Nhà đầu tư tham quan khu giới thiệu Dự án Aqua City của Novaland. Ảnh: Lê Toàn |
Dịch chuyển từ thâu tóm sang xu hướng hợp tác
Đề cập câu chuyện M&A bất động sản, ông Bùi Xuân Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland (thành viên của NovaGroup) cho biết, M&A là một trong những cách mà Novaland thường sử dụng trong chiến lược mở rộng quỹ đất, phát triển bền vững các dự án quy mô lớn của mình. Một thương vụ M&A quỹ đất thành công sẽ mở ra cơ hội gia tăng giá trị cộng hưởng cho toàn bộ hệ sinh thái của NovaGroup, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Trong các thương vụ, Novaland luôn đề cao đối thoại, thảo luận thẳng thắn giữa hai bên để tìm ra tiếng nói chung hậu M&A. “Nhờ có chiến lược M&A rõ ràng, nên chúng tôi đang phát triển một loạt dự án quy mô lớn như NovaWorld Phan Thiết, NovaWorld Hồ Tràm, Aqua City... Tôi tin chắc rằng, với quỹ đất dồi dào đang nghiên cứu và đầu tư, Novaland sẽ tiếp tục có thêm nhiều dự án quy mô lớn trong tương lai”, ông Huy tự tin nói.
Chia sẻ về chiến lược mà doanh nghiệp đang hướng đến, ông Nguyễn Thái Phiên, Phó tổng Giám đốc NovaGroup nhấn mạnh, đó là triết lý “1+1=3++”. Nghĩa là, với mỗi thương vụ M&A, bên mua và bên bán đều kiếm tìm sự cộng hưởng, gia tăng giá trị, chứ không bên nào đi tìm “1+1=2” và càng không thể làm kết quả nhỏ hơn 2.
Ông Phiên nhấn mạnh, NovaGroup luôn xác định rất rõ các đối tượng mà mình hướng đến và đề cao tính “thực chiến” trong từng giao dịch. Trước khi bước chân vào một “cuộc hôn nhân dài hạn”, NovaGroup xác định rõ những điểm có thể đem lại cho “bạn đồng hành”, như doanh thu/lợi nhuận, khả năng quản trị hệ thống, tài chính... Việc xác định rõ kỳ vọng từ phía đối tác sẽ tạo điều kiện cho việc hợp tác, phát triển “đứa con chung” được thuận lợi và dễ đi đến đồng thuận hơn.
Thực tế, xu hướng của các thương vụ M&A trên thị trường đang chuyển từ thao túng, thâu tóm sang hợp tác hai bên cùng có lợi. Đây cũng là nhận định của bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc cấp cao thị trường vốn của JLL Việt Nam.
Bà Khanh cho biết, thời gian qua, các nhà đầu tư ngoại mong muốn hợp tác, tôn trọng đối tác địa phương vì đây là những người hiểu thị trường, đảm bảo quỹ đất sạch. Các giao dịch thường mang tính chất hợp tác và nhà đầu tư Việt Nam có thể giữ lại 15 - 20%, thậm chí 50%.
Kiến tạo giá trị hậu M&A
Có một sự khác biệt đưa đến thành công cho các doanh nghiệp gần đây, là chiến lược hậu M&A dự án. Ở hầu hết các thương vụ, sau khi “chốt hạ” thành công, bên mua đều lên kế hoạch “hồi sinh”, tạo giá trị thực sự cho dự án, mở ra nhiều cơ hội hợp tác.
Đơn cử, Dự án NovaWorld Phan Thiết (Bình Thuận) trước đây có tên là Thung lũng Đại dương do Công ty TNHH Delta Valley Bình Thuận làm chủ đầu tư, được khởi động năm 2013, nhưng sau đó “bất động” cho đến khi Novaland mua lại. Điều khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm đến dự án này chính là câu chuyện Novaland làm thế nào để “đánh thức” một vùng đất hơn 1.000 ha đã “ngủ yên” suốt nhiều năm thành một đại đô thị.
