Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có gần 7.900 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký trên 189.000 tỷ đồng và có 1.259 dự án đầu tư trong nước đăng ký cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký 139.845 tỷ đồng. Hiện có 37 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đầu tư trực tiếp vào Long An 772 dự án FDI với tổng số vốn trên 5,1 tỷ USD, chiếm 60% tổng số dự án FDI của toàn Vùng ĐBSCL.
Thu hút đầu tư vào Long An tăng cao, bởi tỉnh này đang hội đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đối với nhà đầu tư. Trước hết là về mặt địa - kinh tế, Long An có vị trí chiến lược quan trọng khi vừa tiếp giáp với TP.HCM (trung tâm kinh tế - tài chính lớn nhất nước), đồng thời, kết nối giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (nơi phát triển công nghiệp nhất cả nước) và kết nối trong vùng ĐBSCL (vùng trọng điểm nông nghiệp, vựa lúa - trái cây - thủy sản của cả nước). Do đó, tỉnh Long An có điều kiện phát triển hài hòa giữa công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp.
Long An phát triển hạ tầng KCN để sẵn sàng thu hút đầu tư (trong ảnh: KCN Long Hậu). Ảnh: An Thuận |
Trong lúc quỹ đất phát triển công nghiệp tại các thành phố lớn ngày càng khan hiếm, chủ trương bảo vệ môi trường buộc phải đưa các dự án sản xuất, khu công nghiệp (KCN) ra xa khu dân cư đô thị, thì Long An đang trở thành nơi lựa chọn lý tưởng cho các nhà đầu tư. Long An đang có quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp khá lớn, khoảng 15.500 ha với kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện. Trong đó, tỉnh hiện có khoảng 5.000 ha “đất sạch”, có khả năng sẵn sàng tiếp nhận các dự án đầu tư. Trên địa bàn tỉnh, đã thu hút đầu tư 28 KCN với tổng diện tích 10.216 ha, 32 cụm công nghiệp với tổng diện tích 3.368 ha.
Do tiếp giáp với TP.HCM, nên các dự án đầu tư tại Long An có thể dễ dàng tiếp cận hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, dịch vụ, tiện ích của thành phố năng động nhất nước. Đặc biệt, các dự án đầu tư tại Long An được hưởng nhiều ưu đãi theo quy định, bởi phần lớn các huyện, thị xã trong tỉnh đều thuộc địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, điều quan trọng tạo nên sức hấp dẫn của Long An chính là môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch. Trong thời gian qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho DN triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa phương. Hàng năm, tỉnh đều có kế hoạch cụ thể trong việc cải thiện Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); rà soát, nhận diện rõ các điểm yếu của tỉnh trong thang điểm tính PCI để tập trung khắc phục, nhất là các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, các thủ tục liên quan đến thuế, hải quan, đất đai…
Theo ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh cùng các ngành chức năng đã thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ các nhà đầu tư, hỗ trợ DN để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án. Ông Cần nói: “Sắp tới, chúng tôi thiết lập đường dây nóng phục vụ các nhu cầu xúc tiến đầu tư. Có gì vướng mắc, bức xúc, DN cứ gọi, chúng tôi sẽ có bộ phận theo dõi, xử lý tốt các thông tin”.
Cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào các khu, cụm công nghiệp, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối với TP.HCM, thời gian qua được tỉnh Long An tập trung đầu tư, nhằm tạo điều kiện cho các DN trên địa bàn tiếp cận tốt hơn các tiện ích về hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, cũng như nguồn nhân lực tại TP.HCM. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4 quốc lộ đi ngang qua, 1 đường cao tốc. Về giao thông thủy, tỉnh Long An có 2 trục chính là sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây hợp lưu ra cửa sông Soài Rạp. Dự kiến, thời gian tới, trên địa bàn tỉnh Long An, Trung ương sẽ đầu tư thêm 2 tuyến xe lửa, tuyến Vành đai 3, Vành đai 4 của TP.HCM qua tỉnh, bổ sung tuyến xe bus tần suất nhanh (TP. Tân An - Bến Lức - TP.HCM), cùng với các tỉnh lộ được tập trung đầu tư, sẽ tạo nên sự đồng bộ, tiện lợi trong giao thương, đi lại giữa Long An với TP.HCM và các tỉnh trong vùng.
