Toàn cảnh Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững 2019. |
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung, thực hiện cam kết quốc tế, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 với 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể về phát triển bền vững.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Kế hoạch hành động đưa ra đó là đến năm 2020, lồng ghép đầy đủ các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam vào nội dung Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030
Việc thực hiện một cách đồng bộ và quyết liệt những chính sách nêu trên đã thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam trong giai đoạn vừa qua và đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, đặc biệt là các chỉ tiêu: Tỷ lệ nghèo đa chiều của Việt Nam giảm từ 9,9% năm 2015 xuống còn dưới 7% năm 2017; Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 86,4% năm 2017; Tỷ lệ học sinh hoàn thành giáo dục Tiểu học là 99,7% năm học 2016-2017; Hơn 99% các hộ gia đình Việt Nam đã được tiếp cận với điện năm 2016; Tăng trưởng GDP năm 2015, 2016 và 2017 đạt tương ứng 6,7%, 6,2% và 6,8%...
Để có thể tiếp tục thực hiện thành công 17 mục tiêu phát triển bền vững, việc lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025 của Việt Nam là điều quan trọng và cần thiết phải làm.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiến hành nghiên cứu, phân tích, đánh giá và lựa chọn những mục tiêu phát triển bền vững phù hợp để lồng ghép vào Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030.
Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước và thị trường.
Bên cạnh đó, phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm thực chất, hiệu quả; từng bước phát triển nền kinh tế số; thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô.Phát triển kết cấu hạ tầng, kinh tế vùng, kinh tế biển, lấy các đô thị làm động lực phát triển vùng và đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới.Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai....
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Văn trung, việc lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đòi hỏi phải có những có các chế phối hợp chặt chẽ và hiệu quả để đảm bảo sự gắn kết về mặt chính sách, cả theo chiều dọc và chiều ngang, trong đó quan trọng xem xét vai trò của các tổ chức, đoàn thể khác nhau.
Tăng cường sự tham gia của các bên liên quan, Quốc hội, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức xã hội có vai trò quan trọng trong việc giám sát thực hiện và phản biện xã hội trong quá trình triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc huy động cộng đồng doanh nghiệp tham gia thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Về huy động nguồn lực cho thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, Chính phủ ưu tiên huy động và phân bổ nguồn lực cho thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Có chính sách huy động sự tham gia của khu vực tư nhân trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.