Ông Hoàng Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) |
Tiến độ giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài bắt đầu chậm lại kể từ năm 2016. Theo ông, vì sao vậy?
Từ năm 2015 trở về trước, vốn ODA và vốn vay ưu đãi được giải ngân theo tiến độ thực hiện dự án, nên kết quả giải ngân luôn lớn hơn nhiều so với dự toán được Quốc hội thông qua. Ngược lại, nhiều địa phương có những dự án giải ngân vốn nước ngoài rất thấp so với tổng mức đầu tư. Giải ngân không sát dự toán khiến việc giao kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi chỉ mang tính hình thức, giải ngân thực tế vượt dự toán lớn làm tăng bội chi ngân sách so với số dự toán đã được Quốc hội quyết định.
Từ năm 2016, thực hiện quy định của Hiến pháp và Luật Ngân sách nhà nước theo nguyên tắc toàn bộ các khoản thu, chi ngân sách phải được dự toán; mọi khoản chi ngân sách chỉ được thực hiện khi có dự toán được cấp có thẩm quyền giao. Theo đó, vốn ODA và vốn vay ưu đãi cũng phải giải ngân theo kế hoạch đầu tư công trung hạn và đúng dự toán đã được Quốc hội quyết định, trong khi kế hoạch đầu tư công trung hạn và dự toán giải ngân vốn nước ngoài hàng năm chưa sát với tiến độ thực hiện dự án, dẫn đến nhiều vướng mắc.
Luật Đầu tư công quy định phải cân đối đủ vốn đối ứng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm theo cam kết với nhà tài trợ nước ngoài, phù hợp với khả năng giải ngân thực tế hằng năm. Thưa ông, vậy vướng mắc ở chỗ nào?
Quy định thì như vậy, nhưng kế hoạch đầu tư công trung hạn và dự toán giải ngân vốn nước ngoài hàng năm rất khó sát với thực tế do rất nhiều lý do khác nhau, trong đó có cả những lý do khách quan, bất khả kháng dẫn tới thực tế là hàng năm, tổng nguồn vốn đối ứng giải ngân cho các dự án ODA, vốn vay ưu đãi vượt dự toán, nhưng lại có không ít dự án giải ngân không đạt dự toán.
Vấn đề ở chỗ, nếu giải ngân theo đúng Luật Ngân sách nhà nước, đúng kế hoạch đầu tư công trung hạn, thì rất nhiều dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài bị thiếu vốn, kéo dài thời gian thực hiện dự án. Nhưng nếu giải ngân theo Luật Đầu tư công là phần vốn nước ngoài được phép giải ngân theo tiến độ thực hiện và tiến độ cấp vốn của nhà tài trợ thì phá vỡ kế hoạch đầu tư công trung hạn, gây áp lực lên bội chi, gây áp lực lên nợ công.
Vậy tại sao không điều chỉnh dự toán, thưa ông?
Mặc dù Luật Ngân sách nhà nước có quy định, chi đầu tư các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi từ nhà tài trợ chưa được dự toán hoặc vượt so với dự toán được giao, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi thực hiện và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đầu tư công, việc điều chỉnh dự toán rất khó khăn, phức tạp vì không có cơ chế chuyển vốn từ dự án giải ngân chậm ở địa phương này sang địa phương khác; chuyển vốn từ dự án giải ngân chậm từ bộ, ngành này sang bộ, ngành khác. Ngay cả việc điều chỉnh vốn giữa các dự án trong nội bộ của một bộ, ngành, một địa phương thì thủ tục cũng rất phức tạp. Chính vì vậy, mặc dù thấy vướng mắc trong quá trình giải ngân vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi, nhưng cũng đành bó tay vì việc điều chỉnh dự toán phải thực hiện theo quy định của pháp luật và khi pháp luật chưa được sửa đổi, bổ sung, thì vẫn phải cố gắng làm sao xây dựng dự toán sát hơn với thực tế.
Nhưng việc xây dựng dự toán vốn đầu tư công nói chung, vốn nước ngoài nói riêng, rất khó sát với thực tế vì có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân bất khả kháng?
Chính vì vậy, Chính phủ chỉ đạo khẩn trương rà soát, sửa đổi, những quy định của pháp luật về đầu tư công còn vướng mắc trong quá trình thực hiện, đặc biệt tại Luật Đầu tư công, để trình Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) trong thời gian sớm nhất.
Việc rà soát, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về đầu tư công sẽ tập trung theo hướng tăng cường cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu thủ tục đầu tư không cần thiết; rút ngắn quy trình, thời gian thực hiện các thủ tục về đầu tư công; bảo đảm tính thống nhất giữa các văn bản pháp luật; quản lý hiệu quả vốn đầu tư công, nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công, góp phần đẩy nhanh tiến độ giao kế hoạch trung hạn và hàng năm; đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Luật Đầu tư công sửa đổi sẽ phân cấp mạnh cho các bộ, ngành, địa phương, gắn với trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan theo nguyên tắc cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương, quyết định đầu tư là cấp có thẩm quyền điều chỉnh và chịu trách nhiệm. Hy vọng, sau khi có hiệu lực, Luật Đầu tư công sửa đổi sẽ giải quyết được các khó khăn, tồn tại, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công nói chung, giải ngân vốn đối ứng dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nói riêng.
Còn trong thời gian chưa sửa kịp Luật Đầu tư công thì sao, thưa ông?
Theo quy định của Luật Đầu tư công, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm giữa các bộ, ngành, địa phương trong trường hợp không thay đổi tổng mức vốn kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm.
Thực hiện quy định này, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hoàn chỉnh phương án điều chỉnh Kế hoạch Đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài giai đoạn 2016 - 2020, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 xem xét, quyết định.