Một yếu tố nữa khiến cho Long An hấp dẫn nhà đầu tư là tỉnh có nguồn nhân lực dồi dào, với gần 1 triệu lao động, trong đó, có gần 900.000 người đang làm việc trong các ngành kinh tế, chiếm gần 70% dân số tỉnh. Trong số này, có hơn 60% số lao động qua đào tạo, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Tiều, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Long An cho biết, trong thời gian tới, tỉnh Long An tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư và DN, từng bước xây dựng chính quyền năng động, quản lý, điều hành hiệu quả, tạo niềm tin từ nhà đầu tư, cộng đồng DN, doanh nhân. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai hiệu quả các giải pháp xúc tiến đầu tư, trong đó chú trọng tính công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin. Tập trung đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là về giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc, để phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp, đảm bảo khi các dự án đầu tư vào tỉnh sẽ có đầy đủ điều kiện để vận hành hiệu quả. Tiếp đó, củng cố các cơ sở giáo dục - đào tạo, nhằm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, có tay nghề đáp ứng yêu cầu của các DN…
Hội đủ những yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” nêu trên, tỉnh Long An đang thật sự là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Cần hướng đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
TS. Trần Du Lịch, Nguyên Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM)
Đối với Long An, cần xây dựng các ‘cứ điểm liên kết sản xuất công - nông nghiệp’ ở những vùng chuyên canh trồng trọt, chăn nuôi. Thu hút các ngành công nghiệp nhẹ, sản xuất hàng xuất khẩu vào các khu công nghiệp lân cận TP.HCM, tận dụng lợi thế giá đất rẻ, lao động tại chỗ mà hiện nay TP.HCM không còn lợi thế, hướng đến các DN nhỏ và vừa thay vì tập trung vào các DN lớn.
Cần thu hút các dự án chất lượng cao.
GS - TS Võ Thanh Thu, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế TP. HCM
Trong năm 2016 và thời gian tới, tỉnh Long An cần tiếp tục hướng đến việc thu hút các dự án có chất lượng cao cả về vốn và công nghệ thân thiện với môi trường, tập trung vào các giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ, rà soát lại quy hoạch các KCN cụ thể, rõ ràng tạo cơ sở cho công tác định hướng thu hút đầu tư.
Long An có nhiều lợi thế nổi bật trong vùng.
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Đại học Fulbright Việt Nam
Khi đầu tư, các DN thường cân nhắc giữa hai lựa chọn, hoặc là gần vùng có tài nguyên hay vùng nguyên liệu, hoặc là gần thị trường, nơi có quy mô cầu lớn. Trong thực tế, hiếm có địa phương nào đạt được đồng thời cả hai điều kiện này, do vậy, sự lựa chọn tùy thuộc vào yếu tố nào nổi bật hơn của từng địa phương, tài nguyên hay thị trường. Nếu phải lựa chọn một địa điểm “nằm giữa” hai yếu tố đó, rõ ràng, Long An trở nên hết sức nổi bật mà khó có địa phương nào sánh bằng.
Long An thực hiện tốt việc hỗ trợ các nhà đầu tư.
Ông Hà Sơn, Trưởng phòng dự án, CTCP Đầu tư và Phát triển hạ tầng Thái Sơn (Chủ đầu tư dự án KCN Việt Phát - Long An)
Công ty chọn Long An để đầu tư, do nơi đây có vị trí thuận lợi, cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, giá thuê đất phù hợp với mặt bằng chung trong khu vực và vùng, hình thức thuê đất linh động, thuận lợi trong khâu giải phóng mặt bằng… Đặc biệt, bên cạnh sự hỗ trợ kịp thời, chu đáo từ lãnh đạo tỉnh, ban quản lý các khu kinh tế, các sở, ngành về thủ tục hành chính, chính sách pháp luật… UBND tỉnh Long An còn thường xuyên hỗ trợ các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN, trong đó KCN Việt Phát quảng bá thu hút đầu tư vào KCN, thông qua các hội nghị xúc tiến đầu tư….