Chia sẻ tại buổi tọa đàm về chủ đề “Bình thường mới - Tìm kênh đầu tư hiệu quả” do Báo Đầu tư tổ chức sáng 12/11, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương nhận định bối cảnh bình thường mới hiện nay dù rủi ro hơn nhưng ở mặt khác thanh khoản cũng đang lớn hơn tạo ra các cơ hội.
Thị trường chứng khoán Mỹ leo cao cũng do dòng tiền dư thừa. Trong xu hướng này, tùy khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư sẽ có lựa chọn kênh đầu tư khác nhau. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Tú Anh, Covid-19 rồi sẽ đi qua, để đầu tư muốn ít rủi ro hơn mà vẫn đảm bảo lợi nhuận thì nên đầu tư dài hạn.
Cùng đó, ông Tú Anh cũng nhấn mạnh về xu hướng đầu tư dựa trên sự điều chỉnh chuỗi cung ứng toàn cầu và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
Theo ông, sự dịch chuyển chuỗi sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam. Các dự án lớn đổ về sẽ kéo theo cơ hội tạo ra chuỗi cung ứng cho chính các dự án đấy. Tìm kênh để bước vào chuỗi cho các dự án lớn vì vậy là kênh đầu tư tiềm năng. Ông Tú Anh cũng cho rằng không nên chỉ nhìn vào việc đầu tư vào chuỗi cung ứng của nhà đầu tư nước ngoài. Bản thân các doanh nghiệp lớn của Việt Nam cũng đang xây dựng chuỗi cung ứng.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể bám vào các ông lớn này, đặc biệt ở các ngành mà Việt Nam có lợi thế như nông nghiệp hay ngành điện tử Việt Nam cũng đã phát triển thời gian qua nhờ sự dẫn dắt của nhà đầu tư nước ngoài các năm qua.
Ở thời điểm đầu năm 2020, đại dịch bất ngờ xảy ra tạo cơn sốc toàn cầu, chính sách của các Chính phủ hầu hết đều áp dụng các biện pháp hỗ trợ đại trà. Tuy nhiên, mục tiêu giảm thất nghiệp, giữ công việc cho người lao động không đạt được. Số lượng việc làm được phục hồi, chủ yếu nằm ở là việc làm trong khu vực phi chính thức, trong khi việc làm khu vực chính thức tại các doanh nghiệp hoặc khu vực Nhà nước vẫn giảm 1,75 triệu việc làm so với quý III/2019.
Theo ông Tú Anh, xu hướng hiện nay và thời gian tới, chính sách hỗ trợ của các Chính phủ cũng như Việt Nam sẽ tập trung vào các ngành để bảo vệ tốt nhất số lượng việc làm. Chính phủ sẽ có xu hướng lựa chọn hỗ trợ những ngành có độ lan tỏa lên toàn nền kinh tế, dù có thể không đầu tư nhưng có thể chi tiêu để mua sắm sản phẩm của một ngành có thể tạo ra công ăn việc làm cho nhiều ngành khác.
Như với việc đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, các ngành phụ trợ như xây dựng, vật liệu xây dựng có thể hưởng lợi. Hay một giải pháp được ông Tú Anh đề cập là Nhà nước mua repo trước các sản phẩm của doanh nghiệp để giải quyết bài toán thị trường tiêu thụ và bán lại sau đó khi thị trường hồi phục. Từ phân tích này, có thể xác định ngành trọng điểm để đầu tư bám theo các chính sách hỗ trợ.