Sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết nguyên đán Quý Mão 2023, từ mùng 4 Tết đến nay, tại nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội ghi nhận số bệnh nhân nhập viện tăng, nhất là các bệnh nhân mãn tính và người cao tuổi. Nguyên nhân do thời tiết dịp Tết này khá lạnh cộng với thói quen sinh hoạt ngày Tết thay đổi bất thường.
Việc phát hiện sớm dấu hiệu đột quỵ để tranh thủ thời gian vàng cấp cứu đóng vai trò vô cùng quan trọng, với các biểu hiện thường gặp như tê yếu chân tay, xây xẩm, chóng mặt, đau đầu, méo miệng, giọng nói bị đớ… |
Thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai ngày 30/1 cho biết, trong 7 ngày nghỉ tết (từ 20/1 đến 27/1), tổng số bệnh nhân vào viện là 1.816 lượt, tăng cao gấp 2 lần so với các năm trước, trong đó có nhiều trường hợp đột quỵ nặng. Đáng chú ý, ngay mùng 1 tết Quý Mão, tại Trung tâm Đột quỵ của Bệnh viện này đã có 3 ca đột quỵ rất nặng vào cấp cứu.
PGS.TS. Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, trời lạnh là nguyên nhân khiến bệnh đột quỵ gia tăng. Cùng với thời tiết, dịp tết nhiều người lười vận động, tập thể thao hơn, ăn uống mất kiểm soát hơn, đây cũng có thể là một yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Ngoài ra, lạm dụng rượu bia cũng là một trong nhiều nguyên nhân khiến nhiều ca đột quỵ xảy ra. Theo chuyên gia, rượu là thủ phạm gây tiểu nhiều làm tăng độ nhớt máu, dễ tạo cục máu đông. Rượu cũng là nguyên nhân gây co mạch làm nóng bừng người gây tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim.
Việc phát hiện sớm dấu hiệu đột quỵ để tranh thủ thời gian vàng cấp cứu đóng vai trò vô cùng quan trọng, với các biểu hiện thường gặp như tê yếu chân tay, xây xẩm, chóng mặt, đau đầu, méo miệng, giọng nói bị đớ…
Thời gian vàng để cấp cứu đột quỵ là trong vòng 3 giờ đầu để điều trị tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch; nếu muộn hơn từ 4,5 đến 6 giờ tính từ khi xuất hiện triệu chứng khởi phát cơn đột quỵ thì cần can thiệp nội mạch lấy huyết khối bằng dụng cụ. Cấp cứu càng sớm hiệu quả điều trị càng cao.
Trong thời gian chờ đợi cấp cứu, người bệnh không nên tự ý dùng bất cứ loại thuốc gì. Người nhà nên giữ người bệnh tránh bị té ngã, nằm cao đầu. Đồng thời, lập tức đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế có sẵn điều kiện, máy móc, thuốc chuyên dụng để can thiệp đột quỵ kịp thời.
Cũng do thời tiết lạnh, theo thông tin từ các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, mỗi ngày, tại Khoa Tim mạch và Trung tâm tim mạch - điện quang can thiệp (Bệnh viện đa khoa Hùng Vương) tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân nhập viện vì các bệnh lý tim mạch. Trong đó chủ yếu là người cao tuổi và những người có tiền sử bệnh tim mạch trước đó, số lượng này tăng cao trong những ngày gần đây.
PGS.TS. Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Trung tâm Tim mạch thông tin, Bệnh viện Tâm Anh cho biết, nhồi máu cơ tim cấp còn có tên gọi khác là đột quỵ tim, là tình trạng cơ tim bị thiếu máu nuôi và hoại tử do mạch vành bị tắc nghẽn đột ngột bởi cục huyết khối trong lòng mạch.
Đột quỵ tim có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào cũng như vào mọi thời điểm trong năm. Tuy nhiên, mùa lạnh là lúc nguy cơ đột quỵ tim cao hơn cả, đặc biệt ở những người có sẵn yếu tố nguy cơ như suy tim, từng phẫu thuật hay can thiệp tim mạch, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá nhiều năm…
“Khi thời tiết lạnh, các mạch máu co lại khiến áp lực trong lòng mạch máu tăng lên dẫn đến tăng huyết áp, đồng thời thay đổi tình trạng đông máu khiến dễ hình thành cục máu đông hơn gây ra đột quỵ tim. Ngoài ra, việc thiếu hoạt động thể chất do ngại ra ngoài trong tiết trời lạnh cũng góp phần làm tăng nguy cơ này”, PGS. Phạm Nguyễn Vinh cho biết.
Để phòng ngừa đột quỵ tim hoặc tái phát bệnh trong mùa lạnh, PGS.TS. Vinh khuyến cáo, bên cạnh việc dùng thuốc đúng chỉ dẫn và tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ, người bệnh cần duy trì lối sống lành mạnh, tăng cường rau xanh và trái cây, kiêng rượu, bia, thuốc lá…
Vào mùa đông, người cao tuổi, người có bệnh nền tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi mạn tính (COPD) lưu ý giữ ấm cơ thể để tránh nhiễm lạnh, hoạt động thể chất đều đặn, đúng cách để giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp.
"Bên cạnh đó, những người từ 30-45 tuổi có ít nhất 2 yếu tố nguy cơ, người từ 45-55 tuổi có 1 yếu tố nguy cơ và người trên 55 tuổi nên thực hiện tầm soát nguy cơ đột quỵ tim định kỳ, đặc biệt là trước mỗi đợt rét đậm, rét hại để phát hiện sớm nguy cơ đột quỵ tim và can thiệp kịp thời", chuyên gia lưu ý.
Các bác sĩ khuyến cáo khi có một số dấu hiệu nhồi máu cơ tim cấp cần nhanh chóng đến bệnh viện như đau thắt ngực với biểu hiện đè nặng, đau tức, bóp nghẹn ở sau xương ức.
Cơn đau kéo dài 5-7 phút trở lên, có thể lan lên cằm, vai hoặc cánh tay; khó thở; tim đập nhanh; đổ mồ hôi lạnh; buồn nôn, khó tiêu/ợ chua, khó chịu hoặc đau dạ dày; tê mỏi tay chân; xây xẩm, chóng mặt; ngất xỉu.
Ngoài đột quỵ tim, theo các chuyên gia y tế khuyến cáo thời điểm xấu dễ gặp phải đột quỵ não mùa lạnh là vào rạng sáng hoặc nửa đêm. Do đó, để giảm thiểu những rủi ro của đột quỵ vì tác động của thời tiết, khí hậu, bạn nên áp dụng các biện pháp phòng tránh sau:
Thiết lập khẩu phần ăn có dinh dưỡng: Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đẩy lùi nguy cơ đột quỵ mùa lạnh đến từ bệnh tim mạch, đái tháo đường, mỡ máu do vậy người dân nên tuân thủ các chế độ ăn uống hợp lý như:
Gia tăng khẩu phần ăn có các loại rau củ quả, đậu, ngũ cốc tốt cho sức khỏe; chọn thịt trắng, hải sản, trứng để giúp bổ sung protein, hạn chế thịt đỏ; hạn chế đồ ăn có chứa nhiều dầu mỡ, chất béo, thức ăn nhanh;
Hạn chế sử dụng các đồ uống có chứa nhiều đường; không nên dùng mỡ động vật để nấu nướng, chế biến thức ăn. Chẳng hạn như mỡ lợn đồng thời tránh ăn nhiều thịt mỡ, tóp mỡ, mỡ hành; tăng cường uống nhiều nước lọc, nước trái cây, sữa đậu nành.
Vận động, tập thể dục đều đặn: Tập thể dục, vận động cơ thể có vai trò tăng cường lưu lượng tuần hoàn máu trong cơ thể, cải thiện sức khỏe, nhịp tim khỏe mạnh. Vì thế, bạn nên tập thể dục ít nhất 30 phút/ ngày và 4 lần/ tuần để phòng tránh nguy cơ cao mắc tim mạch và đột quỵ mùa lạnh.
Giữ ấm cho bản thân: Nhiễm lạnh là yếu tố chính dẫn đến cao huyết áp làm cho mạch máu chịu áp lực và bị vỡ. Do đó, bạn nên giữ ấm cho bản thân đặc biệt là những người cao tuổi trong thời tiết mùa đông.
Hút thuốc lá, uống rượu bia mỗi ngày là nguyên nhân chính khiến đột quỵ mùa lạnh tăng cao. Trong đó, thuốc lá rất có hại cho sức khỏe của bản thân cũng như mọi người xung quanh. Nếu bạn duy trì lối sống khỏe, bỏ thuốc lá từ 2 - 5 năm thì nguy cơ đột quỵ ngang bằng với người chưa hút thuốc bao giờ.
Chuyên gia cũng khuyến cáo việc kiểm tra, theo dõi sức khỏe định kỳ là một trong các cách giúp ngăn ngừa đột quỵ mùa lạnh cũng như có biện pháp phòng ngừa với người có tiền sử đột quỵ. Từ đó, bác sĩ có thể đề ra kế hoạch điều trị tối ưu để kiểm soát tình trạng của bệnh hiệu quả, an toàn.