Foxconn vừa đầu tư một khoản lớn vào Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang). |
Thương vụ Frasers Property Vietnam (FPV) hợp tác cùng Gelex Group triển khai các khu công nghiệp tại miền Bắc với tổng mức đầu tư trong giai đoạn đầu khoảng 6.000 tỷ đồng, tương đương 250 triệu USD vào tháng 3/2023 là thương vụ nổi bật trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu ảm đạm.
Ông Chong Chee Keong, Giám đốc điều hành khối bất động sản công nghiệp của Frasers Property Vietnam nhận định, Việt Nam là một trong những quốc gia hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển sản xuất do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Các doanh nghiệp đã rút ra được bài học kinh nghiệm đáng giá từ sau đại dịch Covid-19 rằng, nên đa dạng hóa kinh doanh chứ không nên bỏ hết trứng vào một giỏ.
“Doanh nghiệp đã bắt đầu thận trọng hơn và dành nhiều thời gian nghiên cứu, khảo sát, lập kế hoạch, thẩm định trước khi quyết định thành lập nhà máy tại Việt Nam. Mô hình kinh doanh ít tài sản trở nên phù hợp và được ưa chuộng hơn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) nhằm giảm thiểu rủi ro ở giai đoạn đầu của hoạt động kinh doanh”, ông Keong cho biết.
Trước đó, hồi đầu năm, ESR Group Limited, một trong những công ty quản lý tài sản lớn nhất châu Á - Thái Bình Dương đã dẫn đầu một nhóm nhà đầu tư rót vốn vào BW Industrial Development.
BW Industrial là nền tảng công nghiệp và hậu cần cho thuê hàng đầu tại Việt Nam, được thành lập dựa trên sự hợp tác giữa Warburg Pincus và Becamex IDC vào năm 2018, với quỹ đất 7,76 triệu m2 tại 35 dự án tọa lạc ở 26 vị trí kinh tế chiến lược trải dài khắp cả nước.
Một số thương vụ đầu tư lớn khác là khoản đầu tư của Foxconn vào KCN Quang Châu (Bắc Giang) và khoản đầu tư của Goertek vào KCN WHA (Nghệ An).
Theo Báo cáo tổng quan thị trường M&A bất động sản Đông Nam Á và Việt Nam, do EY Parthenon công bố, tổng giá trị các thương vụ M&A doanh nghiệp và tài sản trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng 7 tháng đầu năm tại thị trường Việt Nam đạt khoảng 1,4 tỷ USD.
Trong đó, M&A bất động sản chiếm 65%, với 24 thương vụ có tổng giá trị 874 triệu USD. Đặc biệt, 16 thương vụ trong số này thuộc về M&A các khu công nghiệp. Tới 92% người mua là nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu đến từ Đài Loan, Singapore và Hàn Quốc.
Bà Đào Thiên Hương, Phó tổng giám đốc cấp cao EY-Parthenon cho biết, khối ngoại đang chuyển sang chiến lược phòng thủ trước thị trường toàn cầu ảm đạm, khiến số lượng giao dịch M&A ở Việt Nam suy giảm so với trước.
“EY-Parthenon ghi nhận khoảng 10 thương vụ đang trong quá trình đàm phán với giá trị lên đến hàng tỷ USD có thể được chốt trong thời gian tới. Dự kiến, từ năm 2024 trở đi, hoạt động M&A sẽ sôi động hơn”, bà Hương nói.
Bất động sản khu công nghiệp và bất động sản hạ tầng logistics có vị thế tốt hơn để vượt qua khó khăn và phục hồi do tác động của các yếu tố như dịch chuyển toàn cầu, sự phát triển của giải trí trực tuyến, thương mại điện tử, Internet vạn vật, 5G, thúc đẩy nhu cầu về các tài sản như bất động sản công nghiệp, trung tâm dữ liệu, hậu cần chặng cuối và nhà kho.
“Nhiều giao dịch đã và đang trong quá trình đàm phán với triển vọng tích cực. Mối quan tâm chính nằm ở việc tìm kiếm quỹ đất tiềm năng với giá trị hấp dẫn, cũng như có quyền sở hữu hợp pháp, đền bù giải phóng mặt bằng hoàn chỉnh và có tiềm năng phát triển”, bà Hương thông tin.
EY-Parthenon cho rằng, xu hướng thương vụ M&A bất động sản công nghiệp trong thời gian tới sẽ có quy mô vừa, nhưng số lượng lớn để mở rộng danh mục ở nhiều vị trí trọng điểm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các công ty FDI với giá trị trung bình từ 100 đến 200 triệu USD/thương vụ.
Bên mua khối ngoại vẫn sẽ là các quỹ, chủ đầu tư có kinh nghiệm tại thị trường Đông Nam Á và Việt Nam, trong khi đó, khối nội sẽ có thêm các doanh nghiệp tư nhân có tiềm lực tài chính tốt và mở rộng hoạt động sang lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp.
Bên bán phần lớn là các chủ đầu tư KCN nội địa với quỹ đất lớn, pháp lý hoàn chỉnh, muốn hợp tác để thu hút thêm khách hàng.
Ông Paul Fisher, Tổng giám đốc JLL Việt Nam nhận định, trong thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng đầu tư luôn trong xu hướng tăng, đặc biệt là từ các nhà đầu tư quốc tế tham gia vào thị trường bất động sản hậu cần công nghiệp Việt Nam.
“Làn sóng này manh nha từ khoảng năm 2018, khi các nhà đầu tư tư nhân bắt đầu thâm nhập thị trường Việt Nam và đóng góp nhiều cho sự phát triển hệ thống hậu cần, đặc biệt là hệ thống nhà xưởng, nhà kho. Ngoài ra, chúng tôi đang chứng kiến xu hướng tăng trưởng ngày càng mạnh mẽ về hệ thống bất động sản bao gồm hậu cần công nghiệp. Các nghiên cứu của JLL dự báo, diện tích nhà kho của Việt Nam sẽ tăng gần gấp đôi từ năm 2023 đến năm 2025”, ông Fisher chia sẻ.
“Chúng tôi đang thấy sự quan tâm ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế, trong đó một số nhà đầu tư đã bắt đầu tiến hành chốt các giao dịch tại thị trường Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng, nguồn vốn FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong thời gian tới. Giới đầu tư đang xem xét các khoản đầu tư đa dạng trên khắp Đông Nam Á. Một số nhà đầu tư đang định vị địa điểm để đặt văn phòng làm việc tại Việt Nam và như vậy, các khoản đầu tư có thể được chốt vào thời điểm cuối năm nay”, ông Paul Fisher nói.
Sự phát triển của các quỹ đầu tư tư nhân đã cung cấp một nguồn vốn dồi dào để thực hiện các thương vụ M&A. Những nhà đầu tư này không ngừng tìm kiếm các bất động sản đang hoạt động hoặc tìm cách liên doanh với đối tác có danh tiếng tốt. Đối với các nhà đầu tư trong nước thì việc mua khu đất phát triển dự án sẽ được ưu tiên hơn.
Giới chuyên gia cho rằng, hàng loạt vấn đề tồn tại liên quan đến thị trường bất động sản như hoạt động đầu tư, thủ tục pháp lý, cũng như hệ thống pháp luật liên quan đang dần hoàn thiện, nhằm hạn chế mâu thuẫn giữa các quy định trong hệ thống pháp luật về đầu tư. Điều này sẽ phần nào gỡ bỏ nhiều rào cản hiện hữu cho các hoạt động M&A bất động sản trong năm nay.