Chuyển đổi số đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Ảnh: Đức Thanh |
Bước đột phá tích cực
Điểm mới của Luật Giao dịch điện tử sửa đổi là bổ sung quy định về giá trị pháp lý của việc chuyển đổi giữa bản giấy và bản điện tử, quy định về chứng thư điện tử, mở rộng đối tượng điều chỉnh. Đây được coi là một bước đột phá lớn để thúc đẩy các hoạt động giao dịch điện tử khi việc giao dịch có thể thực hiện hoàn toàn, từ đầu đến cuối bằng phương tiện điện tử.
“Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật sẽ giúp tiết kiệm cho xã hội nhiều chi phí so với giao dịch truyền thống. Ví dụ, giao dịch về thủ tục hành chính của người dân với cơ quan nhà nước trung bình khoảng 600.000 giao dịch/ngày. Nếu thực hiện theo phương pháp truyền thống, mỗi giao dịch này mất tối thiểu 2 lần đi lại, trung bình một giờ/lượt. Như vậy, để thực hiện thành công một giao dịch đảm bảo tuân thủ thủ tục hành chính, người dân mất tối thiểu 2 giờ đi lại. Nếu thực hiện thủ tục hành chính qua giao dịch điện tử, ước tính số tiền tiết kiệm tối thiểu khoảng 9.011,4 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó là chi phí tiết kiệm được từ sao chụp, chứng thực, ước khoảng 2.592 tỷ đồng/năm…”, ông Vương Quốc Thắng, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội tính toán.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), Luật Giao dịch điện tử sửa đổi có tác động đến tất cả hoạt động của đời sống xã hội, giúp tiết kiệm cho xã hội nhiều chi phí hơn so với giao dịch truyền thống, tạo ra những đột phá, mang lại hiệu quả lớn.
“Việc này sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí giao dịch, khi các bên trong giao dịch không cần gặp mặt trực tiếp để thực hiện giao dịch. Thời gian giao dịch là rất nhanh chóng bởi các bên có thể thực hiện giao dịch ở bất cứ đâu với một vài thao tác đơn giản trên thiết bị điện tử”, ông Tuấn cho biết.
Bên cạnh đó, Luật Giao dịch điện tử sửa đổi đã bổ sung quy định về sử dụng, công nhận chữ ký điện tử nước ngoài. Quy định này sẽ giảm chi phí giao dịch xuyên biên giới cho tổ chức, cá nhân; thúc đẩy hoạt động giao dịch điện tử xuyên biên giới.
Luật Giao dịch điện tử sửa đổi cũng đã bổ sung quy định về cơ sở dữ liệu, việc chia sẻ, kết nối dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước.
Nếu quy định trên triển khai thành công, việc thực hiện thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp sẽ đơn giản hơn nhiều. Chẳng hạn, người dân không cần phải mang chứng minh nhân dân/căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế hay bằng lái xe đi thực hiện thủ tục hành chính nữa, mà tất cả có thể tích hợp trên cùng một tấm thẻ hoặc tích hợp trên điện thoại.
Thúc đẩy kinh tế số, chuyển đổi số
Đánh giá về những tác động của Luật Giao dịch điện tử sửa đổi khi có hiệu lực, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, luật này sẽ có tác động rất lớn đến hoạt động trên môi trường điện tử của cơ quan nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Các quy trình thực hiện giao dịch điện tử được luật hóa một cách rõ ràng sẽ đảm bảo giá trị pháp lý cho giao dịch điện tử. Bằng cách đó, luật sẽ tạo một hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực.
Liên quan chữ ký số, trong Chiến lược Quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, Thủ tướng Chính phủ đã đặt mục tiêu tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt trên 50% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030. Chiến lược cũng xác định triển khai ký số từ xa theo hướng ưu tiên phổ cập việc sử dụng chữ ký số cá nhân cho người dân một cách đơn giản, thuận tiện, an toàn. Luật Giao dịch điện tử sửa đổi sẽ giúp thúc đẩy phổ cập hóa chữ ký số để thực hiện thành công chiến lược chuyển đổi số.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Kỹ thuật của Công ty NCS nhấn mạnh, chữ ký số cá nhân giúp giải quyết tất cả các giao dịch điện tử cần xác thực danh tính của người dùng, vì vậy, đây sẽ là thành phần không thể không có trong phát triển kinh tế số. Việc phổ cập chữ ký số cá nhân sẽ giúp giải quyết tất cả các thủ tục hành chính qua mạng, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, giảm thiểu chi phí hành chính, nâng cao hiệu quả và tính minh bạch của các giao dịch trực tuyến. Chữ ký số cá nhân còn có thể ứng dụng để thay thế việc xác thực bằng mã OTP trong các giao dịch ngân hàng, tài chính, với tính bảo mật cao hơn.
“Nếu mỗi người dân có một định danh số và một chữ ký số, chúng ta tiến dần tới xã hội không giấy tờ. Theo đó, phần lớn các thủ tục có thể thực hiện qua mạng mà vẫn đảm bảo độ tin cậy tương đương giấy tờ in… Đó sẽ là một cuộc cách mạng về chuyển đổi số toàn diện cho tất cả người dân”, ông Sơn nêu quan điểm.
Còn theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Khoa học của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, việc công nhận giao dịch điện tử có giá trị pháp lý giống như giao dịch truyền thống với các điều kiện kèm theo có ý nghĩa rất quan trọng đối với lộ trình chuyển đổi số của nền kinh tế nói chung, trong bối cảnh nhu cầu giao dịch điện tử tăng trưởng nhanh chóng hiện nay. Luật Giao dịch điện tử sửa đổi giúp các ngành, lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực ngân hàng có cơ sở pháp lý hoàn thiện để đẩy mạnh các hoạt động giao dịch điện tử, chuyển đổi số thành công.
Đồng quan điểm, luật sư Trần Phương Bắc (Đoàn Luật sư TP.HCM) đánh giá, Luật Giao dịch điện tử sửa đổi đi vào thực tiễn sẽ có những tác động đến ngành ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung. Trong đó, quan trọng nhất là tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao dịch điện tử trong các lĩnh vực tài chính - ngân hàng, thúc đẩy chuyển đổi số và nâng cao hiệu quả, an toàn của các giao dịch; khuyến khích đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ 4.0 trong cung cấp các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng tiên tiến trên nền tảng công nghệ thông tin; gia tăng tiện ích, trải nghiệm và sự hài lòng của khách hàng.
Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý khoảng 155,2 triệu giao dịch, với giá trị đạt trên 196,36 triệu tỷ đồng, tăng 29,90% về giá trị.
Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý gần 4,83 tỷ giao dịch, với giá trị đạt khoảng 46,82 triệu tỷ đồng, tăng 96,63% về số lượng và 87,30% về giá trị.
(Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)