Số liệu thống kê cho thấy 6 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 10.889 triệu USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (15,1%).
| ||
Việt Nam có thể vượt mốc 20 tỷ USD giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ |
Với quy mô và tốc độ tăng của 6 tháng và các yếu tố ảnh hưởng trong thời gian tới, nhiều khả năng cả năm 2013, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ vượt 23 tỷ USD.
Nếu dự báo này chính xác thì năm 2013 sẽ là năm đầu tiên, Việt Nam có một thị trường xuất khẩu vượt qua mốc 20 tỷ USD và chỉ riêng thị trường này đã lớn hơn tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong năm 2003.
Các mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ đạt kim ngạch lớn là dệt may; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; thủy sản; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng; túi xách, ví, va ly, mũ, ô dù; dầu thô; phương tiện vận tải và phụ tùng; sản phẩm từ sắt thép; cà phê; hạt điều; điện thoại các loại và linh kiện; hạt tiêu…
Nhập khẩu của Việt Nam từ Mỹ 6 tháng đầu năm 2013 tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn tốc độ tăng tương ứng của tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước (15,6%). Trong các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, có một số mặt hàng đạt kim ngạch lớn, như máy linh kiện; bông; thức ăn gia súc và nguyên liệu; phế liệu sắt thép…
Do xuất khẩu sang Mỹ đạt quy mô lớn hơn, tăng với tốc độ cao hơn của nhập khẩu, nên trong quan hệ buôn bán với Mỹ, Việt Nam liên tục ở vị thế xuất siêu và mức xuất siêu hiện khá cao. Nếu năm 1995 xuất siêu mới đạt 40 triệu USD, thì năm 2000 đã đạt 370 triệu USD, năm 2005 đạt trên 5,06 tỷ USD, năm 2012 đạt gần 14,85 tỷ USD, 6 tháng 2013 đạt 8,3 tỷ USD, khả năng cả năm 2013 có thể vượt mốc 17 tỷ USD.
Không chỉ là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, Mỹ hiện đứng thứ 7 trong các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới có đầu tư vào Việt Nam, với lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký tính đến ngày 20/6/2013 đạt trên 10,5 tỷ USD.
Từ quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ, có thể rút ra 5 điểm lưu ý:
Thứ nhất, Mỹ là thị trường rộng lớn, với kim ngạch nhập khẩu trên dưới 2.300 tỷ USD, nhưng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ chiếm chưa tới 1% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ.
Thứ hai, với các mặt hàng có kim ngạch đủ lớn để cạnh tranh với sản phẩm trong nước của Mỹ, hàng hoá Việt Nam rất dễ bị các hàng rào kỹ thuật, trong đó thông thường nhất là thuế chống bán phá giá ở mức rất cao. Vì vậy, khi xuất khẩu vào Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị các dữ liệu để chứng minh mình không phá giá.
Thứ ba, cần khai thác lợi thế từ hàng triệu Việt kiều đang sinh sống tại Mỹ, với hàng ngàn doanh nghiệp do Việt kiều làm chủ hoặc tham gia lãnh đạo. Lợi thế này không chỉ là số người tiêu dùng có nhu cầu truyền thống phù hợp, mà còn là những cầu nối, những đầu mối để hàng hóa Việt Nam vào Mỹ.
Thứ tư, trong quan hệ thương mại, đầu tư với Mỹ, cần quan tâm hơn nữa đối với những mặt hàng là máy móc, thiết bị, bởi đó là nhu cầu đổi mới kỹ thuật - công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến mặt hàng sử dụng nhiều lao động, tay nghề cao, giá nhân công rẻ như hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm từ gỗ… phù hợp với lợi thế của Việt Nam.
Thứ năm, nâng tầm chiến lược và mở rộng hơn nữa quan hệ thương mại, đầu tư và các quan hệ khác giữa Mỹ và Việt Nam.
Minh Nhung