Ngày 14/11, Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hà Nội phối hợp cùng Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Triển khai Luật Thủ đô số 39/2024/QH15: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”. Hội thảo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cụ thể hóa Luật Thủ đô nhằm thúc đẩy sự phát triển cho Hà Nội, thực hiện đúng định hướng và nhiệm vụ chiến lược đã được nêu trong Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị.
Toàn cảnh hội thảo. |
Nâng cao năng lực pháp lý
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Phong, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết, đây là lần đầu tiên Thành phố tổ chức hội thảo khoa học lớn để triển khai thực hiện, cụ thể hóa các nội dung của Luật Thủ đô sau khi được Quốc hội thông qua. Hội thảo khoa học lớn này nhằm chuẩn bị cho kỳ họp HĐND Thành phố vào tháng 12 tới khi Thành phố cụ thể hóa các điều trong Luật.
Nhấn mạnh các đặc thù cũng như 4 chức năng của Hà Nội mà ít Thủ đô của các nước trên thế giới có, ông Phong cho rằng, việc triển khai Luật Thủ đô cùng với các Nghị quyết, Chỉ thị quan trọng của Trung ương như một cú hích quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để Hà Nội phát triển nhanh và bền vững; thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị khóa XIII.
Theo ông Phong, việc cụ thể hóa các nội dung trong Luật Thủ đô cũng như triển khai thực hiện hiệu quả là những vấn đề mới với Hà Nội. Vì thế, việc tổ chức hội thảo không chỉ cung cấp thêm cho Thành phố những căn cứ về lý luận khi triển khai cụ thể hóa Luật Thủ đô, mà còn có thêm các căn cứ thực tiễn để triển khai Luật đi vào cuộc sống, bảo đảm yếu tố đặc trưng, đặc thù của Luật.
“Thời gian tới, thành phố rất mong sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của Tạp chí Cộng sản trong việc nghiên cứu lý luận, rất mong nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của các đồng chí lãnh đạo, các cơ quan Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học vào việc xây dựng các văn bản pháp luật để cụ thể hóa, triển khai thi hành Luật Thủ đô”, ông Nguyễn Văn Phong bày tỏ.
PGS.TS Lê Hải Bình, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản. |
Tại hội thảo, PGS.TS Lê Hải Bình, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết Luật Thủ đô 2024 bao gồm 7 chương, 54 điều, tăng cường phân quyền, phân cấp mạnh mẽ trong các lĩnh vực quản lý. Ông nhấn mạnh: “Luật hướng đến việc xây dựng Hà Nội thành đô thị văn minh, hiện đại, đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững trong giai đoạn mới.”
Luật Thủ đô sửa đổi ra đời nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển được nêu trong Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, với tầm nhìn đến năm 2045. Các đại biểu tại hội thảo đều đồng thuận rằng, việc cụ thể hóa các nội dung của Luật Thủ đô cần đi đôi với việc đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, nhằm khắc phục những hạn chế từ các giai đoạn trước.
Một trong những trọng tâm được các chuyên gia và đại biểu quan tâm là cải cách mô hình quản trị của Thủ đô. GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đề xuất: “Thành phố cần khẩn trương xây dựng hệ thống chính quyền hiệu quả, phát triển các khu vực đô thị mới theo hướng thông minh, bền vững, tăng cường ứng dụng công nghệ số”.
Ông nhấn mạnh rằng, để đạt được mục tiêu này, Hà Nội cần tiếp tục cải cách bộ máy hành chính, sắp xếp lại các đơn vị quản lý, khuyến khích sáp nhập và mở rộng quy mô nhằm nâng cao hiệu quả điều hành. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa quy trình hành chính sẽ giúp tăng tính minh bạch, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, đồng thời thúc đẩy sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô.
Ngoài ra, một trong những nhiệm vụ quan trọng khác là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, dám nghĩ dám làm, nhằm đảm bảo các chính sách được triển khai một cách hiệu quả nhất. "Xây dựng đội ngũ cán bộ tận tâm, sáng tạo là chìa khóa để Hà Nội đột phá trong giai đoạn mới”, GS.TS Trần Ngọc Đường nhấn mạnh.
Trên tinh thần đoàn kết và quyết tâm, Hà Nội đang nỗ lực để đưa Luật Thủ đô 2024 vào thực tiễn, khơi dậy tiềm năng phát triển, vượt qua thách thức và vươn tới mục tiêu trở thành một đô thị hiện đại, đáng sống, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của đất nước.
Kiểm soát chất lượng của các văn bản quy định chi tiết
Tham luận về việc ban hành các văn bản quy định chi tiết cho Luật Thủ đô, TS. Đoàn Thị Tố Uyên, Trưởng khoa Pháp luật Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, quá trình soạn thảo và ban hành các văn bản cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
TS. Đoàn Thị Tố Uyên chỉ rõ, việc tuân thủ các nguyên tắc khi xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật là yếu tố cốt lõi nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Cụ thể, các quy định về trách nhiệm lập danh mục văn bản chi tiết và quy trình triển khai xây dựng các văn bản này cần được thực hiện một cách khoa học và chặt chẽ.
TS. Đoàn Thị Tố Uyên, Trưởng khoa Pháp luật Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội. |
Về tiến độ thực hiện, TS. Uyên cho biết, để kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết cho Luật Thủ đô, Thủ tướng Chính phủ cùng các cơ quan của Thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công nhiệm vụ cho từng đơn vị liên quan. Điều này là cần thiết vì số lượng văn bản cần xây dựng là rất lớn. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là tập trung nguồn lực soạn thảo những văn bản có thể ban hành đồng thời với thời điểm Luật Thủ đô chính thức có hiệu lực.
Đối với các nội dung phức tạp có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, TS. Uyên đề xuất cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và chuẩn bị kỹ càng, bảo đảm rằng các dự thảo được hoàn thiện và trình lên các cơ quan có thẩm quyền trong quý I và II năm 2025. Các sở, ban, ngành được giao nhiệm vụ cần chủ động lập kế hoạch, tập trung rà soát, lựa chọn những nội dung thiết yếu có thể triển khai ngay để đảm bảo hiệu lực cùng với Luật Thủ đô.
Bên cạnh đó, với những nội dung cần phải tiếp tục nghiên cứu và đánh giá về điều kiện thực tiễn, nguồn lực cũng như sự đồng thuận từ xã hội, TS. Uyên nhấn mạnh sự cần thiết của cách tiếp cận thận trọng, chắc chắn. Chỉ khi đảm bảo đủ các yếu tố khả thi thì mới tiến hành ban hành các quy định nhằm tránh tình trạng vội vàng, dẫn đến thiếu sót khi thực hiện.
“Chất lượng của các văn bản quy định chi tiết cho Luật Thủ đô sẽ được đánh giá dựa trên các tiêu chí như tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và khả thi. Do đó, việc kiểm soát chất lượng của các văn bản này thuộc trách nhiệm của các cơ quan thẩm định, thẩm tra dự thảo nghị định, nghị quyết, quyết định và thông tư ngay từ giai đoạn soạn thảo”, TS. Đoàn Thị Tố Uyên nhấn mạnh.