Điểm nóng
Lừa bán đất “suất ngoại giao” ở Khu đô thị mới Dương Nội
Duy Hữu - 06/03/2015 08:03
Ngày 2/3 vừa qua, Tòa Phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao đã tuyên án bị cáo Phạm Trọng Du, nguyên Phó tổng giám đốc Tập đoàn Nam Cường 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, tổng số tiền mà Du chiếm đoạt lên tới 87,5 tỷ đồng.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Chủ tịch Housing Group cố tình lẩn trốn
Khả năng thu hồi vốn khi góp vào dự án "ma"
Khách hàng Housing Group liệu có đòi được tiền?
Chủ tịch Housing Group bị bắt: Hàng loạt sở ngành Hà Nội “dính chàm”
Rúng động: Bắt Chủ tịch Tập đoàn Housing Group

Đục nước béo cò

Phạm Trọng Du từng là Phó tổng giám đốc Tập đoàn Nam Cường, đồng thời kiêm Giám đốc Chi nhánh Nam Định của Tập đoàn này. Mức lương của Phó tổng giám đốc tại năm 2009 vào khoảng 50 triệu đồng/tháng. Dù đã có thu nhập cao, song Du vẫn tìm cách lừa đảo những người nhẹ dạ cả tin để làm giàu.

Phạm Trọng Du trước tòa

Năm 2010, ông Trần Văn Cường, Chủ tịch Tập đoàn Nam Cường bị bệnh hiểm nghèo qua đời. Du đã lợi dụng tình hình này để thực hiện hành vi lừa đảo. Tại thời điểm đó, mặc dù đang là Giám đốc Chi nhánh Nam Định thuộc  Nam Cường, với chức năng hoạt động được quy định rõ theo đăng ký kinh doanh, trong đó không có chức năng kinh doanh, môi giới bất động sản và không được ủy quyền kêu gọi góp vốn đầu tư dự án, nhưng Du đã tự ý lựa chọn các lô đất trên bản đồ quy hoạch khu A, đô thị mới Dương Nội (do Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư), để bán trực tiếp và bán thông qua môi giới.

Để thực hiện hành vi lừa đảo, Du đã làm một “Đơn đề nghị”, có nội dung “xin mua 50 lô đất biệt thự khu A, đô thị mới Dương Nội”, sau đó giả mạo chữ ký duyệt đồng ý của ông Trần Văn Cường.

Sau khi làm lá đơn và giải “bút phê” xét duyệt, vào tháng 4/2010, Du loan tin cho Đỗ Thành Nam (ở quận Thanh Xuân) và Nguyễn Văn Đức (ở quận Cầu Giấy) cùng nhiều người khác về việc Nam Cường đã phê duyệt các suất đất “đối ngoại” với tỷ lệ 20% trong 100 ha đất Dự án Khu đô thị Dương Nội đã đền bù xong, đang thi công hạ tầng. Du cũng rêu rao là mình có thể giúp mua được một số suất “ngoại giao” với giá ưu đãi.

Tin tưởng Du là lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn, nhiều người có nhu cầu mua đất tại Dự án Dương Nội đã tìm đến Du để nộp tiền. Du đã nhờ Hoàng Xuân Thủy là kế toán Chi nhánh Nam Định đứng ra thu tiền của những người này. Các phiếu thu tiền đều do Du ký và đóng dấu sẵn, thu tiền của khách xong, Thủy đều chuyển hết cho Du.

Trong thời gian từ ngày 23/7/2010 đến 9/5/2011, đã có 23 người đặt tiền mua các suất đất “ngoại giao” của Dự án Dương Nội, với tổng số tiền đã nộp là hơn 87,5 tỷ đồng.

Du hứa hẹn với người mua, từ 1 đến 3 tháng hoặc khi nộp đủ 33% giá trị lô đất, họ sẽ được làm thủ tục hợp đồng mua bán, hoặc hợp đồng góp vốn. Nhưng chờ mãi không thấy Du thực hiện lời hứa, cũng không trả lại tiền, nên các bị hại đã làm đơn tố cáo tới cơ quan công an.

Quanh co chối tội

Tại cơ quan điều tra, Du khẳng định rằng đã có “Đơn đề nghị” mua 50 lô đất và đã được cố Chủ tịch Tập đoàn Nam Cường “bút phê” cho phép Du được bán 50 suất đất ngoại giao ở Dự án Dương Nội. Nhưng sau khi giám định chữ ký của ông Trần Văn Cường trong văn bản mà Du cung cấp, Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) khẳng định đây là chữ ký giả mạo.

Tiếp đến, Du lại đòi thay đổi cơ quan giám định. Vì vậy, cơ quan tố tụng phải trưng cầu Viện Khoa học - Kỹ thuật hình sự quân đội tiến hành thẩm định lại và một lần nữa, cơ quan này cũng xác nhận chữ ký là giả mạo.

Tại phiên tòa sơ thẩm cũng như phúc thẩm, đại diện Tập đoàn Nam Cường khẳng định, không giao cho Du cũng như Văn phòng Nam Định quyền được bán hoặc môi giới, chuyển nhượng đối với 50 lô đất. Du tự ý chuyển nhượng bất hợp pháp 33 lô đất và tự ý thu tiền của những người bị hại là hành vi lừa đảo, phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.

Bài học đắt giá cho người muốn mua suất “ngoại giao”

Phiên xử bị cáo Phạm Trọng Du đã khép lại với mức án 20 năm tù dành cho kẻ lừa đảo. Du năm nay đã 63 tuổi, nên mức án này được xem là không khác gì án chung thân. Kẻ phạm tội đã phải trả giá, song số tiền các bị hại đã góp vào mua nhà hầu như không thể đòi được.

Tại phiên tòa, các nạn nhân đều khai rằng, do thấy Du là Phó tổng giám đốc Tập đoàn nên không ai nghi ngờ gì, bởi vậy đã đổ tiền của vào mua suất “ngoại giao”.

Quả thật, với vị trí của Du, cùng hành vi lừa đảo tinh vi, các nạn nhân khó tránh khỏi “sập bẫy”. Tuy nhiên, nếu cảnh giác hơn, chịu tìm hiểu pháp luật hơn, thì người mua nhà phải biết, đất đai là loại hàng hóa đặc biệt, chịu sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng; chịu sự chi phối, điều tiết của nhiều bộ luật và các văn bản hướng dẫn thi hành như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản... Để thực hiện việc góp vốn hoặc môi giới chuyển nhượng, các thủ tục buộc phải tuân theo các quy định của pháp luật. Luật Kinh doanh bất động sản 2006 đã quy định rõ, chỉ có chủ đầu tư mới có quyền thoả thuận với khách hàng về chuyển nhượng bất động sản.

Tin liên quan
Tin khác