Đây là kết quả dựa trên báo cáo “Thực trạng nhân lực IT và Kế hoạch tuyển dụng đáp ứng công nghệ mới” do Navigos Group vừa công bố.
Nhìn chung, nhân sự lĩnh vực IT nếu có kinh nghiệm sẽ được trả lương cao hơn ít nhất một so với nhiều ngành nghề khác, với khoảng lương mỗi tháng từ 701 – 1.000 USD.
Với các ngành nghề khác, mức lương phổ biến được trả cho nhóm ứng viên có kinh nghiệm là 251 – 500 hoặc 501 – 700 USD/tháng.
Dù lương đã cao hơn so với các ngành nghề khác nhưng lương, thưởng vẫn nằm trong tốp 3 lý do chuyển việc của nhân viên công nghệ thông tin.
67% các nhà tuyển dụng cho rằng, nhân viên IT sẽ nghỉ việc khi có cơ hội việc làm tốt hơn từ công ty khác, 38% doanh nghiệp cho rằng do nhân sự không hài lòng với chế độ lương thưởng và 31% cho rằng, do ứng viên thành lập start-up riêng.
Dù vậy, những điều nhân sự IT nghĩ lại khác khi lý do hàng đầu khiến họ nghỉ việc là không hài lòng với chế độ lương thưởng (45% ứng viên đồng tình), 40% lo ngại không có cơ hội thăng tiến và 38% nghỉ việc do cơ hội việc làm tốt hơn từ công ty khác.
Các lý do nhân viên IT nghỉ việc trên cả góc nhìn nhà tuyển dụng và ứng viên. |
Ngoài ra, có một số điểm khác biệt về quan điểm phúc lợi đặc biệt giữa ứng viên IT và nhà tuyển dụng cần lưu tâm.
Với ứng viên, 3 chế độ phúc lợi họ đặc biệt quan tâm lần lượt là chế độ khám sức khỏe định kỳ/bảo hiểm cao cấp, trả lương ngoài giờ và thưởng theo kết quả công việc mỗi quý.
Còn nhóm nhà tuyển dụng lại chọn yếu tố thưởng theo kết quả công việc mỗi quý là phúc lợi đặc biệt nhất của công ty mình, sau đó cơ hội đi học/ làm việc tại nước ngoài cũng như chế độ khám sức khỏe định kỳ/bảo hiểm cao cấp.
Đánh giá mức độ ưu tiên các yếu tố thu hút nhân sự phía nhà tuyển dụng và góc nhìn từ ứng viên. |
Ông Gaku Echizenya, Tổng Giám Đốc của Navigos Group Việt Nam đánh giá, những yếu tố khách quan không kiểm soát được như tác động của dịch bệnh dẫn đến sự hạn chế trong tương tác đời thực, hay rủi ro cho con người khi tham gia vào các công việc nguy hiểm,…càng khiến cho công nghệ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Công nghệ có thể trở thành công cụ giúp chuyển đổi cách hoạt động trực tiếp thành trực tuyến, khả năng thay thế con người làm những công việc lặp đi lặp lại hoặc rủi ro.
“Đứng trước nhu cầu tuyển dụng ngày càng tăng cao, doanh nghiệp không chỉ đối mặt với việc thiếu hụt nhân lực công nghệ, mà còn phải chuẩn bị các giải pháp giữ chân nhân tài và ứng phó trước sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ mới, ông Gaku Echizenya chia sẻ.
Khan hiếm nguồn nhân lực trong lĩnh vực IT hiện là 1 trong 5 thách thức cho doanh nghiệp khi thành lập tại Việt Nam. 4 yếu tố còn lại là chi phí nhân công đã tăng cao, điều kiện bảo mật, chính sách bản quyền chưa chặt chẽ, hệ thống giáo dục không chú trọng vào đào tạo các bộ môn khoa học (STEM) và thiếu sự minh bạch.
Thế nhưng, trong khảo sát của Navigos Group, phần lớn các công ty công nghệ tại Việt Nam có nhu cầu tuyển thêm nhân sự trong các năm tới với nhiều mức độ khác nhau về quy mô.
Theo đó, chỉ 9% cho biết họ không có kế hoạch tuyển dụng, ½ doanh nghiệp cho biết có nhu cầu mở rộng thêm 11 – 20% quy mô và gần ¼ cho biết họ có nhu cầu mở rộng thêm 21- 30%.
Một số lợi thế khi thành lập công ty công nghệ tại Việt Nam. |
Ngoài ra, trong tốp 3 các ngành hiện đang thiếu hụt nhân sự trong các công ty công nghệ là phát triển website toàn diện (full-stack) chiếm 49%, Java & Java script chiếm 27% và kiến trúc hạ tầng (Architect design) chiếm 22%.
Các mảng công nghệ mới liên quan đến khoa học máy tính mặc dù vẫn được tuyển dụng nhưng tỷ lệ không cao, khi chỉ có 11% doanh nghiệp thiếu hụt nhân sự phát triển máy học và 2% doanh nghiệp thiếu hụt nhân sự phát triển chuỗi khối.