Doanh nghiệp
Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi): Những bất cập có thể gây hại lớn cho doanh nghiệp chế xuất
Nhã Nam - 31/05/2024 08:34
Việc áp dụng mức thuế giá trị gia tăng (GTGT) lên đến 10% đối với dịch vụ được cung cấp trong khu vực phi thuế quan sẽ làm tăng giá thành sản phẩm và làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp chế xuất.
Các doanh nghiệp chế xuất đang lo ngại với quy định thuế GTGT mới. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Canon Việt Nam    Ảnh: Đ.T

Nhiều bất cập, nhưng thiếu giải pháp

Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội Khóa XV và được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ tám. Tuy vậy, một trong những nội dung của Dự thảo Luật đang gây lo ngại rất lớn trong cộng đồng doanh nghiệp chế xuất. Đó là việc bỏ áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% đối với dịch vụ cung cấp cho khu phi thuế quan, doanh nghiệp chế xuất và thu hẹp phạm vi các dịch vụ xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0%.

Doanh nghiệp chế xuất là doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng hóa xuất khẩu trong khu vực phi thuế quan. Nếu áp dụng mức thuế GTGT lên đến 10% đối với dịch vụ được cung cấp trong khu vực phi thuế quan thì sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam tại thị trường nước ngoài và làm giảm đáng kể sức hấp dẫn môi trường đầu tư của Việt Nam. Đây không chỉ là vấn đề của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, bao gồm cả các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ là doanh nghiệp Việt Nam.

Thêm vào đó, việc sửa đổi như Dự thảo Luật sẽ gây bất bình đẳng giữa doanh nghiệp chế xuất và các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu khác. Trong khi các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu không phải là doanh nghiệp chế xuất được áp dụng cơ chế hoàn thuế đối với cả chi phí dịch vụ mua vào, thì các doanh nghiệp chế xuất lại không có cơ chế để được hoàn thuế đối với chi phí này.

Quy định như Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) được cho là sẽ gây bất bình đẳng giữa doanh nghiệp chế xuất và các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu khác.

Nói cách khác, các doanh nghiệp lẽ ra phải được ưu tiên về các chính sách ưu đãi liên quan đến sản xuất xuất khẩu như doanh nghiệp chế xuất, thì ngược lại, sẽ bị đánh thuế GTGT toàn bộ đối với dịch vụ đầu vào. Điều này dẫn đến việc doanh nghiệp chế xuất phải chịu thêm khoản chi phí rất lớn. Quy định này không những không phù hợp với chính sách khuyến khích xuất khẩu của Việt Nam, mà còn gây thiệt hại lớn đối với khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Đến nay, mặc dù các thành viên Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VBF), các đại sứ quán và đại diện các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Samsung, Canon... liên tục đưa ý kiến về vấn đề trên lên cơ quan quản lý, nhưng Dự thảo Luật vẫn giữ đề xuất sửa đổi như ban đầu và chưa có giải pháp cho những vướng mắc được nêu ra. Điều này khiến cộng đồng doanh nghiệp chế xuất vô cùng băn khoăn, lo lắng, nếu những đề xuất sửa đổi hiện nay được Quốc hội thông qua và thực thi trong thời gian tới.

Theo ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, các doanh nghiệp chế xuất, trong đó có Samsung, đều quan ngại sâu sắc về việc sẽ bỏ áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% đối với các dịch vụ cung cấp vào khu vực phi thuế quan.

“Nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp chế xuất, cũng như các hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, chúng tôi kiến nghị cần phải giữ nguyên quy định của Luật Thuế GTGT hiện hành, cho phép áp dụng mức thuế GTGT 0% đối với các dịch vụ cung cấp và tiêu dùng trong khu vực phi thuế quan”, ông Choi Joo Ho nói.

Samsung hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư lên tới 22,4 tỷ USD. Theo ông Choi Joo Ho, việc áp dụng mức thuế GTGT lên đến 10% đối với dịch vụ được cung cấp trong khu vực phi thuế quan sẽ gây thiệt hại lớn đối với khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu của 6 công ty thuộc Tập đoàn Samsung tại Việt Nam.

Đề xuất giữ nguyên quy định hiện hành, hoặc mở rộng nhóm đối tượng hưởng thuế 0%

Không chỉ các doanh nghiệp như Samsung, mà nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thuế cũng bày tỏ quan điểm, nên giữ nguyên quy định hiện hành hoặc mở rộng nhóm đối tượng hưởng thuế GTGT 0%.

Ít ngày trước, Bộ Tài chính đã tổ chức hội thảo để trao đổi về Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi). Tại Hội thảo, nhiều ý kiến đề cập về vấn đề bỏ áp dụng thuế suất 0% đối với dịch vụ cung cấp trong khu phi thuế quan trong Dự thảo Luật và đa phần đều đề xuất theo hướng: Một là, giữ nguyên như quy định hiện hành; Hai là, mở rộng nhóm đối tượng dịch vụ được hưởng thuế suất 0%, hoặc có cơ chế hoàn thuế cho dịch vụ đầu vào của doanh nghiệp chế xuất.

TS. Nguyễn Thị Minh Hằng (Học viện Tài chính) cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang chuyển đổi sang kinh tế dịch vụ, thay vì thu hẹp dịch vụ như tại Dự thảo Luật, nên tính đến hai phương án. Trong đó, phương án 1 là giữ nguyên quy định “dịch vụ xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0%” và nhất quán áp dụng nguyên tắc “điểm đến” trong xây dựng pháp luật về thuế GTGT, phù hợp với nguyên tắc thông dụng được thế giới thừa nhận và áp dụng rộng rãi. Phương án 2 là bổ sung các dịch vụ được hưởng thuế suất 0%, nếu đáp ứng các điều kiện nhất định, vào Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi).

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam nhận định, việc không áp dụng thuế suất 0% làm tăng chi phí dịch vụ xuất khẩu, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài; qua đó, làm tăng giá thành sản phẩm doanh nghiệp chế xuất giao cho Việt Nam gia công và Việt Nam cũng bị ảnh hưởng gián tiếp về giá gia công…

Bà Nguyễn Thị Cúc cũng đề xuất giữ nguyên như quy định hiện hành, hoặc bổ sung cụ thể các dịch vụ được áp thuế suất 0%, chẳng hạn như chi phí gia công cho khu chế xuất.

Lắng nghe ý kiến của các chuyên gia và doanh nghiệp, ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, các góp ý về quy định thuế suất 0% đối với dịch vụ xuất khẩu là nội dung rất quan trọng, cần phải được nghiên cứu kỹ.

“Việc thu hẹp dịch vụ và quy định rõ các đối tượng được hưởng thuế suất 0% sẽ gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong khu phi thuế quan, khu chế xuất, khu công nghiệp”, ông Đặng Ngọc Minh nói và đề nghị các cục thuế địa phương tổng hợp ý kiến của đối tượng bị tác động, sau đó gửi ý kiến đến Ban Soạn thảo.

Trong khi đó, từ góc độ Bộ Tài chính, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó cục trưởng Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp và đề nghị các doanh nghiệp cùng phối hợp với Bộ Tài chính để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi).

Tin liên quan
Tin khác