Ngay cả khi có một vài chỉ tiêu chính như GDP, lạm phát… mới cập nhật hơn kém đôi chút so với lần công bố trước, thì các dự báo đều thể hiện rõ quan điểm rằng, kinh tế Việt Nam đủ lực để bước qua những mốc tăng trưởng đang được dự báo, trong khoảng 5,3 - 5,8%.
| ||
Dự báo, năm 2014, dòng vốn đầu tư tư nhân được cải thiện |
Chìa khóa được nhắc tới vẫn là tính kiên định và sự thực thi quyết liệt trong tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công và hệ thống ngân hàng thương mại, để giải quyết những yếu kém mang tính cơ cấu của nền kinh tế. Chỉ có khác, bài học về chậm trễ và thiếu quyết liệt trong thực thi chính sách của năm 2013 và cả những năm trước đó, đã được nhắc tới với những nỗi lo mới về việc lỡ cơ hội chủ động khai thác tính cộng hưởng chính sách vào từng hoạt động của nền kinh tế.
Nếu không bỏ lỡ cơ hội này, những điểm tựa quan trọng cho kinh tế Việt Nam năm 2014 và cả những năm tiếp theo, trong đó, phải kể tới là sự vững chắc trong ổn định kinh tế vĩ mô và sự trở lại của niềm tin kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp, sẽ lại tiếp tục chông chênh.
Bởi lẽ, với cam kết của Chính phủ về việc tập trung chỉ đạo điều hành đồng bộ, hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ và giá cả các hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước quy định để hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô cả trước mắt và trong trung hạn, năm 2014 sẽ là năm có hàng loạt cơ chế, chính sách mới được xây dựng. Bên cạnh đó, nhiều chính sách đã ban hành và thực thi năm 2013 sẽ vượt qua độ trễ về thời gian để phát huy tác dụng mạnh mẽ hơn.
Đặc biệt, không thể không nhắc tới những tác động được kỳ vọng sẽ mang lại những chuyển biến tích cực cho nền kinh tế Việt Nam, nhất là về phương diện tăng trưởng kinh tế, từ việc bổ sung nguồn lực cho đầu tư công từ nâng trần bội chi ngân sách nhà nước các năm 2013 - 2014 và phát hành thêm trái phiếu chính phủ.
Như vậy, trên nền những chuyển biến tích cực của kinh tế vĩ mô đã được thực hiện trong năm 2013, như kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát giảm, lãi suất hạ nhiệt…, dư địa chính sách để tạo những cú huých mang tính xoay chuyển tình thế cho nền kinh tế đang rộng mở.
Cũng phải khẳng định, đây là lợi thế rất rõ nét của kinh tế năm 2014. Nhìn lại, nếu như năm 2011, nền kinh tế Việt Nam đã đối diện trực tiếp với các thách thức tái cơ cấu kinh tế, tăng trưởng suy giảm và các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng dần suy kiệt, thì sự do dự về chính sách trong suốt năm 2012 đã đẩy nền kinh tế vào sự trì trệ chưa từng có. Thậm chí, năm 2012 được xem như một năm không thành công về thực thi những ý tưởng chính sách đã được đề ra trong năm 2011 và những năm trước đó. Điều này đã tạo áp lực rất lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô, nhất là sự lấn cấn trong lựa chọn các giải pháp ngắn hạn và dài hạn trong năm 2013.
Tuy nhiên, thách thức của kinh tế năm 2014 cũng được nhìn nhận khá rõ nét, đặc biệt từ khía cạnh chất lượng tăng trưởng, nếu tư duy và cách thức sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế không được cải thiện, nhất là trong khu vực đầu tư công và những lo ngại về sự chậm trễ trong cải cách doanh nghiệp nhà nước.
Do vậy, việc xây dựng hệ thống cơ chế chính sách cần phải gắn kết với mục tiêu hiện thực hóa định hướng tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế có ý nghĩa then chốt, đặc biệt trong tác động lan tỏa tới khu vực doanh nghiệp.
Một khi niềm tin của doanh nghiệp được khôi phục, dòng vốn đầu tư tư nhân được cải thiện, ít nhất là quay trở lại mức 15% GDP như giai đoạn 2007 - 2010, thay vì mức 11,5% GDP như năm 2013, thì các dự báo về sự ổn định vững chắc vào năm 2014, phục hồi vào năm 2015 và bứt phá trong những năm tiếp theo của nền kinh tế Việt Nam sẽ có thêm cơ sở.
Bảo Duy