Thời điểm này, ai đi ngang tuyến đường ven biển thuộc xã Tiến Thành (Phan Thiết, Bình Thuận) đều thấy NovaWorld Phan Thiết như một đại công trường được xây dựng rất khẩn trương. Trong tương lai không xa, dự án này sẽ trở thành trung tâm nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí thể thao mang tầm quốc tế.
Tương tự, Tập đoàn Danh Khôi sau khi mua lại hàng loạt dự án cũng đang triển khai rầm rộ, trong đó có khu đất mua lại từ Công ty Sông Đà Nha Trang, hiện được đầu tư xây dựng với tên gọi The Aston Luxury Residence Nha Trang. Đại diện Tập đoàn Danh Khôi cho biết, từ nay đến cuối năm 2021 sẽ đưa ra thị trường nhiều sản phẩm bất động sản từ các khu đất đã được M&A năm 2020.
Còn với Tập đoàn Hưng Thịnh, thông qua nhiều hình thức, trong đó có M&A, hiện đã tích lũy được quỹ đất lên tới 4.500 ha, phân bổ ở nhiều tỉnh, thành phố. Một trong những đại dự án chuẩn bị được Hưng Thịnh “trình làng” là Khu du lịch Hải Giang Merry Land (TP. Quy Nhơn).
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh quỹ đất ngày càng khan hiếm và tăng giá, thủ tục triển khai dự án siết chặt, doanh nghiệp nào nắm giữ quỹ đất lớn sẽ trở thành “vua” của thị trường. Thông qua kênh M&A, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian hoàn thành thủ tục pháp lý, đền bù giải tỏa mặt bằng...
Cần nhấn mạnh rằng, giá trị thực sự của mỗi thương vụ M&A không đến từ việc mua đi, bán lại, mà đến từ giá trị kiến tạo hậu M&A. Do đó, nếu bên mua chỉ đáp ứng năng lực tài chính, thì chưa đủ, mà cần có tầm nhìn, sự nhanh nhạy và chuyên nghiệp để phát triển sản phẩm và sản phẩm đó được thị trường chấp nhận, thì lúc đó mới có thể coi là một thương vụ M&A thành công. Điều này cũng tương tự triết lý mà ông Bùi Xuân Huy chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư: “Novaland sẽ tiếp tục hành trình biến những mảnh đất còn ngủ yên, biến những hòn ngọc còn xù xì, thô ráp thành những viên kim cương vô giá, điểm đến tuyệt đẹp của thế giới”.
Hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã mang lại những thách thức chưa từng có, tác động đáng kể đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Tuy vậy, trong khó khăn vẫn có những doanh nghiệp có chung tầm nhìn, hòa hợp về triết lý kinh doanh “đứng cùng nhau tạo lập chuỗi giá trị” để dần nối liền những đứt gãy khách quan.
Trong “kỷ nguyên” Covid-19, các tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu của Việt Nam không chỉ đi đầu trên mặt trận chống dịch, mà còn là những doanh nghiệp năng động, quyết liệt nhất trong việc tái cơ cấu, mở rộng hệ sinh thái và tạo lập chuỗi giá trị thông qua các hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A).
Để có góc nhìn thực tế về hoạt động M&A thân thiện và nhận diện các cơ hội nâng cao chuỗi giá trị trong một hệ sinh thái “win - win”, ngày 15/10, Báo Đầu tư và NovaGroup phối hợp tổ chức Hội thảo trực tuyến “M&A thời đại dịch: Lớn mạnh cùng chuỗi giá trị” với sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện các doanh nghiệp, những người có nhiều năm gắn bó với thị trường M&A Việt Nam.
Hội thảo sẽ được tường thuật trực tuyến trên Fanpage của Đầu tư Chứng khoán và NovaGroup.