Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế, đại biểu Đinh Ngọc Minh tham gia ý kiến. Ảnh: Nghĩa Đức |
Sáng 26/4, Ủy ban Kinh tế tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ 14, thẩm tra Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Dự án này đã được Ủy ban Kinh tế thẩm tra sơ bộ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 32 vừa qua.
Sau đó, Bộ Xây dựng đã có báo cáo tiếp thu, giải trình, cho biết đã rà soát phạm vi đối tượng điều chỉnh đảm bảo phân định rõ phạm vi đối tượng, nội hàm của quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, đồng thời đảm bảo gắn kết chặt chẽ giữa 2 quy hoạch này.
Kết cấu Dự thảo Luật cũng đã được chỉnh lý, tiếp tục hoàn thiện nội dung về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn, vị trí, vai trò, cấp độ quy hoạch, tiêu chí phân loại quy hoạch; mối quan hệ giữa các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn, giữa các quy hoạch này với các quy hoạch khác trong hệ thống quy hoạch quốc gia và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành để đảm bảo sự liên kết, khớp nối, tránh chồng chéo, trùng lặp.
Nêu ý kiến tại phiên họp, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế, đại biểu Đinh Ngọc Minh cho rằng, cần xem lại phạm vi điều chỉnh.
Theo ông Minh, chỉ nên tập trung vào quy hoạch đô thị thôi, còn quy hoạch nông thôn thì điều chỉnh liên tục.
“Ở nông thôn chỉ có quy hoạch hạ tầng về giao thông là cứng được thôi. Thậm chí, bà con nông dân bảo cơ quan nhà nước cứ nói A, tôi làm B mới thắng, vì quy hoạch là ý chí chủ quan của người làm quy hoạch, chứ không hiểu hết thị trường được đâu”, ông Minh nói.
Ông Minh đề nghị “không nên động vào nông thôn, năm nào chương trình nông thôn mới cũng điều chỉnh, mà mình quy hoạch có trúng đâu”.
Đồng quan điểm, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế Bùi Thị Quỳnh Thơ cũng cho rằng, cần xem lại phần quy hoạch nông thôn, vì “quy định rất chung, không thấy có gì quá mới và quá cụ thể để làm quy hoạch”.
Trước đó, thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận xét, nội dung quy hoạch nông thôn không bao hàm toàn bộ không gian nông thôn, không bao hàm nội dung phân bổ không gian tổ chức hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật đối với khu vực sản xuất nông nghiệp (như hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Thủy lợi năm 2017), tổ chức không gian đối với khu vực rừng, núi, đất chưa sử dụng…, nhất là tại các huyện, xã có khu dân cư nông thôn xen lẫn với khu vực sản xuất, khu vực dịch vụ hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn.
Vì vậy, cần xác định rõ nội hàm “quy hoạch nông thôn” trong Dự thảo Luật để thống nhất cách hiểu về phạm vi điều chỉnh của Luật.
Tại báo cáo giải trình, Bộ Xây dựng cho hay, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn điều chỉnh về hoạt động quy hoạch trên địa bàn với sự gắn kết phát triển của đô thị và nông thôn; các đối tượng không gian lập quy hoạch được xác định theo quy định tại Điều 5 Dự thảo Luật.
Nội hàm, nội dung của quy hoạch đô thị và nông thôn (trong đó gồm quy hoạch nông thôn) cũng đã được quy định tại dự thảo Luật. Theo đó nội dung quy hoạch nông thôn tập trung vào quy hoạch cho mục tiêu xây dựng, tổ chức phân bố dân cư nông thôn nhưng trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá và lựa chọn không gian, đất đai trên toàn bộ phạm vi, ranh giới lập quy hoạch; các nội dung thuộc các ngành, lĩnh vực khác (nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi, …) được kế thừa, cập nhật từ các quy hoạch chuyên ngành theo quy định pháp luật chuyên ngành vào quy hoạch nông thôn (nếu cần) để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống quy hoạch.
Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nói luật này là cơ sở để hình thành công cụ lập quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Luật Quy hoạch cũng nói rất rõ là nội dung quy hoạch đô thị và nông thôn thực hiện theo pháp luật về quy hoạch đô thị và pháp luật về xây dựng.
Phải đưa quy hoạch nông thôn vào luật này vì đô thị và nông thôn không tách rời, không tách bạch được, đô thị có 1 phần nông thôn, đô thị hóa nông thôn là quá trình tất yếu nên quy hoạch nông thôn cũng là để kiểm soát quá trình đô thị hóa, Bộ trưởng lý giải.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật; phân định rõ phạm vi, đối tượng của quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, xác định rõ nội hàm để bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa 2 quy hoạch.
Đồng thời, tiếp tục rà soát các khái niệm, giải thích từ ngữ bảo đảm đầy đủ, phù hợp, tránh cách hiểu khác nhau khi áp dụng. Phân định rõ phạm vi với Dự án Luật Quản lý phát triển đô thị về tổ chức thực hiện quy hoạch để có chỉnh sửa tương ứng, phù hợp các quy định cụ thể của Dự thảo Luật.