Thời sự
Luật Điện ảnh phải kéo được các nhà sản xuất, phát hành phim đến Việt Nam
Khánh An - 23/10/2021 13:37
Đừng để thủ tục hành chính "bó tay" các nhà làm phim, giới hạn không gian của một ngành công nghiệp sáng tạo - các đại biểu Quốc hội đặt yêu cầu cho Dự thảo Luật Điện ảnh.
Sáng 23/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Điện ảnh

Trao đổi với phóng viên baodautu.vn về Dự án Luật Điện ảnh, sáng nay 23/10, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Tháp cho rằng, cần phải xác định rõ góc nhìn thị  trường khi nhìn vào Luật Điện ảnh.

“Có những sản phẩm điện ảnh để tuyên truyền, giáo dục, theo đặt hàng của Nhà nước, nhưng cũng có những sản phẩm của thị trường và những sản phẩm nằm ở vùng giao thoa. Luật Điện ảnh phải kích hoạt, phát huy lợi thế của các dòng sản phẩm. Để làm được, cần có tư duy về thị trường khi xây dựng Luật này”, ông Hoan chia sẻ.

Đây là nội dung lớn đang có nhiều ý kiến. Trong báo cáo thẩm tra Dự án Luật Điện ảnh của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Ủy ban đã nhận xét các chính sách trong Dự thảo Luật còn phân tán, có nội dung diễn đạt chưa rõ; phim do Nhà nước đầu tư sản xuất theo kế hoạch phục vụ nhiệm vụ chính trị có đề tài khá rộng.

Vì vậy, Ủy ban đề nghị nghiên cứu, quy định chính sách chung về phát triển điện ảnh và công nghiệp điện ảnh, đề nghị lượng hóa chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển điện ảnh, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả; có giải pháp ràng buộc về mặt pháp lý để bảo đảm tính khả thi.

Đặc biệt, ủy ban cho rằng cần nghiên cứu, đưa vào Luật một số chính sách về xã hội hóa đang được thực hiện ổn định; huy động các thành phần kinh tế, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; hỗ trợ sản xuất phim như một loại đầu tư rủi ro; chính sách hợp tác công - tư; cơ chế hợp tác liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp điện ảnh tư nhân với đơn vị điện ảnh nhà nước.

Ông Nguyễn Hải Anh, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp

Ông Nguyễn Hải Anh, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cũng gọi điện ảnh là một sức mạnh mềm của quốc gia, cần phải tạo điều kiện để khơi thông nguồn lực đầu tư xã hội vào lĩnh vực này, bên cạnh nguồn đầu tư tư ngân sách.

“Thời vàng son của điện ảnh Việt Nam đã ở trong quá khứ. Đây là lúc cần sự quan tâm và đầu tư đúng hướng. Tôi đồng ý với việc thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh. Nhưng quỹ này cần được thành lập với mục tiêu thu hút thêm nguồn lực, chứ không chỉ là để sử dụng nguồn ngân sách nhà nước”, ông Hải Anh đề xuất.

Góp ý trực tiếp vào Dự thảo Luật Điện ảnh, ông Phan Đức Hiếu, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng, quy định về các hành vi bị cấm tại Điều 10 có thể sẽ khiến các nhà sản xuất phim cảm thấy chùn tay.

“Nếu tôi là nhà sản xuất phim, khi đọc các hành vi bị cấm rất dài, nhiều vấn đề, nhưng không dễ xác định, tôi không biết sẽ làm phim thế nào. Làm phim đầu tư nhiều, nhưng rủi ro quá lớn ở từng giây phút”, ông Hiếu nêu.

Chọn cách tiếp cận Dự thảo Luật theo hướng đứng ở phía nhà sản xuất phim, phát hành phim, người xem phim để có sự cân bằng, vì Ban soạn thảo đã đứng nhiều ở góc độ quản lý nhà nước, ông Hiếu cho rằng, cần xác định đây là một ngành kinh tế sáng tạo, giải trí bên cạnh các giá trị tuyên truyền, quảng bá...

