Đầu tư
Lựa phương án gọi vốn xây dựng Sân bay Long Thành
Anh Minh - 20/02/2019 08:28
Tất cả hạng mục của “siêu dự án” Cảng hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn I trị giá hơn 100.000 tỷ đồng sẽ được thực hiện theo nguyên tắc sử dụng tối đa vốn xã hội hóa.
TIN LIÊN QUAN
Cảng hàng không Quốc tế Long Thành được kỳ vọng trở thành cảng hàng không trung chuyển lớn nhất Đông Nam Á

Hạn chế dùng ngân sách

Cơ hội đầu tư vào Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành đang thực sự rộng mở đối với ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco); ông Jonathan Nguyễn Hạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP), nếu như lãnh đạo các đơn vị này còn vẫn sốt sắng với dự án hạ tầng hàng không lớn nhất Việt Nam trong vòng 10 năm tới.

Cơ hội đầu tư vào dự án này cũng sẽ đến với hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài khác như Aéroports de Paris (ADP, Pháp), Zurich Airport…, nếu chiểu theo các nội dung tại Thông báo số 61/TB-VPCP về nội dung cuộc họp nghe báo cáo giữa kỳ về việc nghiên cứu, lập Báo cáo Nghiên cứu khả thi (F/S) Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn I được Văn phòng Chính phủ phát đi hồi giữa tuần trước.

Tại Thông báo số 61/TB-VPCP, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và đơn vị tư vấn cần phải sử dụng tối đa vốn xã hội hóa, để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Đây cũng là quan điểm của Bộ GTVT khi bộ này cho biết là sẵn sàng nới khung 42.519 tỷ đồng vốn ngoài ngân sách trong khái toán tổng mức đầu tư 100.443 tỷ đồng từng được chốt tạm trong Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn I.

Cụ thể, trong Công văn số 1181/BGTVT-KHĐT báo cáo kết quả nghiên cứu giữa kỳ công tác lập Báo cáo F/S giai đoạn I, Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, Bộ GTVT cho biết, đơn vị tư vấn JFV (liên danh giữa các công ty tư vấn của Nhật Bản, Pháp và Việt Nam) đã trình  3 phương án đầu tư và huy động vốn.

Trong phương án 1, ACV sẽ đầu tư các hạng mục: nhà ga hành khách, nhà để xe, khu nhà văn phòng cảng hàng không, công trình an ninh, trạm cứu nạn - cứu hỏa, khu bảo dưỡng trang thiết bị mặt đất, trung tâm y tế, khu khí tượng. Tổng công ty Quản lý bay (VATM) sẽ đầu tư đài kiểm soát không lưu, thiết bị quản lý bay, nhà điều hành của VATM. Nhà nước sẽ sử dụng vốn ngân sách để đầu tư hệ thống văn phòng hải quan, công an cửa khẩu, kiểm dịch y tế và vay ODA để đầu tư khu bay, các hạng mục cơ bản như san nền, đường trục, hệ thống giao thông nội cảng, hầm ngầm kỹ thuật, hệ thống thoát nước mưa, trạm xử lý nước thải. Các nhà đầu tư khác góp vốn đầu tư hệ thống cấp điện, khu chế biến suất ăn hàng không, ga hàng hóa; các hệ thống: tra nạp nhiên liệu, cấp điện, cấp nhiệt và viễn thông. Các hãng hàng không sẽ bỏ vốn đầu tư khu logistics hàng không, hangar bảo trì máy bay, khu bảo trì thiết bị phục vụ mặt đất của các hãng…

“Đây chính là phương án huy động vốn được đề cập trong bước nghiên cứu tiền khả thi Dự án”, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.

Đối với phương án 2, tư vấn JFV đề xuất ACV sẽ đầu tư thêm các hạng mục vay vốn ODA, ga hàng hóa, hệ thống tra nạp nhiên liệu, khu khí tượng. Các hạng mục khác sẽ vẫn đầu tư như phương án 1.

Với phương án 3, ACV sẽ cùng với các nhà đầu tư khác thành lập công ty cổ phần để đầu tư, quản lý khai thác, ngoại trừ các hạng mục do VATM, ngân sách nhà nước và các hãng hàng không đầu tư.

ACV khó độc quyền

Mặc dù ACV đã nhiều lần khẳng định, họ có đủ năng lực tài chính để đứng một mình đầu tư Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, nhưng Bộ GTVT vẫn yêu cầu ACV và tư vấn JFV nghiên cứu bổ sung thêm 5 hướng đầu tư trong phương án 3.

Theo đó, trong phương án đầu tư 3.1, ACV sẽ cùng với một số tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban Quản lý vốn tại DNNN quản lý thành lập doanh nghiệp để đầu tư khai thác; phương án 3.2 - ACV cùng với các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam để đầu tư, khai thác; phương án 3.3 - ACV cùng với các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam và nước ngoài thành lập doanh nghiệp để đầu tư, khai thác; phương án 3.4 - thành lập doanh nghiệp đại chúng do ACV là cổ đông chính; phương án 3.5 - PPP hoàn toàn.

Trong các phương án 3.1, 3.2, 3.3, để đảm bảo tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư khác, Bộ GTVT yêu cầu ACV đưa ra các tỷ lệ góp vốn khác nhau theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

“Trên cơ sở phân tích ưu, nhược điểm của từng phương án đầu tư, đặc biệt là cách thức, thời gian và thẩm quyền lựa chọn nhà đầu tư, tính khả thi tài chính…, Bộ GTVT sẽ đề xuất phương án đầu tư tối ưu nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo để hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua cùng với nội dung Báo cáo F/S Dự án”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết.

Tiến độ chi tiết công tác lập và trình duyệt F/S giai đoạn I của ACV

Lập F/S giai đoạn I: Tháng 6/2018 – tháng 6/2019

Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ: tháng 7/2019

Hội đồng Thẩm định Nhà nước thẩm định: tháng 7/2019 - 8/2019

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra: tháng 7/2019 - 8/2019

Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội: tháng 9/2019

Quốc hội thông qua: tháng 10/2019 - 11/2019

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: tháng 12/2019.
Tin liên quan
Tin khác