Vốn FDI đổ vào Việt Nam sẽ giúp bất động sản bật dậy, bởi nhu cầu đất công nghiệp, nhà văn phòng, nhà ở sẽ tăng cao. |
Băn khoăn
Các nhà phát triển bất động sản tỏ ra lo lắng khi việc sửa Luật Đất đai chính thức bị lùi lại. Tại phiên làm việc sáng ngày 22/5 của kỳ họp thứ 9, Quốc hội nghe và thảo luận về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh năm 2020. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý đưa ra khỏi chương trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai để Chính phủ tiếp tục chỉ đạo việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đề xuất nội dung sửa đổi, khắc phục các vướng mắc.
Nhiều doanh nghiệp băn khoăn khi những bất cập trong Luật Đất đai chưa được sửa đổi. Theo đại diện Long Hậu Corporation - đơn vị phát triển Khu công nghiệp Long Hậu, một dự án khu công nghiệp được triển khai và quản lý tốt sẽ đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tạo ra kim ngạch xuất nhập khẩu, đóng góp ngân sách thông qua các loại thuế doanh nghiệp và cá nhân, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
“Tuy nhiên, việc mở rộng quỹ đất khu công nghiệp để tăng cường thu hút đầu tư mới gặp rất nhiều khó khăn. Vướng mắc lớn nhất vẫn nằm ở khâu giải phóng mặt bằng và xác định phương án đóng tiền sử dụng đất phù hợp với đặc trưng của loại hình đất công nghiệp”, đại diện Long Hậu Corporation chia sẻ.
Vị này cho biết thêm, dù Long Hậu Corporation đã nhận được nhiều sự hỗ trợ của chính quyền địa phương nơi triển khai dự án, song rất cần cơ chế phù hợp để thúc đẩy việc giải quyết các vướng mắc.
Tương tự, ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư và Quản lý bất động sản G5 (G5 Invest) cho rằng, xã hội có nhu cầu cao về nhà ở, vì vậy phát triển bất động sản sẽ tạo động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế.
Để ngành bất động sản có thể tăng tốc, ông Nguyễn Quốc Khánh cho rằng, phải có cơ chế luật pháp thông thoáng, rõ ràng để phát triển các dự án bất động sản, không đơn thuần là đáp ứng nhu cầu nhà ở của xã hội, mà còn tạo cú hích cho các thị trường khác.
“Bất động sản là tài nguyên của đất nước, bởi thế, Nhà nước phải quy hoạch thị trường một cách tổng thể và bài bản, hướng đến những dự án mang lại giá trị kinh tế - xã hội lớn, tránh triển khai những dự án chỉ nhằm mục đích chiếm dụng đất và hiệu quả thấp, gây lãng phí tài nguyên”, ông Khánh nói.
Theo dự báo của Fitch Solutions - một đơn vị nghiên cứu của Tập đoàn Fitch (Mỹ), lĩnh vực xây dựng nhà ở và các công trình khác của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh từ năm tới, với tốc độ 7,2%/năm, nhờ điều kiện kinh tế vĩ mô được cải thiện và nhu cầu gia tăng.
“Kinh tế tăng trưởng cao và ổn định, dẫn đến thu nhập của người dân được cải thiện và nhu cầu về bất động sản nhà ở cao cấp hơn cũng tăng theo, đặc biệt là nhu cầu nhà ở tại đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM. Thêm vào đó, tỷ lệ đô thị hóa Việt Nam đạt khoảng 36,6% năm 2019, dự kiến tăng lên 51,2% vào năm 2040, khiến nhu cầu nhà ở trong giai đoạn tới là rất lớn”, Fitch Solutions nhận định.
Trông vào lực đẩy FDI, du lịch
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) - một trong 5 mũi giáp công đưa nền kinh tế bật dậy sau Covid-19 được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp gần đây, sẽ là xung lực thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp, văn phòng để phục vụ nhu cầu tăng cao của nhà đầu tư.
Việt Nam nổi lên như một trung tâm sản xuất toàn cầu khi thu hút lượng lớn các nhà đầu tư nước ngoài tầm cỡ về “định cư”. Theo dự báo của Fitch Solutions, phân khúc bất động sản không phục vụ nhu cầu ở sẽ tăng trưởng khoảng 6,9%/năm trong giai đoạn 2021 - 2029.
Ngoài “gã khổng lồ” Samsung của Hàn Quốc, nhiều tập đoàn điện tử tiêu dùng đa quốc gia khác như Sonion của Đan Mạch và Sharp của Nhật Bản cũng chọn Việt Nam làm đại bản doanh. Chưa kể, các tập đoàn khác như Microsoft, Nintendo, Ricoh và Dell cũng đang lên kế hoạch thiết lập dây chuyền sản xuất tại Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Jason Yek, chuyên gia phân tích rủi ro khu vực châu Á của Fitch Solutions cho biết, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang rục rịch chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam. Xu hướng này đã xuất hiện kể từ khi thương chiến Mỹ - Trung nổ ra và ngày càng rõ rệt dưới tác động của Covid-19. Đặc biệt, ngày càng nhiều công ty sản xuất hàng điện tử cấp thấp và dệt may chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Theo chuyên gia Jason Yek, dịch chuyển sản xuất từ bên ngoài vào Việt Nam sẽ kéo theo một lượng lớn người nước ngoài đến Việt Nam làm việc, điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu căn hộ cho thuê và thậm chí nhu cầu mua nhà tăng lên.
Làn sóng chuyển đổi hoạt động sản xuất từ bên ngoài vào Việt Nam đòi hỏi các nhà phát triển bất động sản công nghiệp phải tăng tốc để đáp ứng nhu cầu mặt bằng và nhà xưởng. Đây là cú hích mạnh tới tăng trưởng xây dựng và bất động sản trong thời gian dài. Khi đó, các dịch vụ bất động sản cũng ăn theo và hưởng lợi từ nhu cầu giao dịch và cho thuê bất động sản tăng cao.
Bên cạnh phân khúc bất động sản công nghiệp, thì bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng cũng được nhận định sẽ giúp thúc đẩy thị trường. Theo Fitch Solutions, tăng trưởng ngành du lịch có thể chững lại trong ngắn hạn do Covid-19, nhưng về dài hạn thì tăng trưởng du lịch còn lớn. Khi đó, thị trường bất động sản sẽ chứng kiến những suất đầu tư lớn, không loại trừ vốn đầu tư từ nước ngoài vào phát triển khách sạn tại Hà Nội và TP.HCM, hay các điểm đến ven biển như Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang...