Ngân hàng - Bảo hiểm
Lực đẩy từ thanh toán kỹ thuật số
M.T - 02/10/2018 18:29
Việt Nam đang hướng tới một nền kinh tế không dùng tiền mặt, cùng với việc phát triển các thành phố theo hướng thông minh hơn. Thanh toán kỹ thuật số theo đó sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi các thành phố, nhằm mang lại lợi ích cho cá nhân, doanh nghiệp và nền kinh tế.

Thanh toán bằng… cổ tay

Khi Tappy Technologies Ltd. giới thiệu các giải pháp thanh toán không tiếp xúc mới tại Hội nghị Thượng đỉnh bảo mật visa châu Á - Thái Bình Dương vào tháng 5/2018 tại Singapore, những người tham dự đã bất ngờ khi được biết chức năng thanh toán kỹ thuật số có thể được gắn vào đồng hồ và đồ trang sức thông thường. Theo nghĩa đen, tiền giờ đây không còn nằm trong ví hay thẻ của người sử dụng, mà được đeo trên cổ tay hoặc ngón tay của người tiêu dùng, có thể được sử dụng vào bất cứ thời gian nào.

Thanh toán kỹ thuật số như qua di động là xu hướng tất yếu

“Chúng tôi gắn một con chip linh hoạt, không thấm nước và được chứng nhận bởi tất cả các tổ chức thanh toán thẻ, vào các thiết bị thanh toán mà bạn có thể thấy ở đây. Đồng hồ, dây đeo cổ tay và vòng đeo tay…, mọi thứ đều là các thiết bị thanh toán. Khi bạn đi đến cửa hàng để uống cà phê và bạn đang đeo chiếc đồng hồ tuyệt vời này - không phải chiếc đồng hồ thông minh, mà chỉ là đồng hồ thông thường - bạn chỉ cần gõ nhẹ và thế là thanh toán xong”, ông Suboor Ahmed, Phó chủ tịch phụ trách phát triển kinh doanh tại Tappy chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư bên lề Hội nghị.

Ông Ahmed nói thêm: “Cái hay của các thiết bị này là mọi người thậm chí không biết rằng có một con chip thanh toán bên trong chiếc đồng hồ mà bạn đang đeo”.

Công nghệ thanh toán này tuy chưa phổ biến rộng rãi ở Việt Nam, nhưng được dự báo là sẽ sớm trỗi dậy trong thế hệ trẻ, thậm chí cả nhóm người cao tuổi. Theo ông Ahmed, những người cao tuổi hoàn toàn có thể thay thế dây đeo của chiếc đồng hồ mà họ được thừa kế với một con chip giao tiếp tầm ngắn (NFC) để bắt đầu thực hiện thanh toán tại một số điểm kinh doanh có trang bị máy đọc thẻ.

Thanh toán kỹ thuật số trên đồng hồ và đồ trang sức cùng với các hình thức thanh toán không tiếp xúc khác đã được phát triển trên toàn cầu. Điều này thực sự mở ra cho Việt Nam con đường tiến tới trở thành một quốc gia không dùng tiền mặt.

Giấc mơ dần thành hiện thực

Việt Nam đang theo đuổi định hướng trở thành quốc gia không dùng tiền mặt thông qua việc đặt mục tiêu cắt giảm tiền mặt xuống dưới 10% tổng phương tiện thanh toán vào năm 2020, theo Quyết định số 2545/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020.

Chuyển đổi từ một nền kinh tế phụ thuộc nặng vào tiền mặt sang một nền kinh tế phi tiền mặt không chỉ là nhiệm vụ của Chính phủ, mà còn của mỗi cá nhân và cộng đồng doanh nghiệp. Lãnh đạo một chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam nhận xét, nếu định hướng không sử dụng tiền mặt chỉ là mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chính phủ có thể sẽ mất một thời gian dài để chỉ đạo quốc gia trên hành trình đó. 

“Đối với tôi, nó giống mọi thứ khác trong cuộc sống, có đẩy và kéo. Tôi tin rằng, lực kéo luôn ảnh hưởng mạnh mẽ hơn lực đẩy. Đẩy là tốt và đó là những gì các nhà quản lý đang làm. Lực kéo đến từ những người như bạn và tôi, những người không muốn mang theo tiền mặt. Sự thay đổi ở Việt Nam sẽ chỉ nhanh khi mọi người sẵn sàng chấp nhận thay đổi này và chấp nhận những công nghệ thanh toán mới”, vị lãnh đạo ngân hàng này nói.

Trong một báo cáo có tựa đề “Sự trỗi dậy của người tiêu dùng trong thời đại số”, người tiêu dùng Việt Nam được cho là tự tin nhất so với người tiêu dùng ở các nước láng giềng khi không mang theo tiền mặt ra ngoài trong 3 ngày liên tiếp. 57% người tham gia cuộc khảo sát tại Việt Nam nói rằng, họ cảm thấy hoàn toàn tự tin khi làm vậy, tỷ lệ cao nhất so với Philippines (51%), Indonesia (47%) và Singapore (42%).

Báo cáo dựa trên khảo sát 4.160 người tiêu dùng, trong đó có 517 người Việt Nam, đại diện cho dân số trực tuyến của 7 thị trường Đông Nam Á, cũng tiết lộ rằng, khoảng 43% người tiêu dùng trong khu vực mong đợi đất nước của họ hoàn toàn không dùng tiền mặt vào năm 2024, với 68% người được hỏi nói rằng, họ khá tự tin về việc hoàn toàn không dùng tiền mặt trong một ngày, trong khi 45% cho biết, họ có thể làm như vậy trong 3 ngày.

“Đây là minh chứng cho tính hiệu quả của hạ tầng thanh toán mạnh mẽ hỗ trợ tầm nhìn của mỗi quốc gia trở thành một quốc gia kỹ thuật số. Khi các nước Đông Nam Á hướng tới một tương lai không dùng tiền mặt, chúng tôi hy vọng người tiêu dùng có nhu cầu lớn hơn cho các giải pháp thanh toán mang tính sáng tạo hơn để đáp ứng nhu cầu của họ. Cùng với các đối tác của mình, chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục tạo ra những khả năng và cơ hội vô tận cho người tiêu dùng để hoàn toàn không dùng tiền mặt và tận hưởng trải nghiệm mua hàng nhanh chóng, đáng tin cậy và an toàn ở mọi nơi”, báo cáo này viết. 

Lợi ích lâu dài

Có thể mất nhiều thời gian hơn cho các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt dưới dạng thiết bị đeo để thực sự phổ biến ở Việt Nam, nhưng đất nước đã sẵn sàng để đi trên con đường kỹ thuật số, với những lợi ích có thể nhìn thấy trước mắt.

Phó tổng giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ của TPBank, ông Đinh Văn Chiến cho biết, cơn lốc số hóa trong ngành ngân hàng tại Việt Nam đang diễn ra rất mạnh, với các công nghệ tiên tiến chiếm vị trí trung tâm trong nhiều chức năng và hoạt động của ngân hàng.

“Hiện tại, bộ mặt của ngành ngân hàng đã được cải thiện đáng kể, đặc biệt là về các phương thức và giải pháp thanh toán có những bước phát triển rất đa dạng. Thẻ từ truyền thống đã dần được thay thế bằng thẻ chip. Các phương thức thanh toán không chạm (contactless) và mobile payment (NFC, QR code) ngày càng phổ biến”, ông Chiến nói. 

Theo ông Chiến, với cơ hội được tiếp cận các công nghệ này rất sớm, không thua kém các nước phát triển trong khu vực, khách hàng cũng dần thay đổi thói quen. Việc tiếp cận kỹ thuật số mà nhiều ngân hàng đang áp dụng có thể giải quyết được nhiều vấn đề liên quan đến rút tiền, gửi tiền và thanh toán. Sự tiện lợi và độ phủ sóng của các giải pháp số đã góp phần thay đổi dần thói quen sử dụng tiền mặt.

Không chỉ thanh toán hàng ngày đang được số hóa, thuế và các khoản thanh toán hải quan cũng đang được thiết lập theo lộ trình số hóa, khi Bộ Tài chính đã kêu gọi hợp tác giữa các ngân hàng với cơ quan thuế và hải quan để cải thiện thủ tục hành chính, đẩy nhanh quá trình thông quan và sắp xếp hợp lý việc thu ngân sách.

