khẩu vào Mỹ, vì đây là lĩnh vực có ảnh hưởng lớn đến lợi ích của người nghèo. Theo ông, Việt Nam cần làm gì để thuyết phục Mỹ?
Nếu các bạn cần một lời khuyên công khai có thể thuyết phục Mỹ trong đàm phán TPP về các lĩnh vực Việt Nam cần như trên, thì tôi chỉ có thể nói, Việt Nam hãy trả tiền cho hải quan Mỹ nhiều hơn so với các nước khác.
Nếu tôi có quyền quyết định việc này, tôi sẽ đồng ý, vì nó tốt hơn cho người tiêu dùng Mỹ. Ở Mỹ có quy định, tất cả những gì liên quan đến các hiệp định thương mại đều nằm trong Quốc hội, nơi rất khó có được sự tán đồng của số đông. Lý do là, họ có luật lobby và minh bạch về việc ai đã trả tiền cho nhà chính trị nào trong Quốc hội để việc đàm phán đó được thông qua hay không. Chính hệ thống đó làm cho đàm phán thương mại song phương và đa phương trở nên khó khăn.
Tôi nghĩ, Việt Nam phải có tiền đầy túi mới bôi trơn được việc thông qua các khoản có lợi trong đàm phán các hiệp định ở Quốc hội Mỹ.
Vũ Anh