Trong Điều 10, có nhiều hành vi bị cấm, nhưng khó xác định cụ thể, như hành vi nào là trái với truyền thống yêu hoa bình, nhân ái của dân tộc, thế nào là vi phạm nguyên tắc định kiến giới...

Ông Hiếu cho rằng, không nên để các quy định hành chính, thủ tục hành chính làm khó các nhà làm phim, sản xuất phim.

Liên quan đến vấn đề này, quy định về cấp giấy phép liên quan đến phân loại phim, giấy phép cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài... cũng đang là vấn đề được quan tâm.

Dự thảo Luật quy định giấy phép phân loại do Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp theo phân cấp một số loại phim, và có giá trị ngang nhau. Tuy nhiên, trong Báo cáo Thẩm tra Luật Điện ảnh của Ủy ban Văn hóa giáo dục cũng cho rằng, cần nghiên cứu bổ sung quy định khuyến khích các cơ quan, tổ chức tham gia tư vấn, hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước trong công tác thẩm định phim; bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan cấp phép phân loại phim.

Đại biểu Ngô Trung Thành, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đặt câu hỏi, có cần quy định Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh ký vào giấy phép này không. “Đây là vấn đề chuyên môn, nên để các bộ phận chuyên môn, như Cục Điện ảnh hay sở chuyên môn thực hiện”, ông Thành góp ý.

Đại biểu Phan Đức Hiếu, đoàn Quốc hội tỉnh Thái Bình

Việc cấp giấy phép cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài cũng đang bị lo ngại sẽ làm khó với quy định “nếu có bổ sung thông tin, sửa chữa nội dung kịch bản” thì phải xin cấp phép mới, thời gian được tính từ ngày nhận kịch bản bổ sung...

“Nghĩa là lại thêm 30 ngày làm việc theo quy định để xem xét. Nếu cứ có thay đổi là phải làm thủ tục lại thì rất khó, vì nhiều khi trong quá trình làm phim, có thể có những thay đổi cần thiết, phù hợp hơn. Nên quy định rõ mức thay đổi nào thì phải xin phép, để các nhà sản xuất yên tâm đến Việt Nam làm phim”, ông Hiếu đề nghị.

Ông Hiếu cũng đề nghị làm rõ dịch vụ cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài hiện tại rất nhiều, có thể chỉ là một khâu đoạn như âm thanh, ánh sáng... , nếu dịch vụ gì cũng phải xin phép như nhau thì không phù hợp.

“Làm sao để các nhà sản xuất phim, các chuyên gia kỹ thuật, sáng tạo trong ngành công nghiệp phim ảnh muốn đến Việt Nam. Đó là một mục tiêu của Luật Điện ảnh”, ông Hiếu đề nghị.

Về quy định phổ biến phim trên không gian mạng, các đại biểu thống nhất phương án kết hợp việc tổ chức, cá nhân phổ biến phim tự phân loại phim với việc cấp phép phân loại, trong đó chủ yếu là các tổ chức, cá nhân tự phân loại phim; nghiên cứu cấp phép phân loại đối với những cơ sở phổ biến phim có tầm ảnh hưởng lớn tới chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và trong điều kiện có thể cấp phép phân loại được.

Báo cáo thẩm tra cũng đề nghị xây dựng bộ tiêu chí phân loại phim chi tiết, minh bạch để các cơ sở sản xuất, phát hành, phổ biến phim có căn cứ tự kiểm duyệt và phân loại phim; quy định trách nhiệm của đơn vị phát hành, phổ biến phim trong việc cung cấp công cụ đo lường, kiểm duyệt tự động; hiển thị cảnh báo cho người xem, gỡ bỏ nội dung vi phạm khi có yêu cầu, cung cấp công cụ để người xem phản ánh nội dung vi phạm...

Tin liên quan
Tin khác