Các đại biểu quốc hội trao đổi về dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) sau phiên họp sáng 13/6. |
Kiểm soát tài sản cán bộ, xử lý tài sản kê khai không trung thực và mở rộng phạm vi chống tham nhũng ra ngoài khu vực nhà nước là những nội dung được các đại biểu quốc hội tranh luận nhiều nhất trong phiên thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Điều 59 dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) đưa ra 2 phương án xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không giải trình một cách hợp lý là áp thuế suất 45%, hoặc xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch.
Cả hai phương án trên đều không loại trừ việc xử lý trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản, nếu cơ quan chức năng chứng minh tài sản kê khai không trung thực, tài sản tăng thêm không giải trình một cách hợp lý đó có nguồn gốc từ hành vi phạm tội.
Chính phủ lựa chọn phương án áp thuế 45%, xem tài sản này là khoản thu nhập vãng lai. Nếu xác định tài sản này bất hợp pháp, cơ quan chức năng sẽ thu nốt 55% còn lại.
Theo đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng), công chức có nhiều nguồn thu nhập chứ không chỉ đơn thuần nhận lương, trong đó có những nguồn tuy không bất hợp pháp nhưng họ chưa muốn công khai, do vậy việc kê khai không trung thực có thể xếp vào diện trốn thuế và áp thuế suất 45% là phù hợp.
Đồng tình với phương án đánh thuế 45%, đại biểu Mùa A Vảng (Điện Biên) cho rằng, thứ nhất, về hai phương án xử lý tài sản kê khai không trung thực hoặc kê khai tài sản thu nhập tăng thêm tại Điều 59, ông đồng tình phương án 1.
“Thực tế có thể xảy ra trường hợp tài sản tăng thêm không phải do phạm tội mà có như thừa kế tài sản, cho, tặng. Trường hợp này, người kê khai tài sản đã giải trình nguồn gốc tài sản hợp lý. Tuy nhiên, cơ quan kiểm soát tài sản cũng có lý do không chấp nhận vì tài sản thiếu giấy tờ chứng minh. Khi đó, chấp nhận hay không lại có phần thuộc về chủ quan của cơ quan kiểm soát tài sản nhưng cũng không chứng minh được tài sản do phạm tội mà có. Như vậy, nộp thuế thu nhập cá nhân như phương án 1 là phù hợp”, đại biểu Mùa A Vàng phân tích.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) nói, các khoản thu nhập hiện nay đều rõ ràng, từ thừa kế, cho tặng, trúng xổ số… đều được minh bạch, thì tại sao không thiết kế thêm điều khoản buộc phải kê khai thuế hằng năm, từ đó so sánh với kê khai tài sản, căn cứ vào đó xem xét tính minh bạch của tài sản.
Đại biểu Hiếu cũng nhấn mạnh, “không thể có chuyện nộp thuế thu nhập cá nhân một năm chỉ một vài triệu mà lại mua được nhà, được xe".
Đại biểu Trịnh Ngọc Thúy (TP Hồ Chí Minh) bày tỏ chính kiến: “Chính phủ đã trình 2 phương án xử lý đối với các loại tài sản trên, nhưng quan điểm của tôi không đồng ý chọn phương án 1. Tôi chỉ đồng ý chọn một phần phương án 2”.
Đại biểu Thúy lập luận, đó là chỉ đặt chế tài xử lý vi phạm hành chính và phạt hành chính đối với người có nghĩa vụ kê khai khi có hành vi không khai đầy đủ các tài sản thuộc quyền sở hữu của mình, có nghĩa là các tài sản không được kê khai sẽ bị xử lý.
"Đối với các tài sản đã kê khai, Ban soạn thảo quy định phải được giải trình hợp lý nguồn gốc. Quan điểm của tôi nhận thấy vấn đề này không thể đặt ra quy định để mang tính bắt buộc chung, vì lý do chúng ta không thể quy định chủ sở hữu tài sản có trong toàn xã hội phải giải trình nguồn gốc".
Ngoài ra, vẫn còn ý kiến chưa đồng tình cả 2 phương án. Đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) nói, xử lý tài sản, thu nhập kê khai, Điều 59, Ban soạn thảo đưa ra hai phương án thì cả hai phương án ông đều thấy chưa thỏa đáng, bởi lẽ Ban soạn thảo xây dựng 2 phương án trên theo hướng là cơ quan có thẩm quyền phải chứng minh tài sản của người kê khai là không trung thực, hoặc thu nhập chênh lệch tăng thêm là không hợp pháp, và nếu không chứng minh được thì mới thu thuế thu nhập là 45%, mà theo ông, nghĩa vụ chính là của người kê khai, còn nếu không kê khai, kê khai không hợp lý, không hợp pháp thì phải sung vào công quỹ.
"Tại Điều 32 của Hiến pháp năm 2013 có quy định: "Mọi người sở hữu thu nhập hợp pháp, của cải để dành, tư liệu sản xuất" thì chúng ta phải hiểu rằng tài sản phải là hợp pháp thì mới được pháp luật bảo vệ, còn không thì phải tịch thu, trong phòng, chống tham nhũng thì phải như thế", đại biểu Phạm Hồng Phong nói.
Trong khi đó, đề xuất thành lập lực lượng kiểm soát tài sản lại được đại biểu Nguyễn Văn Pha (Nam Định) cho rằng, việc thành lập lực lượng kiểm soát tài sản, thu nhập độc lập để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng là cần thiết. Việc thành lập lực lượng chuyên trách có thể không làm tăng biên chế, bởi Thanh tra Chính phủ, VKSND Tối cao và Bộ Công an đều có lực lượng này. Chỉ cần lấy người từ 3 cơ quan có chức năng chống tham nhũng hiện nay để kế thừa kinh nghiệm và không làm tăng biên chế.