Mục tiêu là thu 80% tiền thuế ở các thành phố thông qua ngân hàng và cho phép các kho bạc ở tất cả các tỉnh và thành phố có hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt vào năm 2020, theo Quyết định số 241/QĐ-TTg phê duyệt đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công, bao gồm thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội.

Vào năm ngoái, HSBC Việt Nam đã ký một thỏa thuận hợp tác với Tổng cục Hải quan để giới thiệu nền tảng thanh toán điện tử hải quan, cho phép khách hàng của HSBC trải nghiệm một quy trình thanh toán hải quan thuận tiện hơn trên mạng.

“Qua việc hợp tác với Chính phủ, chúng tôi cung cấp cho khách hàng một nền tảng thanh toán trực tuyến có thể giúp tiết kiệm thời gian, cắt giảm việc sử dụng giấy và cải thiện quy trình hoạt động. Chúng tôi đã giới thiệu các nền tảng thanh toán thuế điện tử, thanh toán hải quan điện tử và nền tảng Evolve tại Việt Nam và nhận được phản hồi tốt từ các doanh nghiệp”, ông Winfield Wong, Giám đốc toàn quốc Khối dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp tại HSBC Việt Nam cho biết.

Lợi ích thanh toán kỹ thuật số sẽ trở thành chất xúc tác cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai gần, như một nghiên cứu mang tên “Thành phố không dùng tiền mặt: Nhìn nhận lợi ích của thanh toán kỹ thuật số” được thực hiện bởi Công ty nghiên cứu RoubiniThoughtLab và được ủy quyền bởi Visa. 

Đặc biệt, kết quả của nghiên cứu ước tính, thanh toán điện tử, như thẻ và thanh toán di động, có thể mang lại lợi ích ròng lên đến 470 tỷ USD mỗi năm cho 100 thành phố được khảo sát.

Hà Nội là một trong những đối tượng của nghiên cứu này, sẽ nhìn thấy một số lợi ích tiềm năng đặc biệt từ việc không dùng tiền mặt, trong đó có thêm tổng lợi ích ròng 600 triệu USD/năm. Việc làm của thành phố có thể tăng thêm 3,5%, trong khi tiền lương và năng suất sẽ tăng 0,2% hàng năm. GDP của Hà Nội cũng được dự báo tăng 36,4 điểm cơ bản trong bối cảnh không tiền mặt.

Tương tự, TP.HCM có thể mong đợi 2,3 tỷ USD tổng lợi ích ròng, với người tiêu dùng và chính quyền địa phương có thể cùng nhận được lợi ích ròng lên tới 700 triệu USD, trong khi các doanh nghiệp có thể nhận được 900 triệu USD lợi nhuận ròng ước tính. Việc làm trong thành phố có thể tăng 3%, trong khi năng suất và tiền lương có thể tăng 0,2% hàng năm. Thành phố lớn nhất của Việt Nam cũng có thể trông đợi mức tăng GDP 33,1 điểm cơ bản thu được từ việc tiết kiệm thời gian cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và Chính phủ khi năng suất tăng nhờ vào thanh toán điện tử.

“Việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số, từ điện thoại thông minh và thiết bị đeo tay đến trí tuệ nhân tạo và xe hơi không người lái, đang nhanh chóng chuyển đổi cách người dân thành phố mua sắm, du lịch và sinh sống. Nếu không có một nền tảng vững chắc trong thanh toán điện tử, các thành phố sẽ không thể nắm bắt đầy đủ tương lai kỹ thuật số của họ”, ông Lou Celi, người đứng đầu RoubiniThoughtLab nói.

Theo ông Sean Preston, Giám đốc quốc gia Visa của Việt Nam, Campuchia và Lào, trong khi Việt Nam vẫn là một xã hội coi trọng tiền mặt, thì có những động thái rất tích cực từ người tiêu dùng, doanh nghiệp và Chính phủ, với việc hướng tới thanh toán điện tử mạnh mẽ hơn bao giờ hết. 

“Visa hoàn toàn ủng hộ lộ trình thanh toán không dùng tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tới năm 2020, cam kết thúc đẩy việc chấp nhận thanh toán điện tử và mở rộng chấp nhận để đảm bảo việc chuyển đổi sang nền kinh tế không dùng tiền mặt vừa hiệu quả, vừa trơn tru”, ông Sean Preston nói.

Tin liên quan
Tin khác