Chiều 16/11/2020, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) đã được Quốc hội biểu quyết thông qua với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt bỏ phiếu đồng ý.
Luật sửa đổi lần này được Quốc hội xem xét và thông qua ngay trong một kỳ họp - kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá 14, với tỷ lệ 91,29% đại biểu Quốc hội (100% đại biểu có mặt bỏ phiếu) đồng ý. Đây là "kỷ lục", lần đầu tiên Quốc hội thực hiện xem xét và thông qua trong một kỳ; và là 1 trong 3 Luật được 100% đại biểu có mặt đồng ý thông qua.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, góp phần giảm số người nhiễm mới HIV xuống dưới 1.000 trường hợp, giảm số tử vong do AIDS đạt mức dưới 1 trường hợp /100.000 dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống HIV/AIDS nhằm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Quan điểm sửa luật
Thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về phòng, chống HIV/AIDS đã được định hướng tại Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XIII về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Khắc phục được các tồn tại, bất hợp lý sau 13 năm thực hiện Luật, đồng thời cụ thể hóa một số chính sách phòng, chống HIV/AIDS trên cơ sở có kế thừa, chọn lọc những quy định hiện hành đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Bảo đảm quyền của người nhiễm HIV.
Khuyến khích, huy động sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, mọi người dân, các tổ chức xã hội dân sự và người nhiễm HIV vào công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Thực hiện các cam kết với cộng đồng quốc tế về thực hiện mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020, hướng đến cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Bảo đảm tính dự báo, thích ứng với các quan hệ xã hội phát sinh liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS, phù hợp với kinh nghiệm và thông lệ quốc tế.
Các điểm mới của Luật
Luật đã bổ sung một số đối tượng có hành vi nguy cơ cao được ưu tiên tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS;
Luật mở rộng sự tham gia của người nhiễm HIV và người có hành vi nguy cơ cao trong một số biện pháp phòng, chống HIV/AIDS như cung cấp dịch vụ tư vấn và xét nghiệm sàng lọc HIV; bổ sung biện pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV để tăng tiếp cận và hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm HIV cho người có nguy cơ phơi nhiễm, người phơi nhiễm HIV.
Luật cũng giảm độ tuổi được yêu cầu xét nghiệm HIV tự nguyện xuống 15 tuổi để bảo đảm phù hợp với tình trạng thực tế lây nhiễm HIV trong nhóm trẻ hiện nay, giúp phát hiện, điều trị sớm và thực hiện các biện pháp dự phòng lây nhiễm ra cộng đồng.
Luật cũng bổ sung đối tượng được tiếp cận thông tin của người nhiễm HIV để phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước, giám sát dịch tễ và phòng, ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV.
Đồng thời, xác định nguồn chi trả chi phí xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai để đảm bảo tính khả thi và nguồn lực thực hiện chính sách. Xác định nguồn tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS để bảo đảm thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS với mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam.
Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2021.