Dự kiến, năm 2016, Hàn Quốc sẽ giảm thuế về 0% đối với hàng may mặc nhập khẩu từ Việt Nam. Tuy nhiên, bao nhiêu trong tổng số 6.000 DN đang hoạt động trong ngành dệt may hưởng lợi thật sự từ VKFTA?.
Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG là một doanh nghiệp xuất khẩu lớn, đóng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, với hệ thống 17 nhà máy may, kim ngạch xuất khẩu đứng tốp đầu của tỉnh này (gần 70 triệu USD năm 2014), nhưng tỷ trọng xuất khẩu đi Hàn Quốc rất thấp so với các thị trường truyền thống của doanh nghiệp.
Trong số hơn 600 doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may sang Hàn Quốc, thì có tới 500 DN FDI Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam. Ảnh: Đ.T |
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị TNG cho biết, Công ty có giao dịch xuất khẩu sang Hàn Quốc, nhưng không đáng kể nếu so với các thị trường Mỹ, EU và Nhật Bản. Bởi vậy, VKFTA được ký kết, với ngành dệt may là tin vui, động lực cho xuất khẩu vì thuế giảm, nhưng với riêng TNG không được hưởng lợi gì nhiều do trong cơ cấu thị trường xuất khẩu, Hàn Quốc không phải là trọng điểm.
Một doanh nghiệp khác là Công ty TNHH Đông Phong (Thái Bình) cho biết, tại thời điểm này, Công ty không xuất khẩu hàng sang Hàn Quốc, nhưng trong chiến lược mở rộng thị trường và trước những cơ hội đang mở ra, Công ty sẽ có đầu tư bài bàn để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
Với hơn 200 doanh nghiệp thành viên, Hội Dệt - May - Thêu đan TP.HCM cũng chia sẻ, số lượng doanh nghiệp có giao dịch thương mại, xuất khẩu hàng hóa sang Hàn Quốc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông Bùi Trọng Nguyên, Tổng thư ký Hội này cho biết, Hàn Quốc là thị trường khá mạnh về thời trang, hầu hết doanh nghiệp đang cung cấp sản phẩm may mặc cho thị trường này đều thuộc chuỗi cung ứng tại nước này.
Do đó, hiện xuất khẩu may mặc từ Việt Nam sang Hàn Quốc chủ yếu là từ các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam và đây chính là bộ phận được hưởng lợi nhiều nhất cả về thị trường, chính sách thuế khi ký VKFTA…
Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất - Thương mại - May Sài Gòn, ông Nguyễn Ân cũng cho rằng, so với những thị trường như Mỹ, EU, thì Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu tương đối nhỏ đối với hàng may mặc của Việt Nam. Doanh nghiệp Hàn Quốc chủ yếu đặt những đơn hàng thời trang, với số lượng khá ít, khoảng 2.000 -5.000 sản phẩm.
Nhận định về cơ hội gia tăng xuất khẩu hàng dệt may, khi các dòng thuế được giảm về 0% khi VKFTA có hiệu lực là hoàn toàn chính xác. Nhưng, nhìn vào số lượng doanh nghiệp đang xuất khẩu sang Hàn Quốc thấy rất rõ, lợi thế đang nghiêng mạnh về các doanh nghiệp dệt may Hàn Quốc đang có hoạt động đầu tư, sản xuất tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam có xuất khẩu dệt may sang Hàn Quốc, nhưng tỷ trọng đóng góp thực tế vào tổng kim ngạch gần 2,4 tỷ USD của năm 2014 là khá hạn chế.
Ông Nguyễn Văn Thời cho rằng, hầu hết doanh nghiệp dệt may Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam có quy mô lớn, từ vài ngàn đến hàng chục ngàn lao động, có lợi thế rất lớn trong hút các đơn hàng từ Công ty mẹ Hàn Quốc.
Một số doanh nghiệp FDI Hàn Quốc trong năm 2014 đã có kết quả xuất khẩu rất ấn tượng và đây chính là nguồn lực đóng góp vào bảng thành tích xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam. Đứng đầu danh sách là Công ty TNHH Unico Global Việt Nam (100% vốn đầu tư của Hàn Quốc, chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu trên 20 triệu USD), Công ty TNHH PS VINA (kim ngạch xuất khẩu trên 17 triệu USD), Công ty TNHH Eland Vietnam (trên 15 triệu USD), Công ty TNHH EINS VINA…